Kể chuyện làng: Đường dừa thương nhớ

Thiên Di Thứ tư, ngày 27/01/2021 08:29 AM (GMT+7)
Một bông hoa dù đẹp mấy thì cũng sẽ tàn, còn đường dừa sau vài chục năm tỏa bóng mát, dần dần lui vào quá khứ, theo dòng chảy của lịch sử và sự phát triển của quê hương.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Đường dừa thương nhớ - Ảnh 1.

Trong những ngày tháng hào hùng của dân tộc, quê hương Liên Minh huyện Vụ Bản, Nam Định được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, sản sinh ra bao lớp người con ưu tú của  đất Việt như Thượng tướng Song Hào – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, là nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam, là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch – Bộ trưởng Ngoại giao….cùng với người dân quê tôi, tất cả đều ít nhiều góp công, góp sức, xây dựng quê hương giàu đẹp, làm rạng danh truyền thống cách mạng.

Nhớ về quá khứ, bố tôi thường kể, quê tôi ngày đó đẹp lắm, đẹp nhất là hàng dừa chạy từ cây đa đầu làng cho đến cuối làng. Hàng dừa  được trồng với mong muốn vừa là tạo điểm nhấn, xây dựng quê hương ngày càng giàu vừa đẹp, vừa là để chút gì cho thế hệ con cháu sau này, nhớ về một thời tuy khó khăn nhưng anh hùng của quê hương.

Ngày đó, để trồng được một hàng dừa xanh mát, trải dài hàng trăm mét không phải là điều đơn giản. Ý tưởng xuất phát từ ông Chủ nhiệm hợp tác xã vào những năm 1959 - 1960, trải qua rất nhiều phiên họp, thuyết phục cả làng đồng tâm, hợp sức trồng hàng dừa.

Ngày tiến hành, cả làng vui như hội, người cầm cuốc, người cầm thuổng, xẻng…Mọi người phân công mỗi nhóm nhỏ đào từng gốc cây. Không khí vui như  cảnh " trên công trường rộn tiếng ca".

Bố bảo, không phải cứ trồng xong thì tự nhiên hàng  dừa sẽ xanh mát. Cả làng đều phân công người chăm sóc, tưới rón trong những  ngày mới trồng. Rồi cũng phải thuyết  phục bà con, giữ gìn cẩn thận, không để vật nuôi, trâu bò làm hỏng hàng dừa. Cũng may giống dừa có sức chịu đựng, tăng trưởng tốt. Sau vài năm, một hàng dừa dần  dần hình thành, xanh mát như trong bức ảnh tôi được nhìn lại.

Đối với gia đình tôi, hàng xưa cũng lưu nhớ nhiều kỷ niệm đẹp. Bố tôi thường cảm ơn duyên phận, run rủi thế nào, bố mẹ lại nên duyên. Ngày đó mẹ tôi ở cuối làng, còn bố  tôi ở  đầu làng, muốn sang nhà mẹ phải đi qua con đường dừa.

Thời của bố, chuyện đôi lứa hẹn hò, yêu nhau đơn giản lắm, là những đêm ngồi tâm sự đến khuya bên bếp lửa hồng khi mẹ ngồi đun nước cho ông ngoại hay nấu nồi cám cho lợn. Rồi những buổi chiều, sau khi kết thúc một ngày làm việc ngoài đồng, hai người lại rảo bước trên con đường dừa xanh mượt, rợp bóng cây.

Bố hay hổi tưởng, thời của bố mẹ yêu đương, hẹn hò đơn giản lắm, chỉ cần gặp, ngồi bên nhau, nắm cái tay là cảm thấy vui lắm rồi. Nhiều lúc bố hay mắng chúng tôi, sao bây giờ thanh niên yêu đương lạ vậy, chẳng như thời của bố. Tôi chỉ khẽ cười, mỗi thời mỗi khác, nhưng không vì vậy mà tôi không trân trọng và thích thú với những gì bố và mẹ trải qua.

Kể chuyện làng: Đường dừa thương nhớ - Ảnh 3.

Hình ảnh cây đa và giếng nước của làng (hiện tại cây đa không còn) , ảnh chụp năm 2006.

 Rồi trong không khí hào hùng của đất nước, quê hương tôi vinh dự được tỉnh Nam Hà ( hiện nay là tỉnh Nam Định và Hà Nam) chọn lựa để thành lập trường cấp ba B Vụ Bản. Trường được đạt ngay trên quê hương làng Nhì Giáp, xã Liên Minh của tôi. Và điều trùng hợp, địa điểm được chọn chính là đoạn cuối của con đường dừa.

Ngày mới thành lập, trường chỉ có 8 lớp với 378 học sinh, trong đó có 3 lớp 9 ( 91 học sinh), 5 lớp 8(287 học sinh ) và chưa có lớp 10. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng không nhiều, chỉ có 31 cán bộ và giáo viên. Cơ sở vật chất những ngày mới thành lập rất khó khăn và thiếu thốn. Trụ sở làm việc của Ban giám hiệu và nhà ở của giáo viên đều ở nhờ của nhà người dân.

Có lẽ chính vì quê tôi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, giàu tình thương người nên được vinh dự chọn là địa điểm xây dựng nhà trường. Mọi người thường bảo, quê mình có thể nghèo tiền, nghèo vật, nhưng không bao giờ nghèo tình thương.

Ngồi nhìn lại hình ảnh đẹp của hàng dừa qua bức ảnh của cha ông để lại, trong đầu tôi chợt xuất hiện về hình ảnh những thế hệ học sinh, tay cầm cặp sách, lưng đeo chiếc mũ rơm, ăn mặc giản dị, bước tung tăng trên đường, lòng phới phới nghĩ về ngày mai xây dựng quê hương, đất nước.

Và tôi nghĩ, trong không gian đầy thơ mộng đó, con đường dừa còn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm của lớp lớp học sinh trường cấp 3 B Vụ Bản,  những mối tính đầu vụng dại ,thơ ngây.

Đến thời của tôi, con đường dừa không còn đẹp như trước, nhiều cây đã không còn, vài cây còn xanh tốt, nhưng nhiều cây đã úa vàng, thiếu sức sống.

Kể chuyện làng: Đường dừa thương nhớ - Ảnh 4.

"Con đường dừa" hiện tại………

Rồi ngày cây dừa cuối cùng ra đi cũng đến. Quê hương ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại hơn, nhưng " cảnh cũ, người xưa' thì không còn.

Sự "ra đi" của con đường dừa để lại bao nỗi niềm luyến tiếc của người dân quê tôi. Nó không chỉ là cảnh đẹp, đây còn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm về tình quê, thôi thúc chúng tôi cần phải làm gì đó, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem