Nông dân, HTX than khó, Hà Nội mở diễn đàn Khuyến nông liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thu Hà Thứ sáu, ngày 26/03/2021 21:19 PM (GMT+7)
Tại diễn đàn "Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" tổ chức tại Hoài Đức (Hà Nội) mới đây, nhiều hộ nông dân, chủ trang trại, Giám đốc HTX đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp.
Bình luận 0

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết tiêu thụ nông sản, ngày 24/3 vừa qua, Sở NNPTNT TP.Hà Nội phối hợp UBND Hoài Đức tổ chức Diễn đàn "Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các hộ nông dân, chủ trang trại, giám đốc HTX trên địa bàn huyện. Cùng tham gia diễn đàn còn có lãnh đạo của 9 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội.

Mong được kết nối với các doanh nghiệp

Tại diễn đàn, nhiều hộ nông dân, chủ trang trại, Giám đốc HTX đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp.

Anh Phạm Văn Thọ - chủ cơ sở sản xuất miến dong Lân Giang, xã Minh Khai chia sẻ: "Người dân làng nghề miến dong Minh Khai chúng tôi đủ kỹ thuật để làm ra những sản phẩm miến dong ngon nhưng thị trường tiêu thụ còn khó khăn. Đa số các hộ sản xuất miến dong ở Minh Khai trong đó có cơ sở của tôi đều tự tìm đầu ra. Chúng tôi đã thành lập hội miến dong của xã. Hàng tháng, hàng quý hội đều tổ chức họp chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ kỹ thuật làm miến dong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm". 

"Qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp kết nối với các doanh nghiệp tạo điều kiện xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường, để đầu ra sản phẩm được đảm bảo hơn" - anh Thọ nói thêm. 

“Bắt tay” doanh nghiệp, mở rộng đầu ra cho nông sản - Ảnh 1.

Các chủ trang trại, cơ sở sở sản xuất, HTX trên địa bàn huyện Hoài Đức giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: P.V

Cũng tại diễn đàn đã diễn ra ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị, như: Công ty cổ phần Thanh Thanh Food Việt Nam, Công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội… với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn Hoài Đức.

Ông Nguyễn Văn Phúc, hộ trồng phật thủ lớn tại xã Yên Sở chia sẻ: Cùng với sản xuất các quả phật thủ có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, các nhà vườn còn tới 30% sản lượng quả mẫu mã xấu, bán theo cân phục vụ nhu cầu khác. 

Do đó, các hộ trồng phật thủ rất mong kết nối với các cơ sở chế biến dược liệu, chế biến tinh dầu để nâng cao giá trị trên 1ha canh tác cũng như giảm áp lực thị trường cho sản phẩm phật thủ của địa phương.

Sản phẩm bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế có thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn song Giám đốc HTX Bưởi an toàn Quế Dương Nguyễn Như Hảo vẫn có những băn khoăn, vướng mắc.

Ông Hảo chia sẻ: Sản phẩm bưởi đường Quế Dương đã tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Năm 2020, bưởi Quế Dương được TP.Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Niên vụ bưởi 2020, trong khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường chật vật đầu ra thì bưởi đường Quế Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi hơn 20 vạn quả với giá bán khá cao từ 40.000 - 60.000 đồng/quả.

"Mong muốn của các hộ trồng bưởi ở Cát Quế là được liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm bưởi an toàn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị, cửa hàng rau quả sạch" - ông Hảo bày tỏ.

Tăng liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại

“Bắt tay” doanh nghiệp, mở rộng đầu ra cho nông sản - Ảnh 3.

Giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: P.V

"Thông qua diễn đàn, nông dân, các chủ trang trại nắm rõ xu hướng, nhu cầu thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có thương hiệu. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội thông qua việc ký kết biên bản hợp tác cụ thể".

Bà Vũ Thị Hương -

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Trao đổi về tình hình địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Hoài Đức có 12 làng nghề được thành phố công nhận làng nghề. Đa số các làng nghề được tiêu thụ ở thị trường trong nước là chủ yếu.

Trên địa bàn huyện trồng khoảng 200ha phật thủ. Cùng với phát triển cây phật thủ, toàn huyện có 2.000ha rau, hơn 1.000ha cây trồng giá trị cao (Bưởi, nhãn chín muộn, cam, ổi, táo), 200ha phật thủ và 5ha hoa lan.

Huyện có 5 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở và rau an toàn Tiền Lệ. Các sản phẩm trên có hệ thống bao bì, nhãn mác giúp phân biệt với các sản phẩm khác trên thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trên địa bàn huyện Hoài Đức đã có 12 cơ sở tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố với 63 sản phẩm. Huyện thường xuyên có từ 5-10 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rau an toàn, bưởi, nhãn. Đặc biệt, một số lô hàng chín muộn đã được xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận: Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Để việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho rằng: Trước tiên, các hộ dân Hoài Đức có liên kết sản xuất, thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ liên kết thành HTX. 

Từ các mô hình liên kết này, nông dân cùng "bắt tay" lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn.

"Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm, khâu tiêu thụ nông sản chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các nhóm hộ, HTX cũng cần tính tới việc thành lập các nhóm như Zalo, Facebook… để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản" - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Là một trong 9 doanh nghiệp tham gia diễn đàn, Phó Giám đốc Công ty CP Suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa cho rằng: Nông sản muốn vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Do đó, các hộ sản xuất và HTX cần xây dựng quy trình sản xuất nông sản khép kín và hướng tới tiêu chuẩn nhất định, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt là sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem