Người phụ nữ đảm đang nuôi "lung tung" mà chúng tôi nhắc đến, đó là chị Bùi Thị Hạnh, dân bản Gia Khâu 2 (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu). Nhà chị Hạnh nằm ngay bên tỉnh lộ 127 – thành phố Lai Châu đi huyện Sìn Hồ.
Hôm chúng tôi đến, chị Hạnh đang chuẩn bị cho đàn gia cầm ăn. Cắp chậu cám đi ra chuồng gà ở phía đầu hồi nhà, chị Hạnh lần lượt đổ vào các khay. Đàn gà mía hơn 400 con, đều tăm tắp, đua nhau mổ thức ăn.
Chỉ vào 2 gian chuồng gà cũ kĩ, chị Hạnh vui vẻ nói: Hai gian chuồng này được gia đình tôi xây dựng từ nhiều năm trước, dành để nuôi lợn. Thời điểm lợn hơi xuống giá, gia đình tôi một phen lao đao, lỗ nặng nên chuyển sang nuôi gia cầm.
Nói rồi, chị Hạnh quay vào nhà xúc chậu cám mang ra cho đàn ngan ở khu chuồng bên phía đối diện nhà ở và đàn vịt nhốt ở gian chuồng gần đó.
Theo chị Hạnh, gia đình chị nuôi gà, vịt từ rất lâu rồi, nhưng trước đó nuôi chỉ để cải thiện bữa ăn, chứ không làm kinh tế như vài năm trở lại đây. Từ khi nuôi lợn thua lỗ do giá lợn hơi bấp bênh, gia đình chị mới toàn tâm, toàn ý đầu tư chăn nuôi gia cầm.
Không chọn nuôi một loại mà gia đình chị Hạnh nuôi cả gà, ngan, vịt mỗi loại một ít. Nuôi gia cầm theo cách này, gia đình chị Hạnh vừa không phải lo đầu ra, vừa không sợ thua lỗ khi giá cả thị trường thay đổi.
Chị Hạnh không để ngan, gà, vịt ở chung một chỗ mà cho chúng ở 3 nơi cách biệt, với những chuồng nuôi xây kiên cố. Mỗi lứa, gia đình chị Hạnh nuôi khoảng 400 con gà, 300 con vịt và hơn 200 con ngan. Từ năm 2020 trở về trước, gia đình chị Hạnh nuôi giống gà tàu. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không lấy được giống gà tàu nên chị chuyển sang nuôi gà mía.
Theo chị Hạnh, giống gà mía này nuôi chậm lớn hơn gà tàu. Nếu nuôi gà tàu thì chỉ 3 tháng là được xuất bán, còn nuôi gà mía thì ít nhất cũng phải mất 4 tháng mới đủ trọng lượng để bán ra thị trường.
Nuôi gà vất vả nhất là lúc chúng còn nhỏ. Khi bắt gà mới nở về cần phải úm trong chuồng kín và thắp đèn sưởi cho chúng. Quan trọng nhất là phải biết cách phòng chống dịch bệnh cho gà con vì lúc này sức đề kháng của chúng rất thấp.
"Khoảng 5 ngày sau khi mua gà giống mới nở về nuôi, tôi nhỏ vắc xin IB phòng bệnh: Hen truyền nhiễm và tụ huyết trùng cho chúng. Sau đó 1 tuần thì tôi nhỏ vắc xin Gumboro để tăng miễn dịch cho đàn gà con" – chị Hạnh cho hay.
Theo chị Hạnh, nuôi gà, ngan, vịt muốn có "ăn" thì phải đặc biệt chú ý đến khâu chọn con giống. Gia đình chị thường lựa chọn những con giống khỏe mạnh từ những trang trại sản xuất giống có uy tín về nuôi. So với gà, vịt, thì ngan là khó nuôi hơn cả, nhất là trong thời kỳ nuôi úm ngan con.
"Ngan con mới nở thường bị bệnh khô chân, ỉa phân xanh, phân trắng. Vì vậy trong thời kỳ úm phải hết sức chú ý đến những dấu hiệu này. Chuồng úm phải luôn khô ráo, sạch sẽ và phải thắp bóng điện sưởi cho ngan con cả ngày lẫn đêm. Có như vậy, đàn ngan mới sinh trưởng, phát triển tốt được. Sau giai đoạn úm, ngan con đã cứng cáp, nuôi sẽ dễ hơn và đỡ vất vả hơn" – chị Hạnh chia sẻ thêm.
Chị Hạnh chủ yếu cho gà, ngan, vịt ăn cám công nghiệp. Khi đàn gà, vịt, ngan được chừng 1 tháng tuồi thì chị cho chúng ăn thêm bỗng rượu ngô. Nói như chị Hạnh thì bỗng rượu ngô dùng làm thức ăn cho gia cầm rất tốt. Bỗng rượu có thể cung cấp các loại vitamin A-B cho đàn gà, kích thích đàn gà ăn uống khỏe hơn, mau lớn hơn. Khi đàn gia cầm còn nhỏ, chị Hạnh cho chúng ăn ngày 3 bữa, sau đó giảm xuống còn 2 bữa mỗi ngày.
Không chỉ quan tâm đến việc cho đàn gia cầm ăn đủ dinh dưỡng, chị Hạnh còn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ. Chị rải trấu và rắc men vào nền chuồng nuôi ngan, gà, vịt, nên khu vực nuôi gia cầm không bốc mùi hôi thối. Trong môi trường sạch sẽ, đàn gia cầm nhà chị Hạnh sinh trưởng, phát triển tốt.
Mỗi năm, chị Hạnh nuôi 3 lứa gà, 4 lứa ngan, 5 lứa vịt, mỗi lứa vài trăm con. Vì nuôi theo kiểu gối vụ nên chị Hạnh thường xuyên có gia cầm xuất bán ra thị trường. Chị Hạnh chủ yếu bán đổ cho thương lái, với giá dao động từ 50.000 đồng – 80.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình chị Hạnh lãi hơn 100 triệu đồng từ bán gà, ngan, vịt thường phẩm ra thị trường.