Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiên phong đưa cây quế về trồng trên những ngọn đồi rậm um lau lách từ 25 năm trước, giờ ông Phùng Sinh Quyên (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã trở thành đại gia với tài sản lên đến mấy chục tỷ đồng.
Mấy chục tỷ đồng này ông “gửi” trên đồi đang hàng ngày hàng giờ tăng trưởng ổn định theo tuổi đời và đường vanh thân cây quế. Học theo ông, đồng bào dân tộc Dao sinh sống nơi thượng nguồn suối Lóng tận dụng từng vạt đất trống để trồng quế và nhiều hộ đã thu về tiền tỷ, có cuộc sống sung túc…
Rễ siêng nơi đất khó
Dáng người nhỏ thó nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn, bước sang tuổi 56 mà sức vóc của Bí thư chi bộ Phùng Sinh Quyên vẫn chẳng kém gì thanh niên trai tráng.
Bao năm nay ông vẫn duy trì đều đặn nếp sinh hoạt dậy từ mờ sáng, ăn chắc dạ, dắt thêm mo cơm nắm rồi đeo dao vác cuốc lên đồi phát cây, dọn cỏ.
Mặt trời đứng bóng mới nghỉ tay vào lán giở cơm nắm dùng bữa, chợp mắt một lúc rồi lại cặm cụi làm cho đến nhọ mặt người mới thu dọn về nhà. Khu Lóng chưa có sóng điện thoại, muốn gặp, liên hệ với ông phải nhờ người nhắn từ hôm trước, nếu không thì chỉ còn cách đợi đến tối.
Nghe mọi người gọi vui là đại gia, ông Quyên chỉ cười hiền, cơ ngơi có được hôm nay là kết tinh từ mồ hôi, nước mắt trong suốt mấy chục năm ròng rã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quần quật cả ngày trên đồi cao của vợ chồng con cái ông.
Gan bàn chân, bàn tay ông chai sạn nổi từng cục lớn, gai nhọn, lá sắc cũng phải chào thua.
Theo lời kể của ông Quyên, cùng với mấy hộ đồng bào dân tộc Dao, ông bà thân sinh ra ông hạ sơn về định cư nơi thung lũng thượng nguồn suối Lóng cách đây đã ngót thế kỷ.
Thời điểm bấy giờ người Dao không mấy khi ở cố định lâu dài do cuộc sống chủ yếu dựa vào các hoạt động săn bắn, khai thác lâm sản theo cách “chặt gốc ăn ngọn” đến khi tài nguyên rừng khan hiếm, cạn kiệt thì lại chuyển sang khu vực khác.
Thế nên năm 1954, khi sản vật từ rừng ở khu suối Lóng dần khan hiếm cũng là lúc ông bà bồng bế, dắt díu nhau ngược lên mạn Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) dựng nhà.
Chào đời trên đất rừng Văn Chấn, chưa cao bằng cây cuốc dựng ngược, cậu bé Phùng Sinh Quyên đã quen với việc luồn rừng đặt bẫy thú, phát cỏ vỡ đất phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Tròn 19 tuổi, cậu dắt theo hôn thê cùng bố mẹ dọn nhà về lại nền đất cũ ven suối Lóng quyết tâm lập nghiệp.
Thời điểm năm 1984, khu vực này các khu đồi đất trước đây là rừng nguyên sinh với các cây đại thụ mấy người ôm giờ chỉ còn giang nứa cùng lau lách.
Tập quán du canh du cư, dựa vào rừng chưa dễ gì thay đổi ngay nên dẫu có sức khỏe, cần mẫn ngày đêm trên nương rẫy và mấy sào lúa nước mới khai hoang nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn quẩn quanh với đói nghèo, túng thiếu.
Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, cán bộ vào vận động người dân nhận đất lâm nghiệp để sản xuất.
Lúc bấy giờ khu Lóng trong mới có vỏn vẹn 10 gia đình đồng bào Dao sinh sống. Bà con nghi ngại chẳng mấy người dám nhận. Dẫu chưa phải cán bộ nhưng khi đó ông Quyên là người có trình độ học vấn cao nhất, đối tượng cảm tình Đảng nên được vận động phát huy tinh thần gương mẫu đứng ra nhận 5ha.
Đất nhận về nhưng ông vẫn để hoang suốt vì từ trước đến nay người Dao khu Lóng chỉ quen đốn chặt cây chứ chưa ai biết đến khái niệm trồng rừng.
Mãi đến năm 1997, sau nhiều lần về thăm quê Văn Chấn, thấy người quen giàu lên nhờ trồng quế, ông cũng mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng quế rồi mua cây quế giống về trồng trên sườn đồi sau nhà.
Cũng thời điểm này, quyết chí làm giàu, ông ra ngân hàng làm thủ tục vay được 1,1 triệu đồng mua con bò cái về chăm bẵm. 7 năm sau, ông đã có 15 con bò và 11 con trâu.
Đồi quế sau nhà cũng đến kỳ cho thu hoạch, do chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc nên sản lượng không cao nhưng số tiền thu về vẫn làm gia đình ông cảm thấy sốc vì cao hơn hẳn chăn nuôi, canh tác các loại cây trồng khác.
