Sáng ngày 18/2, tại chợ Kim Tân, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), rất nhiều người trồng hoa lay ơn cầm từng bó rao bán với giá 10.000 đồng/bó (10 cành), trong khi đó, trước Tết, hoa lay ơn không có giá dưới 35.000 đồng/bó, thậm chí có thời điểm người tiêu dùng phải mua với giá 65.000 đồng/bó.
Những người đi chợ sớm rủ nhau mỗi người mua một bó ủng hộ người bán bởi giá rẻ như rau, không biết người trồng lỗ nặng thế nào.
Chị Trần Thị Hoa, người trồng hoa lay ơn ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: Gia đình chị trồng hơn 1 vạn hoa lay ơn, đến nay trong vườn còn hơn một nửa đang đến kỳ cắt bán mà không ai hỏi mua. Mọi năm, chị không phải bán lẻ từng bó ở chợ như thế này, bởi tư thương về tận vườn gom hàng loạt, còn năm nay thì ế.
Vườn hoa Sơn Bích, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai từ sáng sớm không khí làm việc đã rất nhộn nhịp, nhưng điều dễ nhận thấy là tâm trạng không vui của chủ vườn. Gia đình chị Bích đã 10 năm trồng hoa.
Theo lời chị Bích thì gia đình thường “ăn hoa” vào dịp trước Tết, nghĩa là bán hoa trước Tết thu được một khoản lớn, một năm thường trông chờ vào vụ hoa này. Năm nay, thời tiết không ủng hộ, lại thêm dịch Covid-19 khiến nhu cầu của thị trường giảm mạnh, làm 7 vạn cây hoa trong vườn ế ẩm, mới tiêu thụ được hơn 1 vạn trước Tết.
Gia đình chị Bích trồng chủ yếu là hoa cúc, chị chỉ vườn cúc đã nở bung mà không thể tiêu thụ, trong lòng đầy phiền muộn. “Hiện tại hoa cúc đại đóa tại vườn có giá hơn 1 nghìn/bông, nhưng vấn đề là giá rẻ cũng không có người mua”, chị Bích chia sẻ.
Quy trình chăm sóc cúc đại đóa rất phức tạp, ở các vùng trồng lớn có kho lạnh, người trồng sau khi thu hoạch có thể gửi vào kho lạnh để ép hoa nở theo ý muốn, nhưng ở tỉnh Lào Cai thì điều này không thể, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên.
Hoa nở hàng loạt mà không bán được thì chỉ cắt bỏ. Trước Tết, mỗi bông cúc đại đoá chị Bích có thể bán được 4 nghìn đồng tại vườn, thậm chí có thời điểm bán được giá 5 nghìn đồng.
Cùng chung cảnh ế ẩm là vườn đào của gia đình ông Bùi Đức Huy, thôn Phú Hải, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai).
Trong vườn là bạt ngàn những gốc đào kép đang bung nở, nhìn vườn đào không khỏi xót xa. Người qua đường thấy đẹp, xin vào chụp ảnh, thậm chí ông Huy không còn tâm trạng để ý.
Vườn đào nhà ông Huy có hơn 1.000 gốc, năm nào thu hoạch năm đó. Quy trình trồng là ông Huy mua gốc đào về ghép mắt, sau một năm vất vả chăm sóc, đến Tết sẽ xuất vườn. Vụ đào Tết Tân Sửu năm nay, ông Huy chỉ bán được 1/3 số gốc đào trong vườn với giá rẻ kỷ lục.
Ông Bùi Đức Huy cho biết: Năm trước, gốc đào đẹp trong vườn có thể bán 1 triệu đồng/cây, còn năm nay giá loanh quanh chỉ 200.000 đồng/cây, đắt nhất được 600.000 đồng/cây.
Điều đáng nói, đào Tết giá thì rẻ mà không có người mua. Hậu quả là ra Tết vẫn còn cả vườn hoa đào đang nở rực rỡ.
Ông Huy thăm vườn đào, trong lòng ngổn ngang nhiều tâm trạng, không biết dịch bệnh đến bao giờ kết thúc, để sức mua của thị trường được cải thiện. Dù chán nản nhưng làm nghề trồng đào hơn chục năm rồi, ông Huy vẫn kiên trì theo đuổi hy vọng sẽ có dấu hiệu khả quan.
Hàng loạt vườn hoa trên địa bàn Lào Cai sau Tết đang rơi vào tình trạng ế ẩm, không người mua, giá hoa rẻ hơn rau, trong khi đó, công chăm sóc vất vả.
Vụ hoa Tết thất bại với hầu hết nhà vườn. Họ đang phải loay hoay tìm cách bán lẻ từng bông hoa với mong muốn thu hồi chút vốn liếng. Trên mạng xã hội, nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi “giải cứu hoa” mục đích chung tay giúp các nhà vườn của tỉnh Lào Cai tiêu thụ hoa.