UBND TP.HCM đã trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC, trong dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Tại Hội nghị "Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM năm 2021" diễn ra tại TP.HCM hôm nay 19/3, UBND TP.HCM đã trao nghị quyết, quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép cho nhiều dự án trên địa bàn.
Song song đó, TP.HCM cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Thủ Thiêm có thêm dự án gần 1 tỷ USD
Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC đối với dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City có tổng vốn đầu tư lên đến 20.100 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng.
Đây là một trong những dự án tỷ USD được nhắc đến nhiều năm qua, được kỳ vọng sẽ tạo nên thay đổi ấn tượng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cũng tại hội nghị, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư 23.145 tỷ đồng; trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án, tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, chính quyền TP.HCM cũng đã trao giấy phép xây dựng cho dự án chung cư Cô Giang (quận 1) với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng cho Công ty CP Phát triển Đất Việt.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết kể từ khi được được thành lập, sau hơn 3 năm hoạt động, Tổ công tác về đầu tư TP.HCM đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, điểm nghẽn về đầu tư trên địa bàn.
Cụ thể, Tổ công tác đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án (trong đó có 51 dự án bất động sản; 21 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và 2 dự án liên quan đến hoạt động sản xuất).
Đáng chú ý, trong 92 dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc thì hiện có 35 dự án, cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. 35 dự án được tháo gỡ này có tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các Bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
TP.HCM sẽ làm gì để thu hút đầu tư?
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Lê Hòa Bình, cho biết năm 2021 là năm chủ đề thực hiện "Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư" của UBND TP. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu phải đạt được, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 song song với phục hồi và phát triển kinh tế.
Để thực hiện các mục tiêu này, TP.HCM đưa ra 10 nhóm giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực từ thủ tục hành chính, đất đai, chuyển đổi số, quy hoạch - xây dựng… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Về cải cách thủ tục hành chính, ông Lê Hòa Bình cho rằng giải pháp chủ yếu là công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả cơ quan, đơn vị; đôn đốc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ bưu chính công ích, sử dụng hóa đơn điện tử và tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa chính quyền thành phố với hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung ban hành các cơ chế phối hợp trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định Luật Đầu tư; quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất…
Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết TP sẽ ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL/BLT cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng…
Chính quyền TP.HCM cũng sẽ chú trọng việc khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.