Nông dân bí bách bên những vườn điều: Thủ phủ điều cũng "hát" điệp khúc mất mùa (Bài 2)

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 03/04/2021 19:13 PM (GMT+7)
Ngay tại “thủ phủ” điều Bình Phước, nơi các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi giúp nhiều vườn điều cho năng suất cao, nhưng cũng không ít vườn điều tiếp tục điệp khúc mất mùa.
Bình luận 0

Đất cằn thì năng suất điều sụt giảm

Ông Tiêu Văn Xuân ở xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) kể, đầu mùa, điều ra bông rất đẹp. Nhưng từ sau Tết Nguyên Đán, thời tiết diễn biến bất thường. Sau 2 cơn mưa, vào đúng thời điểm điều ra bông, đậu trái nên vườn điều bị đen bông hoặc rụng trái non đã khiến năng suất điều sụt giảm. 

Gia đình ông Xuân có gần 1ha điều đang vào vụ thu hoạch. Từ đầu vụ tới nay, ông chỉ thu được hơn 50 kg. Chưa năm nào ông Xuân Thu hoạch ít như thế. 

Bông khô, trái non rụng đầy vườn cũng là tình cảnh chung của nhiều vườn điều ở xã Đăng Hà. Vì thế, dù đang là chính vụ nhưng không khí thu hoạch tại các vườn điều nơi đây khá tĩnh lặng.

Rất nhiều diện tích điều ở Bình Phước trồng trên vùng đất dốc, thuộc dạng ít thích nghi và không thích nghi với cây điều

Rất nhiều diện tích điều ở Bình Phước trồng trên vùng đất dốc, thuộc dạng ít thích nghi và không thích nghi với cây điều.

Ngoài một số hộ trồng đúng kỹ thuật, một đặc điểm chung gây bất lợi lớn ở xã Đăng Hà là đất trồng nhiều đồi dốc, xen kẽ thung lũng sâu, nhiều vùng đất bạc màu không thích hợp cho cây đều sinh trưởng và phát triển.

Toàn xã Đăng Hà có gần 2.000ha trồng điều, nhưng hầu hết là vườn điều già cỗi, năng suất trung bình chỉ đạt từ 5-7 tạ/ha. Những năm gần đây, khí hậu liên tiếp biến đổi bất thường. Năm 2021 đã là năm thứ 5 liên tiếp nông dân Đăng Hà mất mùa điều.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, niên vụ 2020-2021, trong 138.000ha diện tích điều toàn tỉnh thì có tới gần 70.200ha điều thuộc dạng ít thích nghi và không thích nghi với cây điều.

Toàn tỉnh có gần 50.000ha điều thuộc vùng chuyên canh, cho năng suất cao. Có thể kể đến như các xã Minh Hưng, Đức Liễu, Bom Bo... ở huyện Bù Đăng; xã Phú Trung, Long Hưng... của Phú Riềng, hoặc xã Bình Thắng của huyện Bù Gia Mập.

Tuy nhiên, Bình Phước vẫn còn không ít vùng trồng theo lối quảng canh, cho năng suất thấp như ở xã Đồng Tâm, Đồng Tiến của huyện Đồng Phú; xã Tân Lợi, Đồng Nơ của huyện Hớn Quản... Ngay tại huyện Bù Đăng vẫn có những xã trồng điều cho năng suất thấp. Xã Đăng Hà nêu trên là một ví dụ.

Một vườn điều già cỗi cho năng suất thấp

Một vườn điều già cỗi cho năng suất thấp.

Thêm một khó khăn nữa, 50.740ha điều của Bình Phước (chiếm gần 38%) là do đồng bào dân tộc thiểu số đang canh tác. Nhiều bà con vùng sâu, vùng xa vẫn còn tư duy sản xuất điều quảng canh, dẫn đến canh tác điều chưa đúng kỹ thuật. 

Khi gặp các điều kiện bất lợi về thời tiết và dịch bệnh thì người trồng thường thiếu kiến thức và kinh nghiệm để xử lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất điều tại các vùng này không được cao.

Năng suất điều sụt giảm vì giá cả bấp bênh

Bà Cấn Thị Ngãi ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng) trồng điều đã 20 năm. Từng khấm khá lên nhờ cây điều, nên dù giá cả có khi trồi khi sụt, bà vẫn gắn bó với cây trồng này. Hiện bà Ngãi đang trồng 4ha là giống điều ghép BN1 20 năm tuổi cho năng suất bình quân 3-4 tấn/ha.

Theo bà Ngãi kể, việc giữ được năng suất ổn định qua từng năm đối với vườn điều không hề đơn giản. Mặc dù vẫn là loại cây ít tốn công và chi phí chăm sóc nhưng cây điều đã không còn là loại cây trồng dễ dãi như quan niệm trước đây, càng không thể phó mặc cây điều cho trời đất rồi chờ đến mùa mà vẫn có thu hoạch.

Cây điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thông thường là chưa đủ. 

Người trồng điều còn phải cập nhật kỹ thuật mới để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây điều. Nhất là điều đang trong giai đoạn ra trái non, gặp nhiệt độ cao bất thường, trái dễ bị khô đen. Việc cung cấp chế độ dinh dưỡng, phun thuốc làm mát bông, mát trái ở từng thời điểm như thế rất quan trọng.

Năng suất cao chưa đảm bảo cho nông dân 1 vụ điều mùa vì còn phụ thuộc giá thu mua

Năng suất cao chưa đảm bảo cho nông dân 1 vụ điều mùa vì còn phụ thuộc giá thu mua điều.

Cẩn thận như thế nhưng bà Ngãi bảo, nhiêu đó vẫn chưa giúp nông dân đảm bảo sẽ được mùa. Nếu thời tiết thuận lợi, đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, điều cho năng suất cao thì người trồng chỉ mới vui một nửa. Nửa còn lại là tùy thuộc vào giá thu mua điều, mà rõ nhất là vụ điều năm trước.

Niên vụ 2020, giá điều dao động từ 23.000-28.000 đồng/kg (giảm từ 7.000-9.000 đồng/kg so với vụ 2019). Đến cuối vụ 2020, giá chỉ còn 15.000-18.000  đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 12.000-14.000 đồng/kg.

Đầu vụ điều năm  nay, giá dao động 28.000-29.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, giá đã giảm xuống chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg. Bà Ngải bảo, không thể đoán chắc được giá sẽ còn tụt giảm tới đâu. Đây là nỗi lo của không chỉ riêng gì bà, mà còn là của nhiều người trồng điều khác.

Ông Nguyễn Quanh Tích - Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Phú Riềng cho biết, hết thời tiết bất lợi, sâu bệnh hoành hành ở những vụ trước, rồi giá thấp ở vụ này, cây điều đang đứng trước nhiều thách thức.

Thực tiễn cho thấy quy trình sản xuất, các ứng dụng khoa học kỹ thuật được người dùng đưa vào vườn điều khá rộng rãi. Tuy nhiên giá điều bấp bênh cũng đang tác động trực tiếp đến việc đầu tư chăm sóc điều của nhiều nông dân.

Theo ông Tích, vấn đề đầu ra của hạt điều hiện nay còn chưa ổn định. Phần lớn hạt điều của nông dân làm ra không trực tiếp đến với doanh nghiệp mà phải qua khâu trung gian. Một phần lợi nhuận của người làm ra hạt điều mất đi. Thu nhập thấp cũng là nguyên nhân khiến lơ là chăm sóc, năng suất thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem