Dân Việt

“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (bài cuối): Ấp ủ thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên

Gia Tưởng 14/04/2021 13:00 GMT+7
Mỗi năm, người dân xã Hữu Kiên “cho ra lò” cả nghìn con ngựa bạch thương phẩm. Đội ngũ lãnh đạo xã trẻ và năng động của Hữu Kiên đang ấp ủ xây dựng và phát triển thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên. Trong đó, sản phẩm cao ngựa bạch đang được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã vùng 3 này.

Giúp dân quản lý ngựa hiệu quả

Cả một buổi trưa, chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện về ngựa với Chủ tịch xã Hữu Kiên- Nguyễn Hoa Tin. Anh Tin năm nay tròn 40 tuổi, đề cập đến việc lập gia đình, anh chỉ cười bảo cũng đã có nơi có chốn rồi, chỉ còn đợi ngày đẹp thôi.

Nhưng khi nói về chuyện ngựa, thì anh say sưa lắm! Không cần sổ sách, anh cũng kể vach vách: Hiện nay, cả xã Hữu Kiên có 2.200 con ngựa, riêng ngựa bạch là 1.120 con, chiếm 53%. Đây là toàn bộ số ngựa giống đang trong thời kỳ sinh sản. Năm 2020, toàn xã đã bán hơn 1.000 con ngựa. Tuy nhiên, hiện nay, bà con vẫn chăn nuôi và buôn bán ngựa một cách tự phát, cho lái buôn từ các tỉnh: Bắc Giang, Hà Nam, Cao Bằng. Vì vậy, giá ngựa ở Hữu Kiên cũng có lúc rẻ, lúc đắt, bình quân chỉ đạt 40 - 65 triệu một con ngựa mà thôi. Điều đáng buồn là còn ít người biết tới thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên. Anh Tin cho biết, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo, yêu cầu tất cả các thôn lập danh sách ngựa, quản lý theo gia phả để tránh giống ngựa ở Hữu Kiên bị thoái hóa vì giao phối cận huyết, và thực hiện việc phòng dịch bệnh được tốt hơn. Đặc biệt, là các bệnh như sán, lở mồm long móng...

“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (bài cuối): Ấp ủ thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Chưng và sản phẩm cao ngựa bạch. Ảnh: G.T

"Có con ngựa bạch thì bất cứ hộ gia đình nào trong xã cũng có thể mua được ôtô. Cũng chỉ độ 5 con ngựa là mua được 1 chiếc ô tô chạy tốt thôi mà".

Đặc điểm của giống ngựa bạch Hữu Kiên là chất lượng chỉ tốt nhất là khi ngựa đạt từ 6-7 tuổi, lúc đó các sản phẩm từ ngựa mới chuẩn nhất. Do vậy, muốn xây dựng thương hiệu cho ngựa bạch Hữu Kiên thì xã phải quản lý được từ khâu giống đến khâu xuất bán.

"Sau này, chúng tôi sẽ xây dựng hẳn những quy chế về chăn nuôi, trong đó quy định nếu hộ gia đình nào mà cố tình bán ngựa non, ngựa ốm, ngựa bệnh thì xã sẽ kiên quyết không cấp giấy xuất hàng vì làm như vậy sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm không tốt, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu ngựa Hữu Kiên. Tuy vấn đề đầu ra hiện nay chưa đáng lo, nhưng nếu bà con trong xã Hữu Kiên và các xã lân cận cùng phát triển đàn ngựa nhiều hơn nữa, đầu ra sẽ hạn hẹp và gây khó khăn cho sản phẩm ngựa bạch của xã rất nhiều"- anh Tin chia sẻ.

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tin cũng cho biết, cũng nhờ con ngựa bạch, mà bản thân anh đã mua được xe ôtô, và nhiều cán bộ xã có gia đình chăn nuôi ngựa cũng hàng ngày lái xe ôtô đi làm. Anh Tin nói đùa: "Cứ vào sân UBND xã là thấy cán bộ xã tôi có khi có ôtô nhiều nhất cả huyện cũng nên. Có con ngựa bạch thì bất cứ hộ gia đình nào trong xã cũng có thể mua được ôtô. Cũng chỉ độ 5 con ngựa là mua được 1 chiếc ôtô chạy tốt thôi mà".

Nổi tiếng nhờ cao ngựa bạch

Người dân xã Hữu Kiên đã nuôi ngựa bạch hơn chục năm nay nhưng cả xã mới có một hợp tác xã chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch, chủ yếu là nấu cao.

Anh Nông Văn Chưng (43 tuổi) là giám đốc hợp tác xã này. Anh Chưng cho biết: Một con ngựa bạch ở Hữu Kiên chỉ nấu được từ 3 -4kg cao. Còn ai mà nấu được hơn số lượng đó thì là cao ngựa khác chứ nhất định không phải ngựa bạch Hữu Kiên. "Vì ở đây, chúng tôi chỉ nấu 100% từ xương của ngựa bạch. Quy trình nấu thì rất nghiêm ngặt: xương phải được làm sạch, rồi chặt nhỏ, xong dùng máy thủy lực khuấy cho hết tủy và phần gân còn bám lại. Đến lúc thật sạch mới cho lên nấu. Đun trên bếp liên tục khoảng 25 giờ đồng hồ mới cô lại được thành cao. Hiện nay mỗi kg cao, chúng tôi đang bán với giá là 15 triệu đồng".

Anh Chưng cho biết tác dụng của cao ngựa bạch: Bổ sung canxi và một số acid- amin thiết yếu cho cơ thể. Giúp nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe nhanh, phòng ngừa bệnh tật. Nhất là cho người suy nhược cơ thể, ốm yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh, người ăn ngủ kém, viêm dạ dày - tá tràng mãn tính, đau nhức gân xương. Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người lao động nặng, vận động viên thể thao, người cao tuổi, phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú và thanh thiếu niên trong giai đoạn phát triển cơ thể. Phòng và hỗ trợ điều trị loãng xương, thoái hóa xương khớp.

"Tôi có chiều cao gọi là khiêm tốn thôi vì ngày xưa không có cao ngựa bạch mà ăn đâu. Còn 2 thằng con trai tôi, lúc mới cai sữa, khi nấu cháo tôi cứ thả miếng cao ngựa bạch bé vào. Chúng nó ăn mà bây giờ thằng nào cũng cao hơn mét bảy, đủ tiêu chuẩn vào công an bộ đội hết rồi"- anh Chưng vui vẻ kể.

Được biết, ngựa bạch Hữu Kiên cũng đã được mang đi giới thiệu và trình diễn ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). "Tôi mong muốn các cấp chính quyền hướng dẫn làm thủ tục quy trình các giấy chứng nhận về sản phẩm cao ngựa bạch của Hữu Kiên. Người đồng bào dân tộc như chúng tôi sẽ không bao giờ làm giả sản phẩm của mình đâu, mà chỉ lo bà con khắp cả nước mua phải sản phẩm giả cao ngựa bạch của Hữu Kiên mà thôi. Như thế sẽ làm mất thương hiệu, uy tín và chất lương của ngựa bạch Hữu Kiên lắm!".

Chị Lô Thùy Linh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm tới sản phẩm cao ngựa bạch của Hữu Kiên. Sắp tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu và hướng dẫn bà con để đăng ký cao ngựa bạch Hữu Kiên là sản phẩm OCOP. Vì Hữu Kiên là một xã vùng xâu vung xa tiêu biểu cho việc bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu bằng chăn nuôi và sản xuất đồi rừng ngay chính quê hương của mình".