Quảng Nam: Luồn rừng, lội suối lên khám phá ngôi làng đoàn kết đẹp như tranh vẽ của người Cơ Tu

Đình Hiệp - Trần Hậu Chủ nhật, ngày 11/04/2021 06:05 AM (GMT+7)
Làng Aur của người Cơ Tu nằm lọt thỏm giữa khu rừng già nguyên sinh thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, biệt lập với thế giới bên ngoài. Làng Aur hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình thuộc xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0

Bao đời nay, người Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam luôn coi đoàn kết là sức mạnh cộng đồng, là động lực để cùng phát triển quê hương. Đoàn kết cộng đồng làng là nét văn hóa tiểu biểu được duy trì cho đến ngày nay.

Làng đoàn kết giữa đại ngàn

Chúng tôi đến chia vui với bà con sau gần 6 tiếng lội bộ, băng rừng vất vã. Đón chúng tôi, dân làng ai cũng vui vẻ vì lâu lắm mới có khách lạ đến thăm. Làng Aur nằm lọt thỏm giữa khu rừng già nguyên sinh thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, biệt lập với thế giới bên ngoài. Làng có 21 hộ dân, 106 khẩu, 100% là người Cơ Tu. Đến nay, làng vẫn chưa có điện, đường giao thông và không trạm y tế. Chính điều kiện đi lại khó khăn nên cuộc sống trong làng gần như "tự cung, tự cấp".

Clip - Làng đại đoàn kết đẹp như tranh vẽ của người Cơ Tu ở xã A Vương, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài trồng lúa, sắn, bắp, bà con còn chăn nuôi bò, heo, gà, vịt và đi bắt cá suối, săn bắt các sản vật từ rừng để phục vụ cuộc sống hàng ngày của mình.

Do sống phụ thuộc vào tự nhiên nên tính đoàn kết cộng đồng của người dân được thể hiện rất rõ. Nhiều nét văn hóa Cơ Tu độc đáo đã được người dân giữ gìn nguyên sơ mà khó có nơi nào có được. Tiêu biểu như tục cả làng nấu cơm đãi khách.

Quảng Nam: Nằm giữa đại ngàn làng “tự cung, tự cấp” vẫn sống khỏe - Ảnh 2.

Làng vùng cao Tây Giang trong ngày hội làng.

Già làng Alăng Reng tâm sự, trước đây làng Aur thuộc huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế), năm 2003, làng được sát nhập về xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Người dân ở đây chăm chỉ làm ăn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn và luôn có một niềm tin sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ.

Già Reng bảo "bao đời nay, người Cơ Tu sống với rừng, dựa vào rừng, và được rừng che chở, nuôi nấng. Để tồn tại được cho đến nay, dân làng sống với nhau bằng tình đoàn kết, nghĩa keo sơn. 

Có một điều lạ, dù sống biệt lập giữa rừng sâu nhưng cuộc sống ở đây lại rất no đủ. Bản làng, con người Aur luôn gọn gàng, sạch sẽ. Làng không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn đẹp ở tình người.

Quảng Nam: Nằm giữa đại ngàn làng “tự cung, tự cấp” vẫn sống khỏe - Ảnh 3.

Những người dân đây vẫn hàng ngày miệt mài cùng nhau vun vén, xây dựng một cộng đồng làng đoàn kết, đùm bọc nhau.

Có nhiều câu chuyện nói về sức mạnh đoàn kết cộng đồng nơi đây. Chị Alăng Thị Đôi kể, mọi công việc ở đây đều làm chung "có qua, có lại". Bà con trong thôn giúp nhau mọi việc từ làm nhà đến làm kinh tế; hỗ trợ nhau lương thực, thực phẩm, chia sẻ từng "miếng cơm manh áo". Có hôm, dân làng cả thôn lội bộ gần 6 tiếng đồng hồ ra tận trung tâm xã AVương gùi từng viên gạch men, từng tấm tôn về làm nhà.

Hay câu chuyện dân làng góp vốn mua máy nổ, máy xay xát gạo từ đồng bằng lên, tháo rời ra, rồi gùi về lắp ráp lại để xay xát. Gần 3ha lúa nước cạnh làng, trước đây là khu đất hoang giờ được người dân khai phá để trồng lúa nước. Hay ngôi trường học tại thôn cũng do công sức của bà con đóng góp làm nên để phục vụ việc học của con em.

Quảng Nam: Nằm giữa đại ngàn làng “tự cung, tự cấp” vẫn sống khỏe - Ảnh 4.

Cuộc sống yên bình ở làng Aur, xã AVương, huyện Tây Giang.

