"Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang
Trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát
Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của những dòng sông
Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được
Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn
Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp
Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh
Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời"
Sáng tinh mơ 24/3/2021, thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đã viết những dòng thơ này cho "vua truyện ngắn" Việt Nam.
Trưa 22/3, tôi gọi vào số điện thoại của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hơn 20 năm, vô số biến động làm thất tán dữ liệu, phai mờ một phần trí nhớ, nhưng tôi vẫn thuộc làu 09122..., số vẫn hoạt động, bởi con trai ông vẫn giữ. Trùng hợp thế, lại là 20, với tiểu thuyết đầu tiên Nguyễn Huy Thiệp viết từ nỗi đau, thất vọng và mong mỏi cho Khoa - con thứ hai - nguyên mẫu của Khuê trong "Tuổi 20 yêu dấu", có những năm vào đời lầm lạc. Nhưng là tuổi trẻ nên vẫn còn thời gian sửa sai, làm lại. Và Khoa đã vượt qua được những thử thách để bù chuộc cho cha những năm cuối đời, bớt gánh lo, sum vầy trong tình yêu thương của hai người con chí hiếu.
Là "hiện tượng" thơ khi 20 tuổi, đăng đàn năm 16 tuổi, tôi trải bao "trận đánh", từ "chống chọi" đến "dấn thân" là quãng tuổi thanh niên "dữ dội" tôi luyện mình sau mọi tổn thương. Vượt qua chông bẫy, cuồng phong… nhờ tình yêu nghệ thuật đích thực và niềm tin. Niềm tin đến được với công chúng chân chính, chinh phục họ bền sâu. Niềm tin ấy đã đến, nhờ các đồng nghiệp tiền bối đã lên tiếng đúng lúc, bảo vệ sự công bằng cho tôi và thơ tôi.
Sau tập thơ "Linh" (10/2000), 5 năm sau tôi mới xuất bản được tập "Đồng tử", sau khi bản thảo long đong từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tới TP.HCM. Giữa chặng gian nan khốc liệt đó, năm 2003, Nguyễn Huy Thiệp tung ra bài viết "Hiện tượng Vi Thuỳ Linh".
Ông không báo trước sẽ viết, mà chỉ nói: "Chú 50 rồi, thấy những trận liên hoàn đánh cháu, còn sởn gai, ngán ngại, huống hồ cháu mới 20...". Bản thân bài này là hiện tượng, bởi "vua truyện ngắn" rất hiếm khi viết về tiểu luận, phê bình văn học và trước đó chưa từng viết về cây bút trẻ nào.
Ông Thiệp ghi nhận tôi là "đáng kể nhất" trong thế hệ mình, không những thế, còn "nguy hiểm nhất". Không chỉ là mắt xanh mà sự tinh tường của "hùm xám" trải đời đã nhận ra khát vọng và ý chí của tôi. Không phải "viết cho vui" như một thứ "khoác danh thời trang" mà là bằng máu, nước mắt, lý tưởng sống.
Sau này, khi đã được các nhà phê bình uy tín đánh giá trong văn học sử, giới độc giả tinh hoa nhìn nhận, tôi vẫn tự hào Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết cho tôi. Không ngờ vào mùa hoa gạo trổ hoa rực lửa, Nguyễn Huy Thiệp bay cùng những cánh hạc, tới thiên thanh.
Nguyễn Huy Thiệp trai làng cổ, làng Khương Hạ ven đô. Xóm Cò, làng Khương Hạ như nhiều làng của các quận phát triển sau, là làng trong phố, vẫn là ngõ quanh co nhiều gấp khúc, cua, rẽ... Lối ngõ 20 năm, la liệt đường mới, nhà xây, tôi vẫn thuộc.
"Chú Thiệp ơi!" - cứ gọi váng lên vừa chào, vừa reo (đi 8km mới đến được mà), vừa báo hiệu để chủ nhà xích, canh chừng chó. Gọi tên chú, mà luôn có cô ra niềm nở đón từ cổng. Có lần chỉ có cô ra, còn chú thì khuất trong khu vườn cây cao um tùm, da ngăm đen hắt nắng chiều, mắt sáng đan cành xanh khế mọng. Vườn có nhiều cây ăn quả, hoa.
Thích nhất là khi cô Trang tâm lý nói: "Hai chú cháu cứ nói chuyện nhé, cô đi trảy khế cho Linh". Hôm đó ra về, chú tặng tôi chiếc đĩa gốm vẽ chân dung "Mặt trời thi ca Nga" A. Puskin, nay thành kỷ vật quý.
Văn học Việt Nam không có "Azit Nexin" nên gần như vắng tính giễu nhại nhưng lại may mắn có Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn của ông đa tầng độc giả vì đầy chất liệu sống, từ đô thị đến làng quê, từ tướng, thường dân, thị dân, nông dân, nghệ sĩ, đồ tể...; từ đỉnh cao trí tuệ thâm thúy xuống mù chữ lưu manh. Nhân vật, bối cảnh đa dạng.
