Diễn đàn được tổ chức với mục đích tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, HTX trên địa bàn huyện Quốc Oai thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đưa nông sản vào siêu thị và xuất ngoại
Ông Dương Đình Khôi - chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên, đặc sản làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, chia sẻ: Cuối năm 2019, miến dong Dương Kiên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện, mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình làm được 1 tấn miến dong, ngày cao điểm có thể sản xuất được 3 tấn miến.
Sản phẩm miến dong Dương Kiên được đóng gói 500g/túi, có tem, nhãn mác với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của 5 doanh nghiệp: Công ty CP thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm, Công ty CP Tập đoàn An Việt, Công ty CP Tập đoàn Bữa ăn an toàn, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) với 10 hộ sản xuất kinh doanh, HTX gồm: HTX Nấm, Đông trùng hạ thảo BioFine, Hộ kinh doanh nhà máy chế biến Thực phẩm dinh dưỡng Min Min Việt Nam, HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm…
Chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên cho biết, hiện đơn vị này đã kết nối tiêu thụ được 2 dòng miến đen và miến vàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc sơ chế, đóng gói, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu còn một số lúng túng, ít thông tin về thị hiếu tiêu dùng của người Nhật về dòng sản phẩm này.
Mặc dù sản phẩm gà Mông thả đồi của xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) đã được nhiều người tiêu dùng biết đến song khâu tiêu thụ sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Đình Bình - Giám đốc HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú cho biết: HTX có hơn 50 thành viên tham gia nuôi gà Mông thả đồi với tổng đàn khoảng 80.000 con/năm. Các hộ đều tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ từ nguồn gốc con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thú y... Nhờ vậy, gà xuất chuồng luôn bảo đảm chất lượng, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên sản phẩm gà Mông thả đồi Đông Yên chưa thể vào kênh siêu thị. HTX đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ chứng nhận nhãn hiệu tập thể để mở đường cho sản phẩm gà của HTX vào các kênh phân phối lớn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người chăn nuôi.
Đẩy mạnh kết nối thương mại
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện có nhiều làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như: Nhãn chín muộn Đại Thành, thịt lợn Cấn Hữu, miến làng So (xã Cộng Hòa)…
Gần đây, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, sản xuất các mặt hàng như ngũ cốc dinh dưỡng, trà, đồ uống các loại từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, khâu kết nối tiêu thụ nhiều mặt hàng thế mạnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng sản phẩm.
"Để sản phẩm vào được siêu thị thì ngoài giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, hộ sản xuất, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều".
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội
Các nhà bán lẻ Việt Nam
Toàn huyện có 1.150ha cây ăn quả, trong đó có 315ha nhãn, 440ha bưởi Diễn, 120ha ổi Đài Loan và nhiều cây ăn quả khác. Trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây ăn quả ở các xã Đại Thành, Yên Sơn cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm; trồng rau an toàn ở các xã Nghĩa Hương, Sài Sơn, Tân Phú, Cộng Hòa… cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm; trồng chè chuyên canh tại xã Hòa Thạch mang lại doanh thu từ 30 - 35 tỷ đồng/năm.
Trong chăn nuôi, huyện phát triển sản phẩm thế mạnh như: Trứng gà Cấn Hữu, gà đồi Đông Yên, lợn bản địa Đông Xuân, Phú Mãn…
Theo ông Phạm Quang Tuấn, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những vướng mắc nhất định ở khâu kết nối thị trường.
Trao đổi về vướng mắc của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã… trên địa bàn huyện Quốc Oai, ông Triệu Thành Nam - Tổ trưởng tổ thị trường châu Âu, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay, khâu xây dựng kết nối thương mại cũng như chế biến, bảo quản, xây dựng bao bì nhãn mác… của các cơ sở trên địa bàn huyện còn khá yếu. Huyện Quốc Oai cũng như các đơn vị cần đẩy mạnh liên kết với các đơn vị lớn để được tư vấn, hỗ trợ và tiếp cận thông tin hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Để tiêu thụ nông sản, yếu tố tiên quyết là các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành HTX, qua đó lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. Mặt khác, bản thân các HTX cần có tư duy marketing để phân tích, có chiến lược tiếp cận phân khúc thị trường.