Bộ phim "Hướng dương ngược nắng" đang phát đến tập 48. Các nút thắt trong mớ bòng bông của từng nhân vật vẫn chưa đi đến hồi kết, nghĩa là chưa có dấu hiệu được tháo gỡ.
Có lẽ vì thế mà nhiều khán giả đã bắt đầu đòi bỏ phim vì cảm thấy tình tiết bị kéo dài lê thê, thừa thãi, không đắt giá. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, biên kịch và đạo diễn cố tình bôi chuyện phim dài ra như "Cô dâu 8 tuổi" để câu kéo khán giả.
Khán giả Hường Ngô bày tỏ: "Phim gì mà tình tiết lê thê như "Cô dâu 8 tuổi", lời thoại vòng vo như "Tam quốc diễn nghĩa", tình huống thì phi lý như trong truyện cổ tích. Mấy tập gần đây chỉ thấy 3 mẹ con "tiểu tam" (Diễm Loan, Minh, Trí) ôm nhau khóc lóc, oan ức mà mình không thể đồng cảm nổi luôn. Phần Châu và Phúc ở trên núi cũng cứ lòng và lòng lòng, không thấy chi tiết nào đắt giá".
Theo vị khán giả này, có quá nhiều chi tiết phi lý khiến cho mạch phim thiếu tính nhất quán. Chẳng hạn, nhân vật Trí (Đình Tú) chỉ vì một tờ giấy xét nghiệp ADN chưa biết giả thật thế nào và cũng không thèm hỏi ai nhưng khi bị xui cho thuốc trừ sâu bón vườn thảo dược cũng cắm cúi làm. Gây ra thiệt hàng hàng chục tỷ đồng cho tập đoàn xong xem mọi chuyện nhẹ nhàng như không, không thấy ăn năn, hối hận gì.
Nhân vật Minh (Lương Thu Trang) cứ như sinh ra để giải cứu cả thế giới: bảo vệ mẹ, chăm sóc em trai, cứu cả tập đoàn, làm điều chính nghĩa… Cả một tập đoàn hùng mạnh trên thị trường dược phẩm, các đối thủ lớn còn phải dè chừng mà Minh (một dược sỹ từ trên núi xuống) vừa vào làm việc một tháng đã tìm ra đủ các vấn đề khuất tất, rồi xử lý khủng hoảng truyền thông... Ngay ở tập 47, khi thanh tra đột xuất cũng phải nhờ có Minh mới êm thấm mọi chuyện.
"Một người sừng sỏ như bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà), 40 năm chinh chiến thương trường, người trong giới ai cũng nể vì mà bị Minh "nắn thóp" lần này đến lần khác. Lại còn được một công tử giàu có của một tập đoàn tài chính nào đó tốn bao công sức, tiền bạc, chất xám để đè bẹp một tập đoàn xong lại dâng lên cho Minh.
Còn 3 mẹ con bà Bạch Cúc, Ngọc (Quỳnh Kool) thì suốt ngày gây ra rắc rối, vòng đi vòng lại; Châu (Hồng Diễm) từ một người hành xử văn minh, lịch sự… thế mà bỗng chốc thành người nhỏ nhen, ích kỷ, nóng vội, hồ đồ; Bà Bạch Cúc - người phụ nữ tài giỏi, yêu thương gì đình thì lại thành nhân vật phản diện đẩy 3 mẹ con "tiểu tam" đến bước đường cùng. Mọi thứ cứ bị lộn xộn, lòng vòng, không rõ tuyến, không rõ ý", vị khán giả này bình luận.
Khán giả Nguyễn Hồng Định cũng bức xúc rằng: "Không rõ bộ phim mang lại thông điệp gì nhưng mà nhiều câu thoại của Minh rất lố. Và khi tôn vinh Minh thì biên kịch sẵn sàng cho Châu lên núi, cho Ngọc ra đường đi chụp ảnh để giành cục diện cho Minh... Ở đâu bế tắc ở đó có Minh".
Nguyễn Đạt phản ánh, ở tập 48, tình tiết mẹ con bà Diễm Loan (Vân Dung) bị đánh thuốc mê cướp sạch tiền trong quán ăn rất ngô nghê. Việc quản lý nhà hàng xử lý tình huống cũng rất thiếu thực tế. Khách bị cướp trong nhà hàng của mình mà chỉ nhăm nhe đòi tiền chứ không biết hợp tác với khách kiểm tra lại camera để nắm rõ sự tình.
Ngoài ra, nhiều khán giả cũng cho rằng, các phân cảnh hồi tưởng kèm theo nhạc phim xuất hiện quá nhiều. Những đoạn hồi tưởng tình cảm giữa Châu với Kiên lặp đi lặp lại. Trong tập mới nhất, Hoàng (Việt Anh) cũng có cảnh quay chậm khi nhớ lại những kỷ niệm với Minh từ đầu đến cuối.
"Mỗi tập phim chỉ được vài tình tiết mới. Đã thế nhân vật còn hồi tưởng. Trước đây, khi bà Diễm Loan gặp lại Hải, phim cũng có phân cảnh tương tự. Tôi nghĩ nên tiết chế những cảnh như vậy", tài khoản Mai Anh bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt, đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết, bất kỳ một bộ phim nào cũng sẽ có "chín người, mười ý". Ê-kíp sản xuất không chủ đích mang đến một bộ phim đẹp hoặc vừa lòng tất cả bởi điều đó là không tưởng. Phim "Hướng dương ngược nắng" chắc chắn sẽ vẫn có điều này, điều kia… nhưng khán giả vẫn thích thú xem phim, chứng tỏ phim không đến nỗi quá tệ. Còn khán giả nào muốn bỏ phim hoặc kêu gọi bỏ phim thì đó là việc của họ.
"Ngay từ đầu, khi trao đổi với các biên kịch và biên tập, ê-kíp đều thống nhất, phần I của phim sẽ tạo ra những xung đột, biến cố… để đẩy tính hấp dẫn, cuốn hút lên từ những tập đầu.
Ở phần này, mạch chuyện và tiết tấu nhanh hơn để mọi người có được sự hứng thú khi theo dõi. Nhưng khi các tuyến nhân vật đã được định hình và cách phát triển đã mạch lạc cũng như kéo được người xem vào câu chuyện rồi thì phải chuyển sang khai thác chiều sâu tâm lý, những biến cố sẽ không còn quá nhiều nữa.
Chỉ còn những biến cố mang tính chất bước ngoặt thôi. Nhưng đi sâu vào khai thác tâm lý, nội tâm của từng nhân vật. Rõ ràng, khi biến cố xảy ra rồi, ai cũng sẽ có nhu cầu hiểu nhiều hơn về nội tâm. Mỗi nhân vật sẽ có cách hành xử đối với biến cố mình gặp theo tính cách, địa vị, trình độ văn hoá… của mình.
Đó là lúc bản ngã của mỗi nhân vật sẽ bộc lộ ra rõ ràng nhất. Vì đi sâu vào tâm lý nên có thể khán giả thấy nó hơi dài dòng và lê thế. Một phần bởi tâm lý nôn nóng muốn biết kết thúc của câu chuyện, một phần bởi họ đã quen với nhịp nhanh của phần I", đạo diễn Vũ Trường Khoa nhấn mạnh.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, nhiều bộ phim truyền hình hút khách hiện nay thường có xu hướng kéo dài mạch chuyện của phim để nâng tập phim hòng câu kéo khán giả. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng đủ tỉnh táo và khéo léo để sắp đạt mọi thứ tròn trịa, hợp lý… Nhiều tình tiết, tình huống, lời thoại… được thêm vào đầy khiên cưỡng khiến người xem cảm thấy khó hiểu hoặc nhàm.
"Người ta thường nói, bài văn viết dài chưa hẳn đã là bài văn hay. Cái gì vừa phải mới tốt, quá lên là không tốt, nhất là phim ảnh. Tôi xem nhiều phim truyền hình thấy cứ như ê-kíp sản xuất đang cố tình bôi ra cho dài thêm chứ thực sự tình tiết đó quá thừa thãi.
Nó không ăn nhập vì với mạch phim và cũng không góp phần vào giải quyết nút thắc của câu chuyện. Nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà ê-kíp cứ "cố đấm ăn xôi' đôi khi lại tạo ra tác dụng ngược", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.