NSƯT Trần Đức có thể chia sẻ rõ hơn về vai diễn của mình trong “Hướng dương ngược nắng”?
Vai ông Lâm trong phim “Hướng dương ngược nắng” là một vai thú vị. Bởi đây là nhân sự nắm mấu chốt của mọi vấn đề. Cao Dược ngả về ai và có tồn tại được không là phụ thuộc hết vào ông cổ đông này. Lời nói của ông ấy thuyết phục được tất cả các cổ đông trong tập đoàn. Khi đọc kịch bản, tôi thấy nhân vật rất hay. Cho nên dù không nhiều cảnh tôi vẫn nhận lời tham gia.
Tôi đi làm phim với tâm thế, người ta quý mến và tin tưởng thì mới mời mình. Vì thế, dù ít hay nhiều, nếu mình thấy phù hợp thì cố gắng tham gia. Cho nên tôi mới nói là chỉ có nhân vật nhỏ chứ không có diễn viên nhỏ. Dù sự xuất hiện của mình ít nhưng sự xuất hiện nào cũng khiến người ta nhớ là thành công rồi.
Khi mời tôi tham gia “Hướng dương ngược nắng”, bạn sản xuất cũng giải thích mãi. Tôi bảo, thôi cháu không phải giải thích nhiều, chỉ cần biết, cháu là người chú yêu quý nên khi mời thì chú nhận thôi.
Trong số các vai ông bố mà NSƯT Trần Đức đã đảm nhận ở nhiều phim truyền hình gần đây, vai nào ông thấy gần với mình ở ngoài đời nhất?
Tất nhiên là tôi rất tâm đắc với vai ông bố trong phim “Nhà trọ Balanha”. Nhân vật này cũng có một phần nào đó giống tôi. Ông ấy là hoạ sĩ thì ngoài đời tôi cũng là nghệ sĩ và tôi cũng có kiểu dạy con giống ông ấy. Đừng nghĩ ông bố không quan tâm trực tiếp, không thường xuyên hỏi han nghĩa là không yêu thương con mình. Bố mẹ nào chẳng yêu con nhưng mỗi người sẽ có những cách bày tỏ khác nhau. Các ông bố thường bày tỏ tình cảm âm thầm chứ không như các bà mẹ.
Tôi quan niệm, khi con “đủ lông đủ cánh”, mình phải quăng con ra cuộc đời, phải để cho tự lập thì mới thành người. Ông bố của Lâm dù đào hoa và lăng nhăng nhưng rất yêu con. Ông đứng sau, sắp xếp mọi chuyện nhưng ông ấy giấu hết. Chỉ có cái ông ấy hơi nhiều vợ nhưng mỗi cuộc đổ vỡ hôn nhân đều có lý do nên không ai chê trách điều ấy cả. Ông ấy vẫn quan tâm đến cô con gái, tặng quà ngày sinh nhật và cho tiền lúc biết con khó khăn.
Đấy là nhân vật mà tôi rất thích. Từ cái thích đó nên mới nhận các nhân vật nhỏ của người hay gọi mời tôi trong đoàn làm phim đó. Nhận lời ngay mà không cần biết vai đó như thế nào, phải đi quay ra sao.
Người ngoài đời bảo: “Bác nhận vai đó làm cái gì, phim chiếu chán rồi mới mời bác?”. Nhưng kỳ thực tôi làm phim không phải để được nổi tiếng, cũng không phải vì cát-sê. Nổi tiếng thì đã nổi tiếng rồi, gia cảnh cũng không đến nỗi túng thiếu.
Chỉ có cái là có tuổi rồi nhưng mình còn cống hiến được thì cứ cống hiến. Bây giờ mà cứ sáng sáng ngủ dậy, ăn uống xong lại loanh quanh trong nhà xem tivi rồi đi ngủ hoặc thở ngắn than dài thì không hay. Được làm việc, được cống hiến, được mọi người nhớ đến là vui rồi. Niềm vui nho nhỏ cũng góp phần làm cho cuộc đời mình vui vẻ và trẻ trung hơn.
Có thể hình dung cuộc sống của NSƯT Trần Đức phía sau những thước phim như thế nào?
Ngoài làm phim, tôi còn tu dưỡng về sức khỏe, tập luyện thể dục thể thao. Trước còn khiêu vũ, sau chuyển sang học võ thuật. Tôi tham gia các liên đoàn võ thuật để tập luyện cùng các đồng môn, môn sinh và tham gia các chương trình từ thiện cho trẻ em vùng sâu vùng xa.
Lúc rảnh rỗi thì về các vùng sâu vùng xa dạy cho người dân yêu thích điện ảnh. Ở các vùng quê, có những người già như tôi nhưng họ vẫn thích đóng phim lắm. Dạy cho người ta cách nói để mai lên phim người ta nói được một câu thôi cũng đã cảm thấy sướng rồi. Đó là niềm vui của người nghệ sĩ già.
Vậy nghệ sĩ dành thời gian cho gia đình mình ra sao?
Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình chứ vì không có gì bằng gia đình. Mình đi làm thì cũng có thêm chút thu nhập để cuộc sống của nâng cao hơn. Vì ngoài lương hưu ra mà không có thêm đồng ra đồng vào thì cũng buồn lắm.
Các con của chúng tôi đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Con trai lớn của tôi là diễn viên Trần Hoàng, hiện đang công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Bạn ấy đã tốt nghiệp ngành đạo diễn ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và cũng thích đi theo con đường của bố, tức vừa đi diễn, vừa đi dạy. Quan điểm của tôi là đã đến tuổi trưởng thành thì cần phải có một cuộc sống riêng. Ông bà không tham gia, ngoại trừ lúc cần thiết.
Bà xã của tôi năm nay cũng gần 60, đã nghỉ hưu nên thời gian ở nhà cũng nhiều. Bây giờ hai ông bà U70, U80 nhưng sống với nhau như hai vợ chồng son.
Đều đặn, sáng nào rảnh rỗi là tôi đưa bà xã đi ăn sáng rồi đi cà phê hoặc lên nhà các con chơi với các cháu. Chiều về, rảnh rỗi thì hai vợ chồng tập với nhau. Tối nấu bữa cơm ăn với nhau rồi xem những bộ phim mình thích. Tôi có niềm đam mê là thích xem phim đêm. Đêm nào cũng phải xem một vài phim trên các kênh trực tuyến. Tất cả những cái đó tôi cố gắng duy trì để cân bằng cuộc sống.
Có thời điểm tham gia phim. tôi đi suốt từ sáng đến đêm mới về, vợ bảo: “Anh đi thế này thì làm sao mà giữ được sức khoẻ”. Nhưng tôi vẫn bình thường, sáng vẫn dậy sớm tập thể dục thể thao. Nói chung là làm gì cũng được, miễn phải biết cân bằng cuộc sống với công việc.
NSƯT Trần Đức từng nói: “Tôi sống như giọt nước, chảy vào đâu cũng tròn”. Ông có thể lí giải về câu nói này?
Tôi rất thú vị với câu nói này nên đã từng phát biểu “tôi muốn sống như một giọt nước”, giọt nước thì chảy vào bầu sẽ tròn, chảy vào ống sẽ dài. Nghĩa là, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, con người ta phải biết uyển chuyển và linh hoạt trong cuộc sống. Nên biết lựa mà sống và nếu biết lựa thì chỗ nào cũng len lỏi vào được. Một khi mình đã biết hoà nhập với mọi môi trường sống thì cuộc sống mình sẽ đẹp đẽ, trôi chảy… chứ không phải len lỏi để làm gì khuất tất.
Tôi tốt nghiệp năm 1974, về công tác ở Đoàn Kịch Hà Nội thì đêm diễn đầu tiên Trưởng đoàn giao cho tôi đi là quần áo. Tôi đến phụ bác nhân viên là quần áo lâu năm thì được bác ấy giao đánh một đống giày của diễn viên và sau đó là quần áo. Tôi vẫn chấp nhận làm vì chưa được say lúa thì phải ẵm em thôi.
Làm xong công việc đó thì ngồi cánh gà ngắm những cô chú, anh chị đang diễn. Cứ há hốc mồm ra mà ngắm, mà thích thú, mà ao ước… đó là những công việc đầu tiên của tôi đấy.
Nói về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi thì thấm đẫm gian truân, mồ hôi, nước mắt… và cả sự hy sinh. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng xuất phát điểm của tôi có nhiều cái không được thuận lợi như bạn bè, đồng nghiệp khác. Mẹ tôi phải nuôi tôi một mình cho nên rất vất vả. Mọi thứ trong cuộc sống, tôi đều phải tự lập, không có ai giúp đỡ hết.
Cho đến khi tốt nghiệp trường Sân khấu – Điện ảnh, tôi cũng gặp rất nhiều gian truân. Tôi theo đuổi nghệ thuật bằng một tình yêu âm thầm nhưng luôn có những phép tính cho bản thân. Phép tính ở đây là đến năm nào đó tôi phải được đóng vai chính, đến năm nào tôi phải đạt được ước mơ của tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.