Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp găm rất sâu vào lịch sử văn học
Bản lĩnh quân tử trong văn học Nguyễn Huy Thiệp
Thanh Thảo
Thứ năm, ngày 25/03/2021 09:05 AM (GMT+7)
Có thể dự đoán rằng, sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, sẽ lại có một "làn sóng thứ hai" khi những tác phẩm của anh, đặc biệt là những truyện ngắn, xuất hiện trở lại, và lần này sẽ găm rất sâu vào lịch sử văn học đương đại Việt Nam.
Nhà văn, có thể giống như nhân vật trong tác phẩm của mình, có thể không. Nhưng dù không giống với nhân vật của mình, thì nhà văn đích thực đều gửi gắm vào nhân vật khí chất sống của mình, bản lĩnh sống của mình, nhân sinh quan của mình. Sự gửi gắm ấy ở Nguyễn Huy Thiệp là rất đậm nét.
Tôi mới đọc một đoạn của một nhà văn, nhà phê bình Việt hải ngoại, trong đó trích vài đoạn thư của Nguyễn Huy Thiệp gửi mình, qua đó đánh giá Thiệp vẫn là "nhà văn của nước nhược tiểu". Nhưng tôi nghĩ, là nhà văn của "nước nhược tiểu" thì đã sao?
Có thể nhà văn ấy chưa rành lắm chuyện giao dịch để tác phẩm mình được dịch và in ở nước ngoài, văn phong trong vài bức thư ấy có thể hơi quá khiêm nhường. Nhưng khiêm nhường đâu phải là phẩm chất xấu, càng không phải phẩm chất của nhà văn "nước nhược tiểu". Ngược lại, khiêm nhường thuộc về văn minh là một phẩm chất rất đáng trân trọng.
Phải thú thật là lâu nay tôi không đọc Nguyễn Huy Thiệp, nhưng những truyện ngắn thời kỳ đầu của Thiệp đã khiến tôi vô cùng sung sướng khi đọc chúng. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không "tiến bộ từ từ", anh làm một nhát xong ngay. Xuất hiện là gây sóng gió, là hào quang rỡ ràng, là phân đôi ngay trận tuyến giữa những người thích văn mình, ủng hộ văn mình và những người ghét văn mình, dị ứng với văn mình. Làm được điều đó không hề dễ.
Tôi vẫn nhớ cái ấn tượng đầu tiên khi đọc những "Tướng về hưu", "Kiếm sắc", "Phẩm tiết" và sâu một khoảng ngắn là "Những người thợ rừng", "Sang sông". Nguyễn Huy Thiệp bằng những tác phẩm đầu tay ấy, đã khẳng định vị trí chắc nịch của mình trên văn đàn và không chỉ văn đàn Việt.
Đúng là, nếu anh ở Mỹ hay ở châu Âu, tác phẩm của anh có thể gây chấn động ở những văn đàn lớn nhất. Nhưng anh là người Việt, ở trên đất Việt Nam, anh phải chịu những khó khăn mà những nhà văn hàng đầu Việt Nam đều phải chịu. Điều đó chưa hẳn đã dở. Khi hoàn cảnh càng khó khăn, thậm chí khắc nghiệt thì nó lại là môi trường kích thích nhà văn vượt lên với những ý tưởng xuất thần. Nguyễn Huy Thiệp đã làm được điều đó.
Tôi nhớ, trong một số truyện ngắn thuộc thời kỳ đầu của Thiệp, thỉnh thoảng anh có chen vào vài đoạn thơ. Tôi đọc và hiểu là anh chịu ảnh hưởng của Bertolt Brechtnhưng ảnh hưởng tốt và thơ anh hay, hợp với truyện anh viết. Nó như những "trữ tình ngoại đề", thứ không hề thiếu trong kịch Brecht nhưng không bao giờ thừa.
Sau này, Nguyễn Huy Thiệp còn viết kịch và văn đối thoại của anh đưa vào kịch là quá hợp. Nó vừa sắc sảo, vừa mông lung.
Đó là nhà văn không từ chối phương Tây, nhưng hồn cốt của anh vẫn thuộc về phương Đông, thuộc về Việt Nam. Có những đoạn văn của Thiệp là sâu thẳm, một kiểu sâu thẳm mà trong văn xuôi Việt Nam, tới Nguyễn Huy Thiệp mới thấy có. Thế cũng là quá đủ cho một nhà văn, nó hơn mọi giải thưởng, hơn có triệu người đọc, hơn những danh hiệu thực chất và không thực chất mà nhà văn có thể được nhận.
Tôi rất vui, vì khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, những đánh giá về văn học của anh, về di sản mà anh để lại là rất thống nhất. Trưa ngày 24/3, tôi đang ngồi xe ô tô từ Bình Định chạy ra, nghe bài viết về lễ tang Nguyễn Huy Thiệp, một bài viết có nhận định chứ không chỉ đưa tin, bài viết đã khiến tôi rất chú ý. Vì nó khá sâu sắc, không rào đón và những ngợi ca trong đó là thật lòng.
Có thể dự đoán rằng, sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, sẽ lại có một "làn sóng thứ hai" khi những tác phẩm của anh, đặc biệt là những truyện ngắn xuất hiện trở lại. Và lần này sẽ găm rất sâu vào lịch sử văn học đương đại Việt Nam, sẽ được đón nhận với rất nhiều người đọc có chất lượng và sẽ được đánh giá phong phú hơn là những lời ngợi ca đơn giản mà mấy hôm nay chúng ta đã đọc, đã nghe.
Một nhà văn có thể sống bình thường như mọi người khác, nhưng toàn bộ cái "bản lĩnh quân tử" của anh đã thể hiện hết trong văn anh, thì đó là nhà văn không có gì phải hối tiếc. Nghĩ cho cùng, chỉ tác phẩm mới đánh giá nhà văn chính xác nhất, chứ không phải những thứ khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.