Đến vườn hoa hồng cổ của anh Đào Ngọc Thịnh (trú tại khu 9, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), chắc hẳn mọi người đều không khỏi ngất ngây, lạc lối vì sự hội tụ của hơn 200 loại hoa hồng cổ.
Anh Thịnh chia sẻ, anh sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo khó nên chỉ học hết cấp 3, anh đành phải nghỉ học, bôn ba đủ thứ nghề để kiếm sống.
Năm 2012, anh quyết định trở về quê hương Phú Thọ lập nghiệp. Với lợi thế đất đồi của gia đình, anh thử nghiệm trồng một số cây lấy gỗ, cây ăn quả nhưng đều không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Đến năm 2014, sau nhiều lần trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả thất bại, anh Thịnh quyết định chuyển sang trồng hoa hồng. Để có được vườn hồng này, anh phải vừa tự tay cải tạo đất đồi, vừa thuê nhân công thời vụ và mày mò học thêm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, để chăm sóc hoa hồng - giống hoa kén đất, kén người chăm, với người mới bắt tay vào trồng hoa hồng như anh Thạnh không phải việc dễ dàng.
"Khi Thịnh nói chuyện với gia đình là sẽ trồng hoa hồng, ai nấy đều rất lo lắng. Thứ nhất là quanh vùng chưa ai trồng hoa hồng thành công, thứ 2 là kinh nghiệm của Thịnh cũng chỉ thuộc dạng bập bõm. Đặc biệt hơn nữa là muốn trồng hoa hồng thì phải cải tạo đất, san hạ đồi với số tiền lớn, rồi thì lo lắng cả đầu ra nữa", bà Nguyễn Thị Thu (mẹ anh Thịnh) chia sẻ.
Bà Thu cho biết thêm, thấy Thịnh quyết tâm, lại chẳng ngại đêm hôm, mưa nắng, suốt ngày cứ quanh quẩn ngoài vườn, tỉ mẩn làm đủ mọi việc nên gia đình cũng động viên.
"Thời gian đầu trồng, hoa hồng chết hàng loạt, tôi cũng thấy hoảng, định bụng buông bỏ. Nhưng rồi lý trí của tôi vẫn thắng và tôi đặt quyết tâm phải làm bằng được", anh Thịnh chia sẻ.
Theo anh Thịnh, mỗi loại hồng có cách chăm sóc, chăm bón, cắt tỉa, đặc tính sinh trưởng và sâu bệnh khác nhau. Chính vì vậy, để cây hoa hồng có thể sống, sinh trưởng tốt, ngoài việc nghiên cứu tư liệu, anh còn đi lên tận Lào Cai, Yên Bái, thậm chí vào Huế, Đà Lạt… để đặt mua giống và học hỏi kỹ thuật trồng hoa hồng.
"Thời điểm ấy, cứ nghe người dân hay nhà vườn trồng thành công loại hoa hồng nào là tôi tìm đến, chẳng kể đường xa hay tốn kém để học hỏi kinh nghiệm. Từ việc làm đất ra sao, bón thời điểm nào, lượng nước, đặc tính, cách chiết cành nhân giống, các bệnh thường gặp, cách chữa trị ra sao… tôi đều ghi chép đầy đủ và giữ như báu vật", anh Thịnh tâm sự.
Cũng theo anh Thịnh, đa phần các loại hoa hồng đều thích hợp với loại đất tơi xốp, do đó trước khi trồng phải chú ý đến việc cải tạo đất, dùng phân sinh học, phân chuồng đã được ủ hoai mục. Lượng nước luôn phải giữ vừa phải, đủ độ ẩm nhưng không quá úng hoặc khô quá.
Đặc biệt, hoa hồng thường có các loại bệnh như nấm, bọ trĩ, nhện… nên cần thường xuyên quan sát, phát hiện là xử lý ngay tránh lây lan. Để xử lý sâu bệnh cho hoa hồng, nên chú trọng đến thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, khi phát hiện bệnh, mọi người nên lập tức khoanh vùng bằng cách cắt bỏ cành, quây riêng và tìm đúng loại thuốc thích hợp để diệt loại sâu bệnh đó.
Vừa học, vừa thử nghiệm, vừa tìm đầu ra, sau 7 năm, đến nay, vườn hoa hồng của anh Thịnh đã có trên 200 giống hồng cổ của Việt Nam và nước ngoài được nhân cấy thành công.
Có thời điểm, vườn hoa hồng nhà anh Thịnh có tới 1,5 vạn gốc hồng ngoại chờ xuất bán, hàng ra đến đâu, hết đến đó. Hiện anh Thịnh thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng từ trồng hoa hồng.
Anh Thịnh cho biết thêm, so với các dòng hoa hồng nội địa khác, hoa hồng leo có giá đắt hơn gấp nhiều lần. Những cây hoa hồng leo đẹp có thể được khách trả giá lên tới vài triệu đồng. Không chỉ những người quanh vùng đến mua, thông qua mạng xã hội và báo chí, hiện giờ anh xuất bán hoa hồng đi cả nước.
"Đối với những ai muốn học hỏi kinh nghiệm trồng hoa hồng, tôi sẵn sàng chia sẻ, bởi lẽ, tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ những người đi trước", anh Thịnh cho biết.