Dù đã từng lắm cuộc tranh cãi nảy lửa, rốt cuộc, tất cả giới nghề và độc giả trong ngoài nước đều đồng tình: Nguyễn Huy Thiệp là số 1, "vua truyện ngắn" Việt Nam thời đổi mới. Ai đó ví tiểu thuyết là "đại bác", "truyện ngắn" là súng lục", ước tính theo dung lượng trang viết thể loại, chứ không thể phân thứ bậc kích cỡ tác giả được.
Mặc dù là "súng lục" thì một tay "thiện xạ" trăm phát trăm trúng" hẳn "oách" hơn "đại bác" sức công phá lớn mà có khi chỉ tiếng nổ to chứ chắc gì trúng mục tiêu.
Bấy nay, người ta quen gọi, gắn Nguyễn Huy Thiệp với từ "nổi tiếng". Tôi khẳng định Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn, bậc thầy truyện ngắn. Bậc thầy ở đỉnh chóp độc đáo và hiếm biệt, không có "tốp" đồng hành.
Ông đặt tên truyện tài tình. Tư duy đa tầng, thông hiểu Kinh Dịch, cung quê, diễn đạt hiện đại, biệt lạ… nên không gian tác phẩm dù khung cảnh đẹp thì vẫn có biên độ mở, chuyển dịch thời đại.
Dù nặng hồi ức thời bao cấp, hay thức thời hôm nay, vẫn thấy mình, thời của mình trong đó. Là bởi ông dám trực diện lột tả "người Việt xấu xí", qua hành động, thoại, ý nghĩ. Lúc sương khói liêu trai, lúc chói chang trần trụi, khi ma mị ảo huyền, rồi lại mơ và thơ, lãng mạn.
Nhà văn ít khi diễn tiến thoại bằng gạch đầu dòng. Lời nói, ý nghĩ của nhân vật nối nhau trong chuỗi tả. Đột ngột một câu "điểm huyệt" chết người. Tổng kết, đúc kết, triết lý, đúng và đáo để như thể ở trong "nội tạng" chúng ta, thậm chí "bóc mẽ" cả nhân vật lẫn độc giả.
Là tự sự của nhân vật, có thể là lời của nhân chứng - người theo dõi - con mắt thứ ba. Cách viết này hấp dẫn, chưa từng có trước ông, khó bắt chước như ông. Nên truyện Nguyễn Huy Thiệp rất Á Đông mà lại "tấn công" được vào châu Âu đề cao cách tân, đột phá. Nhân vật ít học, du côn, tha hóa, lột tả tận cùng cái ác, bỉ ổi, nham nhở đối chọi thiện - ác, đẹp - xấu. kịch tính liên tục.
Thốt lời lạnh lùng phũ phàng thì vẫn đầy phút giây hướng thiện, khát vọng. Đám lam lũ, thô lỗ, cục cằn vẫn giữ phẩm tính người. Nhà văn thương phụ nữ, trẻ thơ và không ngừng nâng đỡ từ những giấc mơ. Bởi vì chính Nguyễn Huy Thiệp tự nâng mình bay lên bởi giấc mơ. Ông tầm vóc nhờ tư tưởng trong tác phẩm.
Gió ấy, khởi từ Hua Tát, Sơn La, nơi ông để gần 10 năm tuổi trẻ, trong vai trò thầy giáo. Nhà văn đã trở lại đây tháng 7/2018, do sự kết nối của thầy tôi – PGS. TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa.
Thầy Giá là giáo viên văn 6 năm (1980 - 1986) tại Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (huyện Thuận Châu) tiền thân của trường này. Cùng đi có TS Mai Anh Tuấn - bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn học năm 2017 với đề tài "Tiếp cận tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn nhân học văn hóa" và PGS, TS Nguyễn Thị Bình, hướng dẫn luận án này - giảng viên của Đại học Sư phạm I Hà Nội, nơi vợ chồng nhà văn từng học.
Thầy giáo Thiệp dạy trường Bổ túc cán bộ, học sinh hơn thầy chục tuổi trở lên. Chàng trai Hà Nội đã vứt bớt sách vì vali nặng quá, khi leo núi đường trắc trở, đi bộ rạc người. Thung lũng ấy, núi rừng ấy, những cơn đói, rét khốn khổ ấy không dập vùi, thui chột khát vọng của ông.
Yêu Phan Thị Trang, cùng khoa Văn - Sử ra trường, hai người phải xa nhau. Trang về Bắc Ninh dạy Văn trường cấp 3 Tiên Du, Thiệp dạy Lịch sử trên Sơn La. Họ nuôi tình yêu bằng thư và hy vọng ngày về Hà Nội. Rồi cũng về, để cưới và lại chia tay, tiếp tục làm nghề giáo.