Những căn nhà cổ còn sót lại
Từ Quốc lộ 18 đoạn xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, chúng tôi đi xe chừng nửa giờ nữa để vào tới Khe Ngàn - trung tâm xã Đại Dực. Khác với khung cảnh rực rỡ hồi lúa chín tháng 10, Đại Dực cuối đông phủ một màu xám bạc, co mình trong lạnh giá.
600 hộ dân với hơn 2.600 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực sống quần cư, rải rác trong các thôn: Khe Ngàn, Khe Lục, Khe Léng, Phài Giác, Khe Quang.
Đại Dực so với 5 năm trước, thời còn là xã 135, giờ đã thay đổi rất nhiều. Tôi không ngạc nhiên với những con đường bê tông xuyên suốt thôn, khe bản, nhưng ngạc nhiên với những ngôi nhà mới. Những căn nhà vách đất hoặc xây bằng gạch không nung trước kia, nay được thay bằng nhà gạch xây theo kiểu hiện đại. Nhiều hộ gia đình người Sán Chỉ còn xây nhà cao tầng, mái bê tông kiên cố như của người Kinh.
600 hộ dân với hơn 2.600 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực sống quần cư, rải rác trong các thôn: Khe Ngàn, Khe Lục, Khe Léng, Phài Giác, Khe Quang.
Lẽ ra nên mừng cho nông thôn mới ở Đại Dực, nhưng sao tôi vẫn không vui. Chợt thấy phảng phất về những mái nhà lợp ngói âm dương, cổng và hàng rào xếp bằng đá cuội, nằm rải rác từ triền thung lên sát núi Thông Châu. Nhưng đó là khung cảnh khoảng 10 năm về trước.
"Giờ Đại Dực vẫn còn những căn nhà như thế" - anh Nguyễn Thế Anh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực, người rất tâm huyết với việc phục dựng văn hóa cổ của người Sán Chỉ ở Tiên Yên, quả quyết.
Thế là chúng tôi cuốc bộ đến thăm những căn nhà cổ của người Sán Chỉ còn sót lại ở Đại Dực. Căn nhà đầu tiên chúng tôi ghé là của vợ chồng ông Nình A Liềng (71 tuổi), thôn Khe Lục.
Căn nhà tọa lạc trên một sườn đồi cao, ngẩng mặt là đỉnh Thông Châu, cúi xuống là xóm làng thôn Khe Ngàn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến nhà ông Liềng là cổng và bức tường bao, hoàn toàn được xếp bằng đá cuội, không hề có một chất gắn kết nào. Phải có bí quyết nào đó, bức tường đá không vôi vữa kia mới trụ vững trước gió mưa, qua nửa thế kỷ như vậy.
Nét văn hoá cộng đồng
Bước qua cổng đá, "thế giới" của vợ chồng ông Liềng hiện ra thanh bình, mộc mạc. Những vật dụng thô sơ như cái chum chứa nước, cối đá, sọt, rổ rá bằng tre đan... vẫn còn nguyên giá trị. Trong nhà, những đồ vật tuy giản đơn nhưng lại được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Gian chính giữa dùng để tiếp khách và ngăn thành nhiều phòng ngủ.
Tiếp sau các phòng ngủ, bếp được đặt ở vị trí trung tâm của nhà; phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và những đồ dùng được làm bằng tre nứa. Ngoài khu nhà chính, khu nhà của vợ chồng ông Nình A Liềng còn có hai chái nhà không làm sàn; một chái là nơi để cối xay thóc, giã gạo; một chái đựng chum hứng nước chảy từ khe về.
Ông Liềng cho biết, căn nhà này do chính tay ông bà dựng lên, từ ngày mới lấy nhau khoảng 50 năm trước. Nửa thế kỷ sống trong căn nhà này, từ khi sinh đẻ đến khi các con đã trưởng thành ra ở riêng, căn nhà gần như không phải sửa chữa gì.
Chúng tôi lại tới thôn Khe Quang, ghé thăm nhà của ông Nình A Sệnh. Căn nhà 2 mái lợp ngói âm dương, tường nhà phần dưới được xây bằng đá suối và gạch đất ở phần trên được trát vữa.
Khung cột, vách ngăn và vì kèo nhà làm bằng gỗ. Sàn được lát bằng ván gỗ. Sàn nhà cao hơn mặt đất chừng hơn 1m. Dưới gầm sàn không dùng để nhốt trâu, bò, lợn như nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Thái.
Mục đích của sàn nhà là để thông thoáng ngăn không cho thú rừng vào nhà và để chứa đựng những dụng cụ phục vụ canh tác và đời sống hàng ngày. Bếp được đặt ở vị trí trung tâm của nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và những đồ dùng được làm bằng tre nứa để chống mối mọt. Một chái nhà không làm sàn, dùng làm nơi để cối xay thóc, giã gạo và nuôi gà. Bậc lên xuống của ngôi nhà được xây bằng đá.
Khi được hỏi, cả ông Liềng, ông Sệnh đều nói không thích ở nhà mới. Đối với lớp người Sán Chỉ già, nhà sàn không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa, đại diện cho một cộng đồng dân tộc. Nơi mà ở đó họ sống có quy tắc, có không gian riêng, mỗi không gian lại gắn liền với một văn hoá ứng xử khác nhau.
Tuy nhiên, những ngôi nhà cổ ở Đại Dực chẳng còn là bao. Trong thời đại đời sống kinh tế - xã hội phát triển ngày một nhanh như hiện nay, những căn nhà cổ ấy đang dần mất đi để nhường chỗ cho các ngôi nhà mái ngói, mái bằng hiện đại. Theo thống kê của xã, hiện tại chỉ còn 14 căn nhà cổ còn tồn tại.
Buổi tối ăn cơm ở Đại Dực, Bí thư Nguyễn Thế Anh đưa ra ý tưởng của anh về một làng du lịch cộng đồng, trong đó có nền văn hoá lâu đời không thể trộn lẫn. Cùng với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, có ruộng bậc thang bên cạnh thác, hồ, khe, suối, thì hát Soóng Cọ (một thể loại hát giao duyên của người Sán Chỉ) và những căn nhà cổ được bảo tồn, phục dựng sẽ là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách...
Tôi nói sẽ ủng hộ ý tưởng của Bí thư Đại Dực, nhưng bằng cách nào thì đến giờ tôi vẫn chưa biết được.