Theo ông Nguyễn Văn Như - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An): Năm 2011, dự án Heifer hỗ trợ 200 con bò cái tơ cho nông dân ở 3 xã trên địa bàn huyện.
Năm 2015, dự án Heifer kết thúc, trên nền tảng giống bò đã được hỗ trợ, Hội Nông dân huyện Thủ Thừa được giao quản lý và tiếp tục hoạt động theo mô hình dự án cho mượn giống bò.
Từ 8 nhóm ban đầu với 180 thành viên và 3 nhóm chuyển giao với 62 thành viên, hiện mô hình mượn giống nuôi bò thịt đã phát triển mới 6 nhóm với 249 thành viên, đàn bò tăng lên 483 con.
Quan trọng hơn, theo ông Như, mô hình mượn giống nuôi bò thịt này đã góp phần tích cực cho sự phát triển chung của huyện Thủ Thừa. Mô hình giúp nông dân nhiều mặt, như: Kỹ thuật chăn nuôi bò, vốn đầu tư nuôi bò, nuôi gia súc… Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân.
"Có nhiều hộ nông dân từ nghèo khó khi tham gia mô hình mượn giống nuôi bò thịt đã thành đạt, giàu có" - ông Như chia sẻ.
Ông Út Thành (Nguyễn Văn Thành, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết, ông là người nhận bò giống của dự án ngay từ lúc mới triển khai.
Từ một con bò cái tơ, giờ ông đã có 10 con bò giống lai Sind và bò 3B. Trong đó, có 7 con bò nái.
"Trung bình, cứ mỗi năm, từ đàn bò này, tôi thu từ tiền bán bê con hơn 100 triệu đồng" - ông Út Thành thổ lộ.
Năm 2017, thấy nhiều bà con nông dân tham gia mô hình nuôi bò, ông Ba Xuân (xã Mỹ Thạnh) cũng xin nhận giống bò về nuôi. Hiện, ông Ba Xuân có 3 con bò, trong đó 2 con bò nái.
"Hầu hết bà con nông dân ở đây vừa làm ruộng vừa nhận bò nuôi thêm. Nếu cứ duy trì cách làm này, tôi nghĩ việc thoát nghèo vươn lên khá giả sớm muộn cũng thành công" - ông Ba lạc quan.
Tuy nhiên, theo ông Ba Xuân, muốn giàu có từ nuôi bò nông dân phải nuôi số lượng lơn lớn và luôn nâng cao chất lượng đàn bò.
Đánh giá hiệu quả của dự án Heifer, ông Phan Văn Tới - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An)- cho rằng: "Chưa thấy dự án kinh tế, xã hội nào triển khai tại địa phương lại mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tính lan tỏa như vậy".
Ông Tới cũng cho biết, từ hiệu quả thiết thực của dự án mà huyện Thủ Thừa mới có Nghị quyết 02 về phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Tới lưu ý, để việc nuôi bò thịt của bà con nông dân hiệu quả hơn thì cần phải nâng cao chất lượng đàn bò bằng việc cải thiện giống bò.
Ông cho biết, đã đề nghị phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện để hướng dẫn nông dân tham gia nuôi bò cải thiện chất lượng đàn bò giống.
Ông Phạm Minh Hùng - Trưởng đại diện cơ quan đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam - cho biết: Hiệu quả thiết thực của dự án mượn giống nuôi bò thịt là góp phần giảm nghèo cho nông dân nên cần duy trì mô hình nuôi bò ở huyện Thủ Thừa.
"Hoạt động của các nhóm nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) hiện nay nên gắn liền với chi hội, tổ hội nghề nghiệp của tổ chức Hội Nông dân để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới" - ông Nguyễn Minh Hùng gợi ý.