Cận cảnh các trại nuôi giống chó cộc quý hiếm ở Hà Giang
Vừa dừng xe trước cổng một nhà dân ở Phố Cáo, các thành viên của đoàn công tác đã nghe thấy tiếng chó đàn cắn xô ra từ trong nhà khiến ai cũng sợ, e ngại không dám tiến vào trại. Chủ nhà biết được ý khách nên đã chủ động ra tận xe để đón, đưa mọi người vào trong, vừa đi, anh chủ vừa gọi: "Cộc Cộc Cộc!", đàn chó lớn bé ngừng xô, vẫy đuôi mừng quấn quýt.
"Chó Mông Cộc này khôn hơn chó thường, chỉ cần đánh hơi hay nghe thấy tiếng động nhẹ từ xa là nó biết có người lạ đến nhà nên chúng tôi ví nó như "thần giữ của", anh Nguyễn Văn Dương, chủ trại chó Mông Cộc ở Phố Cáo tiết lộ.
Anh Dương cho biết, giống chó này nguồn gốc từ giống chó săn đã được đồng bào thuần hóa và được chia làm 3 loại: Cộc đỏ, xù đỏ và vện.
Giống chó cộc đuôi trên địa bàn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chủ yếu là loại cộc đỏ. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chó cộc đuôi được coi như "thần giữ của" của mỗi gia đình, giúp trông nhà, giữ của cho gia chủ. Với đặc tính thông minh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt và cực kỳ trung thành với chủ nên chó cộc đuôi được bà con rất quý...
Hiện, gia đình anh Dương đang nuôi khoảng trên dưới 30 con chó Mông Cộc với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó, các con chó con có giá trên dưới 10 triệu đồng/con, chó trưởng thành có giá từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/con...
Ông Giày Mí say - Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho hay: Giống chó cộc đuôi địa phương là giống chó quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ nuôi với hình thức nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có 1 đến 2 con, việc nuôi và bảo tồn chó cộc đỏ tập trung với số lượng lớn hầu như không có.
Nhằm đưa giống chó cộc đỏ địa phương nuôi tập trung trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân, huyện Đồng Văn đã triển khai thực hiện bảo tồn và phát triển giống chó cộc đuôi tại một số xã trên địa bàn, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi của địa phương gắn với du lịch tại địa phương.
Đến nay, ở Phố Cáo nhiều hộ dân ở Phố Cáo đang nuôi giống chó này, trong đó có một số hộ nuôi nhiều với quy mô lên đến vài chục con/hộ. Theo tính toàn của ông Say, mỗi năm, trung bình 1 chó cộc đuôi cái sinh 2 lứa, mỗi lứa khoảng 4 con, với giá trị trên dưới 10 triệu đồng/con chó nhỏ, từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/con trưởng thành.
Như vậy, trừ chi phí giống, thức ăn,… mỗi mô hình nuôi chó cộc đỏ thu lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Đối với địa phương có khí hậu khắc nghiệt, quỹ đất trồng trọt khan hiếm như các xã của Đồng Văn, đây có thể coi là nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều cho người nông dân ở đây.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Hoàng Minh Đức - Chủ tịch Hội ND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cho biết, giống chó cộc đỏ có sức đề kháng tốt, dễ nuôi thích ứng với các phương thức nuôi.
Việc xây dựng đề án và hỗ trợ nuôi chó cộc nhằm tăng chất lượng giống chó, giữ được tính di truyền giống chó cộc đỏ của đồng bào Mông, thúc đẩy người dân chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế thu nhập, khuyến khích phát triển đàn chó của địa phương góp phần đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa chăn nuôi trên thị trường.
Hiện, địa phương rất mong được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ bà con ở các xã của Đồng Văn chăn nuôi chó Mông Cộc chuyên nghiệp hơn để tăng thu nhập, vừa để bảo tồn, phát triển giống chó bản địa của Việt Nam.
Tiến tới xây dựng chi hội nông dân chăn nuôi chó Mông Cộc
Tâm sự với lãnh đạo địa phương và các chú trại nuôi chó quý ở Đồng Văn, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Việc triển khai mô hình chăn nuôi chó cộc địa phương là biện pháp kịp thời để bảo tồn giống chó quý hiếm từ lâu đời của đồng bào.
Đồng thời qua các mô hình này cũng nâng cao chất lượng giống chó cộc, tạo việc làm cho người nông dân tại chỗ vào lúc nông nhàn; giảm tình trạng đi lao động làm thuê Trung Quốc tự do, tạo việc làm phù hợp với trình độ cho nhiều lao động trong nông thôn và nâng cao đời sống, thu nhập cho kinh tế gia đình.
Tuy vậy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam lưu ý, địa phương cần chú trọng hơn vào xây dựng mô hình bảo tồn chó cộc bản địa nhằm đảm bảo được giá trị kinh tế sản phẩm của địa phương sẵn có. Từ đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và hiệu quả.
"Chó Mông Cộc rất quý hiếm, giá trị cao, được thị trường và khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng, đạt mua nhiều. Để ứng được nhu cầu của thị trường thì chúng ta phải chăn nuôi chó bài bản, chuyên nghiệp hơn vừa để nâng cao chất lượng sản phẩm vừa để mở rộng thị trường, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước", đồng chí Thào Xuân Sùng nói.
Để làm được điều đó, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi ý Hội Nông dân xã, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cần nhanh chóng thành lập tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp nhằm liên kết bà con tại các xã để chăn nuôi chó cộc hiệu quả hơn.
"Chúng ta phải sớm thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp. Nếu cần thêm vốn, tập huấn kỹ thuật thì Hội Nông dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cứ chủ động xây dựng đề án và trình lên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ thẩm định và kịp thời hỗ trợ hợp lý cho bà con hội viên làm ăn", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.
Ông Giày Mí say - Chủ tịch UBND xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, chó Mông Cộc có đặc tính thông minh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt và cực kỳ trung thành với chủ. Đặc biệt, theo bà con dân tộc Mông, màu sắc nâu đỏ của loài chó quý này còn mang lại nhiều may mắn và được gia chủ người Mông ví như "thần may mắn" nên được người dân và khách mua rất ưa chuộng.