Mua bán hạt điều qua trung gian, nông dân và HTX trồng điều càng dễ bị o ép khi thời tiết bất lợi, khiến mùa vụ năm nay sụt giảm cả năng suất, chất lượng.
Chị Triệu Thị Tươi trồng điều ở huyện Phú Riềng kể, chưa thấy vụ điều nào nhiều âu lo như năm nay. Không chỉ mất mùa, chủ vườn điều còn đối diện bài toán nan giải khác là thiếu nhân công thu lượm điều.
Hiện nay, hạt điều chủ yếu thu gom thủ công nên nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Tiền công lao động được tính theo sản lượng thu gom. Chủ vườn sẽ trả cho người lượm điều với giá khởi điểm 3.000 đồng/kg; hoặc trả theo công nhật từ 250.000-300.000 đồng/ngày.
Theo chị Tươi, nhiều nhà vườn sẵn sàng trả cao hơn vẫn không dễ gì tìm được nhân công. Nguyên nhân là năm nay năng suất điều giảm do mưa trái mùa. Nhiều lao động thích chọn các vườn có năng suất cao.
Với các vườn điều mất mùa, việc tìm kiếm công lao động càng thêm khó. Chị Tươi nói, với giá điều tươi đang sụt giảm chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chủ vườn chỉ còn huề vốn hoặc thua lỗ.
Hạt điều rụng xuống, không thể để lâu trên mặt đất. Vì chỉ cần gặp mưa, hạt điều nẩy mầm là coi như bỏ.
Theo ông Nguyễn Quanh Tích - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Riềng, bán điều phơi khô sẽ được giá tốt hơn. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng thực hiện được giải pháp này.
Nhiều nông hộ vẫn trồng điều theo quy mô nhỏ. Trước vụ mùa thì bà con phải ứng vốn của các đại lý để sản xuất; đến cuối vụ thì trả sản phẩm.
Nhiều nông dân do tài chính hạn hẹp, thu hoạch điều tươi đến đâu thì bán đến đó để trang trải cuộc sống và nợ nần.
Ông Tích cho rằng, tạo ra được chuỗi liên kết bền vững từ trồng, chăm sóc đến chế biến, xuất khẩu điều không hề dễ. Toàn tỉnh có rất nhiều cơ sở chế biến nhưng phần lớn hạt điều chưa trực tiếp đến được doanh nghiệp.
"Mua bán hạt điều nhìn chung vẫn qua thương lái, chứ chưa có điểm bao tiêu đầu ra ổn định", ông Tích nói.
Ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty CP chế biến điều Hoàng Sơn 1 đánh giá, việc xây dựng chuỗi liên kết không đơn giản. Doanh nghiệp chế biến thì nhiều nhưng đa phần là tư nhân, cùng rất nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Các đơn vị này không đủ năng lực tài chính để cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu hoặc bao tiêu theo chuỗi.
Tại huyện Bù Đăng, Hoàng Sơn 1 là đơn vị đi đầu trong chế biến, xuất khẩu hạt điều nhân. Vào mùa thu hoạch, Hoàng Sơn 1 cũng tổ chức thu mua từ nông dân hoặc từ các điểm thu gom chứ không có hợp đồng mua bán hạt điều chính thức.
"Tuy là không liên kết chính thức với nông dân nhưng mối quan hệ mua bán hạt điều hiện nay thực chất đã là liên kết có tính tự nhiên rồi", ông Huyên nói.
Không chỉ hạt điều của nông hộ, ngay cả hạt điều hữu cơ của HTX cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ. Năm nay là vụ điều thứ 2 liên tiếp HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) phải chấp nhận mua bán hạt điều ra thị trường trôi nổi.
HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập được thành lập theo chỉ đạo của chính quyền tỉnh Bình Phước, mục đích để hỗ trợ bà con nghèo trồng điều tại địa phương. Với 181 thành viên, diện tích canh tác điều gần 800ha; HTX chú trọng sản xuất điều sạch ngay từ khi thành lập.
Trước đây, hạt điều của HTX được Công ty Chế biến điều Việt Hà (tỉnh Bình Dương) khảo sát đánh giá tiêu chuẩn Organic và bao tiêu sản phẩm. Vụ năm 2020, Công ty Việt Hà phải di chuyển nhà máy, chưa thể đánh giá lại tiêu chuẩn Organic, nên cũng tạm dừng thu mua điều của xã viên.
Bà Trần Thị Yến - Giám đốc HTX Bù Gia Mập giải thích, khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn Organic, đầu ra của hạt điều ổn định với giá mua bán hạt điều cao hơn giá thị trường 1.000-1.500 đồng/kg.
Năm ngoái, đối tác gặp khó, không thể thực hiện đúng hợp đồng bao tiêu với HTX, hạt điều của xã viên không được bán với giá trị tốt nhất. Năm nay, chất lượng điều giảm sút giảm, đầu ra của HTX lại chông chênh.
Bà Yến kể, do thời tiết thất thường, điều bị rỗng ruột nhiều, tỷ lệ nhân điều thu hồi giảm. Năm nay, điều lại chín hàng loạt, rụng đầy sân vì không thu lượm kịp. Hạt điều rụng xuống, dính nước mưa khiến màu sắc của nhân điều không đẹp.
Sau trục trặc với Việt Hà, năm nay HTX đăng ký chứng nhận Organic với một đơn vị khác, được khoảng 250ha.
"Tuy nhiên, chất lượng hạt điều khó đạt theo yêu cầu, HTX phải tạm hoãn ký hợp đồng; lại vận động bà con bán điều ra ngoài", bà Yến than thở.
HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập là 1 trong 4 thành viên thuộc Liên hiệp HTX điều Bình Phước. Trong số 4 HTX thành viên này, chỉ có HTX Phước Hưng và HTX Đồng Nai được chứng nhận tiêu chuẩn Organic và Fairtrade trên toàn bộ diện tích 738ha.
Ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc Liên hiệp HTX điều Bình Phước cho biết, khi có tiêu chuẩn Organic, giá mua bán hạt điều sẽ ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Liên hiệp HTX sẽ hỗ trợ HTX nông nghiệp Bù Gia Mập làm các thủ tục cần thiết để được chứng nhận trong thời gian sớm nhất. "Khi đó mới không còn tình trạng các xã viên bán điều trôi nổi trên thị trường", ông Bộ nói.
Với diện tích hơn 138.000ha, cây điều Bình Phước chiếm hơn 46% diện tích điều cả nước. Cây điều góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 44.000 lao động.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, việc xây dựng chuỗi liên kết thông qua các hình thức hợp tác là cần thiết để phát triển bền vững ngành điều. Trong chuyến thăm các doanh nghiệp chế biến, HTX và người trồng điều mới đây, Bí thư đề nghị ngành chức năng cần hỗ trợ, liên kết các hộ dân hình thành vùng nguyên liệu.
"Với các doanh nghiệp, ngoài việc tập trung chế biến sâu, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm cũng cần tăng cường phối hợp, liên kết thu mua nông sản của người dân để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững", Bí thư Nguyễn Văn Lợi đề nghị.