UBND TP.HCM vừa trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC về việc tiếp tục đầu tư đối với dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Sau một thập kỷ lận đận, "ông lớn" đến từ Hàn Quốc đã có thể tiếp tục triển khai dự án gần tỷ USD, được kỳ vọng sẽ tạo nên thay đổi ấn tượng tại "bán đảo" Thủ Thiêm.
Công ty Lotte Properties HCMC là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City. Dự án này có vị trí tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng vốn đầu tư dự án lên đến 20.100 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.
Mục tiêu của khu phức hợp này nhằm hướng đến hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 50.120m2. Trong đó, chức năng tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong khu lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài khu phức hợp, nhà đầu tư còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất hơn 24.000m2, trong đó có 4 đoạn đường N15, N16, D8, D10.
Được nhắc đến với vai trò là chủ đầu tư của dự án Thủ Thiêm Eco Smart City. Tuy nhiên, Lotte Properties HCMC khá lận đận với dự án này.
Đại gia Hàn Quốc đã tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư vào Thủ Thiêm từ năm 2009. Đến năm 2013, Lotte mới đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tháng 8/2015, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho TP.HCM được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Thủ Thiêm Eco Smart City. Để được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp thông minh này, Tập đoàn Lotte đã chấp nhận ký quỹ 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Năm 2017, sau hơn 7 năm chờ đợi, Lotte mới chính thức có được quyết định chấp thuận là nhà đầu tư khu phức hợp Eco Smart City tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Sau khi UBND TP. HCM có quyết định phê duyệt lựa chọn liên danh nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte. Giữa năm 2017, Lotte cũng đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án với UBND TP. HCM.
Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành thanh tra các dự án tại Thủ Thiêm nên dự án này bị dừng lại.
Tập đoàn Lotte nhiều lần kiến nghị tháo gỡ khó khăn tại dự án này và chính quyền TP.HCM cũng kiến nghị cho phép Lotte tiếp tục đầu tư. Mới đây, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của UBND TP.HCM, giao Công ty TNHH Lotte Properties HCMC tiếp tục thực hiện Dự án Thủ Thiêm Eco Smart City theo các thủ tục về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Tại buổi gặp mặt Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đầu tháng 3/2021, Tổng Giám đốc Lotte Properties HCMC Lee Kang Woo cam kết xây dựng dự án Thủ Thiêm Eco Smart City trở thành dự án đẹp tiêu biểu ở TP.HCM và châu Á.
Lotte, một trong những tập đoàn lớn hàng đầu Hàn Quốc bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam từ năm 1998. Hiện hệ sinh thái của "ông lớn" này ở Việt Nam gồm nhiều mảng khác nhau, như: Bán lẻ, thực phẩm, hóa chất, sản xuất, dịch vụ tài chính, bất động sản…
Lĩnh vực bất động sản đang được Lotte đẩy mạnh những năm trở lại đây. Năm 2013, Lotte đã mua lại 70% vốn của Tập đoàn Kotobuki tại khách sạn 5 sao nằm cạnh sông Sài Gòn và đổi tên mới thành Lotte Legend Saigon. Khách sạn cao 17 tầng với 283 phòng, 6 nhà hàng.
Năm 2014, Lotte khánh thành tòa nhà Lotte Center tại quận Ba Đình, Hà Nội. Công trình gồm 65 tầng và được đầu tư với số vốn khoảng 400 triệu USD, một con số thuộc hạng khổng lồ và là một trong những công trình "khủng" tại thủ đô thời điểm đó.
Sau thương vụ Lotte Legend Saigon, "ông lớn" Hàn Quốc tiếp tục một thương vụ lớn khác không kém cũng tại TP.HCM là thâu tóm tòa nhà Diamond Plaza, khi mua lại đến 70% vốn của chủ cũ là tập đoàn Posco.
Hiện Lotte đang triển khai 2 dự án lớn tại Hà Nội và TP.HCM là dự án Lotte Mall Hà Nội, dự án Thủ Thiêm Eco Smart City. Với dự án Lotte Mall Hà Nội, đây là khu phức hợp gồm nhiều hạng mục như khu trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, khách sạn, văn phòng và thủy cung với vốn đầu tư dự kiến 600 triệu USD.
Một dấu ấn lớn khác của Lotte tại Việt Nam chính là mảng bán lẻ với thương hiệu Lotte Mart. Hiện cả nước có 15 siêu thị Lotte Mart, cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ Việt Nam lẫn các đại gia bán lẻ ngoại khác như Big C, MM Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản).
Ngoài ra, các thương hiệu của "ông lớn" Lotte cũng rất đa dạng như Lotteria, Lotte Cinema, Lotte Home Shopping, Lotte Department Store, Lotte Duty Free, Lotte Finance…
Lãnh đạo Lotte từng cho biết mức đầu tư của Lotte vào Việt Nam sẽ ngang bằng với "ông lớn" Samsung trong những năm tới.