Vậy là ông quyết định bán toàn bộ trâu bò, chuyên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng cây quế. Vừa trồng quế vừa học hỏi thêm kinh nghiệm trồng cây quế, chặt tỉa bán đến đâu lại đầu tư mua thêm đất lâm nghiệp, mở rộng diện tích canh tác đến đấy.
Trời không phụ công người, công sức vợ chồng ông bỏ ra suốt bao năm đã được đền đáp, sau mấy lần bán tỉa, bán đồng loạt diện tích quế đến chu kỳ khai thác, ông đã đủ tiền mua đất, làm nhà cho con trai ngoài trung tâm xã.
Đồng thời, ông Quyên đầu tư xây dựng ngôi nhà mới khang trang ngay sát nếp nhà gỗ lợp tấm fibro xi măng lụp xụp từ mấy chục năm trước.
Sở hữu gần 12ha ở khu đồi Lóng trong, 8ha ở khu Khe Giang, gần 3ha trên đồi liền kề phía sau nhà, ngoài diện tích cây keo chưa kịp cải tạo, gia đình ông Quyên còn khoảng 40.000 cây quế đã có thể chặt tỉa.
Điều này, đồng nghĩa với việc ông đang “gửi” hơn 20 tỷ đồng trên đồi. Số tiền này ngày càng tăng theo tuổi đời và vòng vanh cây trồng.
Hương quế sưởi ấm đất nghèo
Khu Lóng hiện giờ là tên gọi chung của Lóng 1 và Lóng 2 hay còn gọi là Lóng trong và Lóng ngoài mới được sáp nhập. Cùng nằm ven dải suối nhưng khu Lóng trong cận kề với các ngọn đồi cao là nơi sinh sống tập trung của 33 hộ đồng bào dân tộc Dao.
Còn Lóng ngoài hiện có 28 hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Uống chung dòng nước, sống cận kề đoàn kết với nhau trong cùng khu hành chính nhưng tập tục sinh hoạt, canh tác của bà con hai khu vực vẫn có sự khác biệt nên điều kiện kinh tế cũng khác.
Nhờ phát triển diện tích trồng cây quế mà các hộ dân ở Lóng trong có cuộc sống dư dả hơn hẳn. Từ mảnh vườn trước nhà, vạt đất trống ven suối đến các lô đất lâm nghiệp trên đồi cao đều được người dân tận dụng trồng quế.
Gia đình nào trong khu cũng học hỏi nhau tìm mua cây quế giống từ Yên Lập, Văn Chấn về canh tác. Hộ ít nhất cũng trồng hơn nghìn cây quế, nhiều hộ sở hữu diện tích lớn trồng quế như ông Phùng Sinh Thịnh có 4ha, ông Phùng Xuân Chấn có 5ha, ông Phùng Xuân Cần có 3ha, ông Phùng Xuân Thanh có 4ha...
Cùng với gia đình ông Quyên, mới đây gia đình ông Phùng Sinh Viên cũng nhờ bán quế mà xây được nhà to như biệt thự dưới xuôi. Rất nhiều hộ trong khu dẫu vẫn giữ nếp sinh hoạt đơn giản trong ngôi nhà gỗ vách lá lụp xụp nhưng có tiền gửi ngân hàng lên đến vài trăm triệu đồng, có thể xây nhà khang trang bất cứ lúc nào.
Tết Nguyên đán năm nay, người dân khu Lóng đón nhận tin vui được sử dụng điện lưới Quốc gia. Điện chưa đóng, bà con đã lũ lượt kéo nhau đi mua sắm tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện... Thế mới biết, đời sống của người dân nơi đây đã sung túc hơn rất nhiều.
Phấn khởi, bất ngờ trước đổi thay tích cực trong cuộc sống người dân, UBND xã Thạch Kiệt đã thành lập đoàn công tác về khu Lóng khảo sát từng gia đình; lên Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) tìm hiểu từ cơ sở thu mua nguyên liệu, chế biến tinh dầu quế, thị trường tiêu thụ.
Đoàn về xã lập biểu bảng so sánh hiệu quả kinh tế giữa cây quế và các cây nguyên liệu như keo, bồ đề trên địa bàn làm căn cứ để báo cáo Đảng ủy xây dựng, ban hành đề án phát triển, nhân rộng mô hình trồng quế từ khu Lóng ra địa bàn toàn xã Thạch Kiệt.
Theo phân tích của đoàn khảo sát, cây quế trồng trên đất Thạch Kiệt cho thu nhập cao gấp 3-5 lần cây keo ở chu kỳ khai thác 7 năm và tăng lên 8-9 lần nếu để 10-12 năm mới thu hoạch. Chất lượng tinh dầu quế của xã Thạch Kiệtcũng được các cơ sở chế biến trên tỉnh bạn đánh giá rất cao.
Cần mẫn lao động, nhanh nhạy lựa chọn cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, ông Phùng Sinh Quyên và nhiều hộ dân nơi thượng nguồn suối Lóng đã trở thành tỷ phú, thu nhập ổn định ở mức cao.
Bám rễ nơi đất khó, hương quế đã và đang lan tỏa, sưởi ấm cho cuộc sống người dân xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) ngày càng sung túc, trù phú...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.