Tranh thủ thời gian rảnh, bà thường nhận dệt thuê cho những người có nhu cầu. Tuy không mang lại lợi nhuận nhiều, nhưng bà vẫn ngày ngày dệt những tấm vải sặc sỡ. Góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc Mường.
Sáng ngày 20/7, trong một lần đi tìm hiểu về chiếc cạp váy Mường truyền thống, tôi đến xóm Sơ, xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình để gặp bà Kiểm - một trong số ít những người còn làm cạp váy Mường ở khu vực này. Giống như những người con gái đồng chang lứa, bà Kiểm được học cách dệt cạp váy từ năm 15-16 tuổi và duy trì công việc đó đến tận bây giờ. Khi tôi đến nhà cũng là lúc bà vừa đi đón cháu về. Tuy đã ngoài 60, dáng người nhỏ nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về chiếc cạp váy Mường, bà đã vui vẻ mời tôi vào nhà và dẫn tôi đến bên cạnh cột cái dưới ngôi nhà sàn và giới thiệu về chiếc khung cửi được đặt gọn gàng ở đó.
Khung cửi chỉ dài khoảng gần 2 mét, rộng chừng 70 phân, chiều cao khung sau khoảng 80 phân và khung trước là 60 phân, có cấu trúc đơn sơ, được bà làm ra từ những thanh nứa có sẵn trong nhà hoặc những dụng cụ bằng gỗ đã bỏ đi như đòn gánh, thành ghế, tre nứa,... So với chiếc khung cửi tôi được nhìn trong các viện bảo tàng thì có kích thước nhỏ hơn nhiều. Bà nói chiếc khung cửi được cải biên do bà tự làm. Bà chia sẻ rằng ngày nay tìm nguyên liệu để làm khung cửi truyền thống khó khăn và tốn kém hơn so với ngày xưa nhiều. "Ngày xưa nhiều cây gỗ, người ta còn mang cây về dựng nhà, làm khung cửi thoải mái. Giờ thì không được như thế nữa nên để tiết kiệm chi phí, bà lấy những vật dụng bằng trong nhà đã hỏng gỡ ra mà tạo nên chiếc khung cửi". Chiếc khung cửi tuy nhỏ nhưng bà chia sẻ là vẫn đầy đủ những bộ phận cần thiết cho việc dệt vải, sử dụng tốt mà còn tiết kiệm được diện tích do kích thước không lớn.
Trong khi nói chuyện, tôi có bày tỏ thắc mắc. Rằng tôi có nghe là bà đã được tiếp xúc với chiếc khung cửi từ nhỏ. Khi mà chủ yếu những chiếc khung cửi còn rất to, được làm hoàn toàn từ gỗ chắc chắn. Vậy tại sao bà không tiếp tục sử dụng chiếc khung cửi đó để dệt vải mà lại tự làm một chiếc khung cửi khác. Nói về vấn đề này, bà Kiểm ngậm ngùi kể cho tôi câu chuyện của bà. Cách đây vài năm, trong mỗi căn nhà của người Mường đều có một bộ dệt vải rất lớn. Những người phụ nữ trong nhà đều được học cách se chỉ dệt vải. Thậm chí họ còn coi chiếc khung cửi như là người bạn thân thiết, gửi gắm những tâm sự tuổi xuân khó trải lòng. Nhà bà cũng không phải ngoại lệ. Nhưng rồi sau này nhu cầu người dùng không còn nữa, diện tích nhà cũng không có nhiều. Lần đó gia đình bà cũng chuyển nhà. Bà nghĩ rằng sắp tới bà cũng không thể kiếm tiền bằng việc dệt vải được nữa. Nên bà đã quyết định đem đốt hết khung cửi trong nhà mình đi và kiếm một công việc khác để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Càng về sau, sức khỏe bà càng yếu, không làm việc đồng áng được nữa. Bà trở về nhà phụ giúp con cháu công việc trong gia đình. Nhưng do được gắn liền với chiếc khung cửi từ bé, tình cảm bà dành cho việc dệt vải đã rất sâu đậm rồi nên dù đã nghỉ dệt từ lâu nhưng đến khi nghỉ làm ở nhà, bà lại nhớ. Vậy nên bà gom lại các vật dụng cũ và thanh tre về làm chiếc khung cửi này và tiếp tục dệt những chiếc cạp váy Mường cho đến ngày nay.
Bà ngồi bên khung cửi, giới thiệu cho tôi từng bộ phận cấu tạo với đôi mắt vui vẻ và đầy tự hào. Trên khung cửi có sẵn một tấm vải đang dệt dở, chiều ngang tầm 1 gang tay, có màu chủ đạo là đen và trắng. Bà bảo tôi đó là rang trên. Tôi còn được bà cho xem cả rang giữa và những chiếc cạp váy hoàn chỉnh (gồm 3 phần) do chính tay bà làm. Bà Kiểm chia sẻ đây là do bà tự phối, qua đó mỗi người sẽ có một cách phối màu khác nhau nhưng vẫn luôn đầy đủ cấu trúc 3 phần. Bà Kiểm cho biết cách mặc trang phục của người Mường thời xưa mình là lộ đầy đủ 3 phần rang. Có nghĩa là phần áo Mường xưa vốn không có khuy. Sau này cải tiến lại, phần áo bên ngoài có hai chiếc khuy ở dưới nên chỉ lộ phần rang dưới. Mặc dù vậy khi dệt rang giữa và rang trên, bà vẫn rất là tỉ mỉ chu đáo. Bà bảo để tạo nên một chiếc cạp váy đẹp thì cả 3 rang đều phải được thiết kế một cách hài hòa. Vì vậy, dù không lộ phần rang giữa và rang trên nhưng vẫn không thể dệt ẩu được.
Vừa dệt, bà Kiểm vừa kể lại từng công đoạn làm ra cạp váy. Thời xưa việc làm cạp váy có phần phức tạp hơn do phải tự làm chỉ dệt vải. Để làm được những sợi chỉ nhiều màu sắc, người xưa phải đi lấy bông hoặc cơ tằm về, phơi khô rồi cán bông, kéo sợi. Việc kéo sợi của người Mường có phần phức tạp hơn so với những vùng khác khi phải kéo sợi đến 2 lần rồi mới nhuộm chỉ để cuốn vào chiếc ống mà bà Kiểm gọi là "Tlái-đách". Để cuốn chỉ vào chiếc ống đó, thường người ta sẽ phải cho chỉ đã dệt vào chiếc ống chỉ rồi chăng qua các cột nhà sàn để tạo hình xong mới cuốn . Ngày nay, tuy bà không cần phải se chỉ nữa mà có thể mua sẵn ở bên ngoài. Nhưng việc dệt được một chiếc cạp váy vẫn đòi hỏi mất nhiều thời gian, cùng với việc người Mường thời nay ít người sử dụng váy Mường làm trang phục thường nhật mà chỉ mặc vào những dịp lễ trong làng nên nhu cầu sử dụng cạp váy cũng bị hạn chế. Vì vậy không còn nhiều người dệt cạp váy thường xuyên nữa, khiến cho số lượng người theo nghề dệt cạp này không nhiều. Điều này khác với thời xưa - khi con gái Mường học xe chỉ dệt vải từ rất sớm vì việc thêu dệt giỏi cũng là một trong những tiêu chí chọn vợ của người Mường.
Nói chuyện với tôi, bà cũng thổ lộ sự lo lắng của mình. Khi các bạn trẻ ngày nay ít tiếp xúc với việc dệt vải may vá, tình cảm với chiếc khung cửi cũng sẽ không còn. Liệu sau này còn ai sẽ nối tiếp bà giữ lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình không? Bởi vì cầu kỳ công phu là thế nhưng giá thành của một chiếc cạp váy là không cao. Bà Kiểm là người dệt thuê, chiếc rang trên đang dệt bà lấy 9.000 VNĐ một mét rưỡi. Trong khi đó mỗi ngày bà chỉ dệt được 3 mét nếu không bận. Đôi lúc bà cũng tính sẽ bỏ làm rồi vì không kiếm được nhiều, nhưng sau này một phần vì bản thân muốn gần gũi với chiếc khung cửi, một phần muốn phụ giúp các con phần nào,thấy không có việc gì làm lại dệt lại. Kiếm được đồng nào hay đồng đó, "vừa kiếm tiền, vừa dệt cho đỡ buồn". Trong khi ở thời buổi hiện nay, khi mọi người vẫn đang chạy theo cuộc sống bộn bề vội vã, chắc chắn sẽ rất ít người có suy nghĩ bỏ lại mọi thứ để trở về với nghề dệt cạp váy Mường này với mức tiền công không đủ cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nói đến đó, bà cũng cười : "Phải chăng bên đó người ta trả công cho mình nhiều hơn chút cũng vui. Nhưng biết sao giờ, giờ cũng có ai dùng mấy đâu mà tăng giá".
Một buổi chiều cùng bà dệt vải và nghe những câu chuyện thường nhật. Đôi bàn tay nhăn nheo vẫn miệt mài di chuyển con thoi. Trong không khí thoải mái yên bình đó, tôi có thể cảm nhận được niềm hãnh diện của bà khi nói về nghề dệt vải cũng như những chiếc cạp váy Mường bà đã tự tay làm. Thậm chí ngay cả bây giờ, khi nói chuyện với tôi, bà vẫn còn mặc trang phục dân tộc truyền thống. Bà Kiểm bảo trang phục Mường vẫn là trang phục bà thích mặc nhất. Và cách mặc của bà cũng có phần khác so với những cô gái ở trong các lễ hội hiện tại.
Áo của bà không có khuy áo, 3 rang được lộ ra rất rõ ràng. Chiếc váy cũng là váy khổ to quấn vào chứ không phải cài khóa như những chiếc váy cách tân. Bà nói rằng đây là cách mặc của hồi xưa. Nay tuy váy Mường đã được cách tân, nhưng bà vẫn thích mặc váy truyền thống hơn. Bà nói rằng chiếc váy Mường hiện nay rất đẹp nhưng bà thích mặc theo cách cũ vì nó cho bà cảm giác thân thuộc. Do vậy, bà coi chiếc cạp váy Mường là điểm nhấn của trang phục cũng như niềm tự hào không chỉ của riêng bà mà còn là những người dân nơi đây.
Tôi nhận ra bà "bám lấy" nghề dệt vải không hẳn để tìm lấy công việc làm thêm tại gia. Bà làm bởi tình yêu dành cho chiếc khung cửi, cho những tấm vải dệt dân tộc, ngời sắc ánh lên trong đôi mắt... đầy chân chim. Sự nhiệt tình và tấm lòng chân thật đó liệu ngày nay còn mấy ai có được? Khi xã hội ngày càng phát triển, người người vẫn đang mải chạy theo cách mạng công nghệ 4.0. Tấm vải biểu trưng cho sắc màu dân tộc sẽ phải làm gì để nuôi sống những người thợ dệt và đời sống thăng trầm của chính nó?