Đây là nội dung được TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) chia sẻ tại chương trình "Lãnh đạo TP.HCM đối thoại, gặp gỡ với doanh nhân trẻ" nhân sự kiện Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất ngày 24/3.
Nhận xét vị thế của TP.HCM hiện nay, TS Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn cho rằng: "Trông ra thì chẳng bằng ai, trông vào trong nước chẳng ai bằng mình".
Phân tích cụ thể hơn, ông cho biết nếu nhìn trong nước, TP.HCM có lực lượng lao động, GDP địa phương dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ thu ngân sách của TP.HCM cũng dẫn đầu và cao gấp nhiều lần các tỉnh thành khác, riêng TP.HCM đã chiếm khoảng 1/4 nguồn thu ngân sách cả nước.
Còn so với các thành phố lớn trên thế giới, theo cập nhật xếp hạng và triển vọng 120 thành phố toàn cầu năm 2020, thứ hạng thành phố toàn cầu của TP.HCM đứng thứ 97, cách khá xa so với một số thành phố khác trong khu vực như Jakarta (hạng 70), Kuala Lumpur (hạng 58), Bangkok (hạng 36), Singapore (hạng 9).
Dẫn thêm số liệu của JLL năm 2018, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết về xếp hạng chỉ số thu hút thương mại, TP.HCM chỉ đứng thứ 55, cách khá xa nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á như Kuala Lumpur (hạng 34), Manila (hạng 32), Bangkok (hạng 24), Jakarta (hạng 14), Singapore (hạng 10). Đó là chưa kể những thành phố lớn khác tại châu Á như Tokyo, Thượng Hải, Seoul, Bắc Kinh…
Từ phân tích này, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định, mục tiêu của TP.HCM hiện nay là phải làm sao để giữ vững vị thế đầu tàu trong nước và thu hẹp khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực.
TS Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn cho rằng những động cơ bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây tại TP.HCM đã hết đà, nhưng những động cơ mới đang dần định hình rõ nét hơn nên TP cần nắm bắt thời cơ để bứt tốc, phát triển.
Trong đó, ông nhấn mạnh đến 4 yếu tố cần được tập trung phát triển là: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân; phát triển đô thị; phát triển khu vực tài chính và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa, xã hội.
Về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giai đoạn 2015-2019, khu vực kinh tế tư nhân vẫn giữ vai trò then chốt, chiếm ổn định từ 52-54% trong cơ cấu các thành phần kinh tế. Trong khi đó, các thành phần kinh tế khác như thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể có xu hướng giảm. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua được Chính phủ thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện.
Về phát triển đô thị, chuyên gia cho rằng các đô thị lớn trên thế giới là động lực phát triển kinh tế của toàn thế giới. Cụ thể, 123 đô thị lớn nhất thế giới tuy chỉ giữ 13% dân số thế giới nhưng chiếm đến 32% GDP toàn cầu, 27% dòng FDI, 65% bằng phát minh và 82% tổng vốn mạo hiểm.
Dù vai trò của đô thị của TP.HCM đang dẫn đầu cả nước nhưng chuyên gia cho rằng tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, nên sẽ có nhiều dư địa để cải cách và bứt phá.
Việc đưa TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế theo ông là nên thực hiện bởi giai đoạn 10 năm qua, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại TP.HCM đã có nhiều bứt phá và TP cũng có lợi thế cạnh tranh về ngành này nhiều hơn so với các tỉnh thành khác.
Cuối cùng là TP.HCM cần phải phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa xã hội lẫn môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông cho rằng đây là điều kiện rất cần thiết để TP.HCM trở thành nơi "đất lành chim đậu", nếu không cải thiện các điều kiện này cũng khó thu hút người lao động, nhà đầu tư để phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo TP, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định thế mạnh của TP.HCM chính là ngành dịch vụ, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, logistics, y tế. Do đó, TP.HCM không cần cạnh tranh với ngành chế biến vốn là thế mạnh của khu vực Tây Nam Bộ hay công nghiệp của các tỉnh còn lại trong khu vực Đông Nam Bộ.
"Chỉ cần TP.HCM đồng hành, hỗ trợ đi với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ thì sẽ đi được xa hơn", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước "khúc quanh" của thời kỳ mới, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng khó khăn lớn nhất với TP.HCM hiện nay vẫn là những ràng buộc khắt khe về thể chế từ Trung ương, đặc biệt là về tài chính và ngân sách.