Long An: Vùng đất dân ra sông Vàm Cỏ bắt con gì về làm ra thứ mắm đỏ như son, bán chạy như tôm tươi?
Long An: Vùng đất dân đi đóng đáy trên sông Vàm Cỏ bắt con gì để làm ra thứ mắm bán chạy như tôm tươi
Chủ nhật, ngày 21/02/2021 14:22 PM (GMT+7)
Trong tiết trời se lạnh của những ngày gần tết, chúng tôi về khu phố Tân Phước, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tìm hiểu về nghề làm mắm ruốc truyền thống của người dân nơi đây.
Không biết nghề làm mắm ruốc có tự bao giờ nhưng trong các mâm cơm gia đình, mắm ruốc được xem là món ăn quen thuộc, dân dã, đậm chất quê hương, gắn liền với tuổi thơ của bao người.
Vừa vào đến đầu ngõ, chúng tôi đã ngửi thấy mùi mắm ruốc thơm ngào ngạt xen lẫn là hình ảnh những mâm ruốc được phơi dưới ánh nắng vàng rực rỡ.
Bà Chung Thị Thâm, ngụ khu phố Tân Phước, thị trấn Cần Đước (tỉnh Long An) bộc bạch: “Mắm ruốc mà phơi gặp nắng tốt như vậy lên màu đẹp lắm, chỉ cần phơi hai nắng là có thể giao cho khách. Còn mắm mà phơi gặp trời âm u là ruồi bu ngay, màu lên không đẹp, có mùi hôi, khách hàng sẽ không thích...".
"Gần Tết Nguyên đán , gia đình tôi làm mắm không đủ giao cho khách hàng mặc dù số lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, vì vậy, ai muốn ăn phải đặt trước cả tháng mới có hàng giao”, bà Chung Thị Thâm, khu phố Tân Phước, thị trấn Cần Đước (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Được biết, nghề đóng đáy làm mắm ruốc gắn bó với người dân miền hạ như Cần Đước, Cần Giuộc nhiều năm qua.
Trước đây, người dân nơi này chỉ làm mắm ruốc để ăn trong nhà, ít đem bán, còn bây giờ, mắm ruốc đã trở thành món đặc sản của nhiều người, nhất là những người con xa xứ.
Chị Trần Thị Thu Thủy, ngụ phường 1, TP Tân An (tỉnh Long An), cho biết: “Quê tôi ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Từ nhỏ, mấy chị em tôi thường theo cha mẹ đi đóng đáy làm mắm gần cả chục năm. Sau đó, gia đình mới bán ghe, lên bờ lập nghiệp. Vì vậy, đối với tôi, mắm ruốc không đơn giản là món ăn mà chứa đựng trong đó kỷ niệm tuổi thơ bên gia đình. Để rồi mỗi lần về thăm quê, tôi đều mua vài ký mắm ruốc vừa làm quà, vừa để dành ăn”.
Không ai biết nghề đóng đáy làm mắm ruốc có tự bao giờ, đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ nước ròng từ tháng Giêng đến tháng tư Âm lịch, người dân miền hạ lại chèo ghe dọc sông Vàm Cỏ đóng đáy làm mắm ruốc nhộn nhịp cả khúc sông. Còn bây giờ, người làm nghề đóng đáy làm mắm ruốc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Bà Chung Thị Thâm cho biết thêm: “Từ nhỏ, tôi đã theo mẹ học nghề làm mắm ruốc. Đây là nghề truyền thống của quê mình nên phải giữ gìn. Mắm ruốc gia đình tôi nói riêng, người dân miền hạ nói chung không sử dụng phẩm màu, hóa chất, bảo đảm chất lượng...".
Theo bà Thâm, để làm ra mắm ruốc ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn: Sau khi đóng đáy, ruốc rửa thật sạch, ướp muối cho tan tùy theo ruốc lớn hay nhỏ, khi muối tan, đem ruốc ra phơi đủ nắng và bỏ vào bao buộc thật chặt, ủ khoảng 6 tháng, kế tiếp đem ra xay thật nhuyễn, bỏ thêm tỏi, ớt và nước đường, cuối cùng thì phơi nắng gắt 2 ngày là có thành phẩm”.
Hiện nay, mắm ruốc Cần Đước bán với giá 100.000 đồng/kg. Được biết, mắm ruốc được chế biến nhiều món như mắm ruốc xào thịt ba chỉ, mắm ruốc chưng, mắm ruốc làm lẩu,...Hay đơn giản, mắm ruốc có thể làm nước chấm trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Anh Huỳnh Trung Hiếu, ngụ thị trấn Cần Giuộc, cho biết: “Ngày nay, có nhiều người bán mắm ruốc nhưng gia đình tôi vẫn thích mắm ruốc của bà Chung Thị Thâm. Vì mắm ruốc của bà làm rất đặc trưng, không lẫn với bất cứ đâu. Hơn hết, thấy cách bà chế biến, tôi rất an tâm nên ăn cũng ngon miệng hơn”.
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân miền hạ lại tất bật cho ra thị trường những mẻ mắm ruốc ngon nhất, góp phần có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong những ngày tết đến, xuân về và giữ nghề truyền thống của quê hương.
(Bài viết đăng trên báo Long An online ngày 20/1/2021).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.