Có người trong thôn ốm đau nặng, thế là cả làng thay nhau khiêng bộ ra trung tâm y tế xã để chữa trị. Không có chợ búa, không có hàng hóa để giao thương, trao đổi, người dân làng Aur sống chủ yếu là "tự cung, tự cấp". Một tuần nhà này làm con heo để chia nhau cả làng cùng ăn, tuần sau thì đến nhà khác. Dân trong thôn ai cũng có khu sản xuất, chăn nuôi riêng nhà nào cũng nuôi vài con heo, con gà vịt và họ còn tận dụng nguồn nước suối sạch để dẫn về đắp ao nuôi các loại cá bản địa. Dù "tự cung, tự cấp" nhưng nhà nào cũng đủ ăn. Có nhiều hộ còn mạnh dạn viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Aur theo tiếng Cơ Tu nghĩa là những "con kiến" cùng xây tổ ấm. Và đúng như vậy, những người dân nơi đây vẫn hàng ngày miệt mài cùng nhau vun vén, xây dựng một cộng đồng làng đoàn kết, đùm bọc nhau. Ngôi làng nhỏ bé, chỉ có vỏn vẹn 21 nóc nhà với hơn 100 nhân khẩu. Thế nhưng, ngôi làng ấy đã "dệt" nên nhiều điều tuyệt diệu về tình đoàn kết.

Làng đoàn kết Arui hấp dẫn trong ánh mắt khách du lịch

Già làng Bhnước Búh cho biết làng Arui (xã Dang, huyện Tây Giang) trước đây, bà con lập làng tại ngọn đồi này vì gần nguồn nước, đất đai tốt. Qua nhiều năm canh tác đất đai bạc màu, do ảnh hưởng cơn bão số 12 (cuối năm 2017) gây rạn nức, sạt lở rất nguy hiểm. Nhờ có bộ đội, dân quân kịp thời trợ giúp, bà con đã chuyển nhà đến nơi ở mới gần trung tâm xã thuận tiện hơn.

Quảng Nam: Nằm giữa đại ngàn làng “tự cung, tự cấp” vẫn sống khỏe - Ảnh 5.

Bà con trong thôn giúp nhau mọi việc từ làm nhà đến làm kinh tế; hỗ trợ nhau lương thực, thực phẩm, chia sẻ từng "miếng cơm manh áo".

Mới đây, 46 ngôi nhà mới được xây dựng khang trang từ số tiền 2 tỷ đồng hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam. Những ngôi nhà ở đây đều được gắn biển "nhà đại đoàn kết" bởi ngoài nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng/1 ngôi nhà, thì còn có sự đoàn kết góp công, góp của của nhân dân các thôn khác. 

Trong đó, có nhiều hộ dân hy sinh hoa màu, cây cối hiến cả ha đất để làm mặt bằng cho bà con thôn Arui đến ở. Riêng bà con thôn Ađâu đã hiến gần 3ha đất để làm mặt bằng. 

"Nhờ đoàn kết với nhau việc gì dân mình cũng làm được. Với điều kiện miền núi khó khăn mà không đoàn kết thì sao làm được việc. Những lúc như thế này mới thấy hết sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc…", già Búh nói.

Quảng Nam: Nằm giữa đại ngàn làng “tự cung, tự cấp” vẫn sống khỏe - Ảnh 6.

Làng không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn đẹp ở tình người.

Từng căn nhà đại đoàn kết được dựng tại thôn Arui gắn liền với sự sẻ chia ân tình của người dân mọi miền đất nước đến với đồng bào Cơ Tu. Như tổ chức trẻ em Việt Nam tại Đà Nẵng đã vận động được 305 triệu đồng để mua và vận chuyển 1.170 tấm tôn lên giúp 39 hộ dân nơi đây. Chi nhánh Ngân hàng đầu tư - Phát triển Quảng Nam hỗ trợ 150 tấm lợp cho những hộ còn lại…

Đến dự và chia vui với bà con các thôn nhân Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang – Ông B'hriu Liếc căn dặn bà con trong thôn phải gìn giữ và phát huy tình đoàn kết cộng đồng. Các thành viên trong gia đình đoàn kết nhau, các hộ dân đoàn kết nhau, thôn đoàn kết với thôn, xã đoàn kết với xã.

"Đoàn kết cộng đồng làng" là sức mạnh tập thể, được thể hiện rõ nhất trong quá trình chọn đất lập làng, làm gươl, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Truyền thống gắn kết cộng đồng là yếu tố rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của huyện Tây Giang…". Ông Liếc khẳng định.

Theo số liệu thống kê năm 2019, huyện Tây Giang có 15 thành phần dân tộc; trong đó người Cơ Tu chiếm hơn 92%, còn lại người Kinh, Mường, Tày, Thái, Tà Ôi, Bh'Noong, Ca Dong, Hre, Giẻ Triêng, Hoa, Vân Kiều, Cor. Tính đoàn kết cộng đồng làng còn thể hiện qua các lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em, lễ ăn mừng được mùa, lễ tạ ơn rừng, lễ dựng cây neo… Thời gian qua, huyện Tây Giang cũng san ủi mặt bằng bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống cho người dân tại 95 điểm tái định cư mới ở 63 thôn theo mô hình làng đoàn kết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem