Kể chuyện làng: Trường làng

Lê Trung Tín Chủ nhật, ngày 31/01/2021 11:42 AM (GMT+7)
Nghe Thầy nhắc lại, tôi muốn khóc... Dòng đời đưa đẩy. Biết mấy ai còn nhớ những khuôn phép đạo đức trong những bài học vỡ lòng mà chúng ta đã học.
Bình luận 0

Tôi đi ngang qua trường xưa. Một thoáng bồi hồi nhoi nhói trong tim. Ký ức dù vui mấy thì khi nghĩ về nó, ta đều thấy buồn buồn.

Kể chuyện làng: Trường làng - Ảnh 1.

Di ảnh của Thây giáo già.

Nói trường xưa cho hay vậy thôi chứ thực chất nó là cái sân trước được lợp tole thuộc ngôi nhà của ông thầy giáo dạy vỡ lòng cho tôi: Thầy Ngữ (dân quanh vùng quen gọi là ông giáo Ngữ). Để có chỗ để dạy bọn học trò lem luốc, dơ dáy, chuyên mặc quần đùi áo vá đi học và phá như giặc là tụi tôi, Thầy và các anh con của Thầy phải đi xin (hoặc mua) tre quanh làng Vân Hội để về đóng những dãy băng ghế. Mỗi băng ghế là một cây tre dài được chẻ làm hai, úp xuống, dính chặt với cái bàn là những tấm ván gỗ tạp nứt nẻ, khuyết tật mà không biết Thầy tìm ở đâu ra. Bên hông “trường” là bãi đất trống (ở đây người ta gọi là đàng luồng) nơi chúng tôi ra chơi, vui đùa, đập lộn sứt đầu mẻ trán vào thời gian giữa những buổi học, khi mà chúng tôi thấy Thầy trễ đôi mắt kính xuống sống mũi, đầu Thầy gật gù là biết Thầy đang ngủ gật. Ngay tắp lự, chúng tôi “a lê hấp” phóng ngay ra đàng luồng. Ở đó, tôi nhớ, còn được đặt chễm chệ một cái chum đựng nước tiểu, và theo lệnh của Thầy, lũ học trò nửa người nửa ngợm của chúng tôi phải “ấy” vào đó để Thầy tưới rau. Cạnh đàng luồng là vách cái quán tạp hoá của bà Trợ Quẹo già, có một cái lỗ nhỏ để chúng tôi đưa những đồng bạc cắc, xin hoặc “chôm” của cha mẹ, vào, đổi lấy những viên đường tán hoặc kẹo đỗ ngọt lịm trên đầu lưỡi, bất kể nó được đưa từ tay của một bà già quanh năm chỉ vận một bộ quần áo và hay quát tháo tùm lum.

Kể chuyện làng: Trường làng - Ảnh 2.

Trường cũ của tôi.

Và, cứ thế, tại đó, Thầy đã dạy các thế hệ anh chị chúng tôi và chúng tôi những bài học vỡ lòng: “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học, miệng thì đọc, tai thì nghe, chớ ngủ nhè, chớ láu táu... nước đang cần người tài giỏi, cố học hỏi để tiến nhanh...".

Trường chỉ cách khu bán cá chợ Cây Da (mà sử gia Tạ Chí Đại Trường thích gọi là chợ Cây Gia) vài bước chân. Để đến trường, chúng tôi thường đi chân đất qua khu này. Mùi tanh nồng từ xác của những con cá Nóc nằm rải rác, phơi bụng trên đường theo chân, theo tóc, theo da chúng tôi vào lớp. Giờ đây, chợ Cây Da, một trong những ngôi chợ quê còn sót lại ở Việt Nam, cũng đã bị đập bỏ; thay thế bằng một công viên, thiết kế hơi giống một cái đàn tế trời.... Tôi nhớ có một lần tôi trốn học xuống chợ này ăn bánh hỏi với thằng cu Tí. Đang ăn, bất chợt tụi tôi ngẩng lên thấy vợ Thầy xách giỏ đi chợ, tôi cùng đồng bọn lập tức nhảy vào chum nước mắm trống của bác Thợ Bảy, trốn. Thoát nạn.

Làng chúng tôi cũng có sông. Con sông có cái tên rất thơ mộng: sông Hà Thanh, chảy từ thượng nguồn huyện Vân Canh xuống. Các cụ vẫn hay gọi đoạn sông qua làng là sông Cây Da. Khi rủ nhau trốn học đi tắm sông, lũ trẻ chúng tôi thường truyền nhau một “mật ngữ”: “Đập Chuông”. Nghĩa được giải như sau: Đập chuông nói lái lại là đuông chập, đuông chập lái lại lần nữa là đâm chuột, đâm chuột là đâm tí, mà đâm tí lại lái thành “đi tắm”...

Trở lại chuyện học hành. Có trăm ngàn lý do để Thầy bắt chúng tôi quỳ hoặc xoè hai bàn tay ra cho Thầy dùng thước đánh vào: đánh nhau, ồn ào trong giờ học, không thuộc bài, trốn học đi chơi, lợi dụng lúc Thầy ngủ gục chạy ra đàng luồng... Học ngu, chậm hiểu tới mức Thầy chịu không nổi cũng có khi quỳ. Đối với chuyện quỳ, Thầy thường cho chúng tôi tuỳ chọn là quỳ trên nền cement rải cát hoặc quỳ trên vỏ mít. Những lúc cô, (vợ Thầy) không trữ đủ vỏ mít thì Thầy chỉ cho chúng tôi duy nhất một phương án là quỳ trên nền cement rải cát. Còn khi nằm chồng lên nhau để Thầy quất roi vào mông thì những thằng bợm nhất thường phải nằm dưới. Khi thằng nằm trên ăn roi văng xuống thì thằng nằm dưới liền kề tiếp tục chịu trận. Dĩ nhiên người viết bài này thỉnh thoảng cũng là tội đồ, phải chịu những lằn roi “oan nghiệt” của Thầy, chẳng hạn như lần thằng cu Cọp con chú Bốn bị tôi cầm cây viết lá tre đâm thủng bàn tay, nó sợ quá, chuyển qua học trường thầy Sâm cách đó một cây số, hay là lần tôi cố dìm đầu thằng Phúng vào chum nước tiểu, chưa thành công thì đã bị Thầy bắt gặp...

Chúng tôi thành người nhờ những lằn roi và dấu quỳ đó.

Kể chuyện làng: Trường làng - Ảnh 4.

Chợ Cây Da ngày xưa, giờ đã là quá vãng.

Học phí Thầy lấy rất thấp nên con nít trong làng từ giàu đến nghèo đều được đi học. Và vì thế Thầy mãi vẫn nghèo. Các con Thầy thì cũng không giàu, cho nên căn nhà trải qua mấy chục năm rồi vẫn như xưa, tuyệt không khác. Riêng “trường” thì đã tháo dỡ, để lại một khoảng sân buồn tênh. Thầy thì đã ra người thiên cổ hơn hai mươi năm. 

Khoảng vài năm trước khi Thầy mất, tôi với thằng cu Tí có đi thăm Thầy. Trước Thầy đã ốm, giờ còn ốm hơn, và vẫn ho sù sụ như khi xưa, lúc còn bị bụi phấn bám phổi. Tôi hỏi Thầy còn nhớ tôi không. Thầy nói: “Nhớ chứ. Một cây xanh dờn!”. “Một cây xanh dờn” là biệt danh Thầy đặt cho tôi khi đó, nghĩa là quá sức nghịch ngợm. Thầy còn nhớ sau mấy chục năm, mà tôi không nhớ. 

Chúng con ghi sâu ơn Thầy. Và nhớ mãi trường xưa.

26/1/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem