Theo Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất gồm:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Theo quy định trên, cá nhân nào không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
Căn cứ xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo điểm b và điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, cá nhân được xác định là trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Căn cứ điểm b và điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình được xác định là trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Như vậy, cá nhân thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cán bộ, công chức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền thì buộc trả lại diện tích đất trồng lúa đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho.
Như vậy, theo quy định của phát luật, cán bộ công chức không được phép mua bán đất trồng lúa. Dù không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa nhưng được nhận chuyển nhượng các loại đất nông nghiệp khác.
Nếu không phải là đất trồng lúa thì khi chuyển nhượng, tặng cho thì chỉ cần thực hiện theo 03 bước sau:
Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho
Bước 2: Khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ
Bước 3: Đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai (đăng ký sang tên)
Tuy nhiên, khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa thì UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) sẽ xác nhận hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không? Vì chỉ khi thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa, cụ thể:
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, cơ quan xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là:
- UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
- Nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của UBND cấp xã nơi có đất.