Chiều 5/3, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, nếu đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các di tích trên địa bàn Hà Nội sẽ được mở lại ngày 8/3 theo phân cấp quản lý của các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm của nhân dân cần có sự sắp xếp phù hợp về quy mô; khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm tín ngưỡng tổ chức tập trung các nghi lễ dưới hình thức trực tuyến online, đồng thời chia nhỏ quy mô cuộc lễ, vừa bảo đảm sự tôn nghiêm vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Trao đổi với PV Dân Việt, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự - Trưởng ban Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc phòng tránh dịch Covid-19 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khi có kế hoạch mở cửa trở lại, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều phải tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, giãn khoảng cách, tránh tập trung đông người, đặc biệt phải thực hiện việc đeo khẩu trang và sát khuẩn", Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, năm nay, các nhà chùa tuyệt đối không tổ chức lễ tập trung đông người, chỉ tổ chức lễ cầu an bằng hình thức trực tuyến. Tất cả các địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo có phật tử tuyên truyền cho người dân đảm bảo phòng tránh dịch, dán thông báo các lối ra vào chùa, phủ…
Trong bối cảnh dịch bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: "Chỉ cần chúng ta nhất tâm hướng về Phật thì không nhất thiết phải đến chùa. Việc đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu".