“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (bài 1): Ngược ngàn vào “vương quốc ngựa bạch”
“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (bài 1): Ngược ngàn vào “vương quốc ngựa bạch”
Gia Tưởng
Thứ bảy, ngày 10/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
LTS: Xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) - một xã vùng 3 heo hút, cách QL1 tới 25km là vùng đất của ngựa bạch với những với những quả đồi bạt ngàn cỏ non và thảo nguyên Khau Sao cao 760m so với mặt nước biển, một năm có tới 9 tháng phủ mây mù.
Hữu Kiên từ nghèo khó trở nên giàu có cũng nhờ có những con ngựa bạch mắt đồng nổi tiếng. Đường vào xã Hữu Kiên giờ đây ôtô đã đi bon bon, cán bộ xã hàng ngày vẫn ra huyện đi họp rồi lại về. Nhưng ký ức cùng con đường xã vùng 3 những ngày gian khó vẫn in đậm trong tâm trí những cán bộ Hội Nông dân (ND) huyện Chi Lăng. Với họ ngày đó, mỗi lần vào Hữu Kiên là một lần thử thách...
Ký ức xã vùng 3
Với ý định khám phá về vương quốc ngựa bạch Hữu Kiên, tôi đã liên lạc với chị Hà Thị Thủy - Chủ tịch Hội ND huyện Chi Lăng để có được một buổi đi cơ sở. Nữ Chủ tịch Hội ND huyện dặn: "Nếu nhà báo muốn đi Hữu Kiên thì phải có mặt thật sớm ở huyện để chúng tôi bố trí cán bộ đi cùng chứ đi vào xã vùng 3 mà không có người dẫn đường thì khó khăn lắm đấy!".
Đúng hẹn tôi có mặt lúc 7 giờ tại trụ sở Hội ND huyện Chi Lăng và may mắn cho tôi là có 2 cán bộ có thâm niên ăn cơm ở Hữu Kiên làm nhiệm vụ đưa đường. Đó là chị Lô Thùy Linh - tân Phó Chủ tịch Hội ND huyện Chi Lăng nhiều năm gắn bó với địa bàn, và anh Nguyễn Hải Nam - người con của xã Hữu Kiên đã vượt núi đi học và làm cán bộ Hội ND huyện Chi Lăng gần 20 năm.
"Nhìn vào đàn ngựa, ông Mao kể thêm: "Tôi nuôi con gái học Đại học Y Thái Nguyên, con trai học Trường Quân sự cũng từ đàn ngựa này đấy". Một con ngựa bé cai sữa bán khoảng 25 triệu đồng, còn con ngựa to 4 năm tuổi bán 60 triệu đồng. Một năm đàn ngựa nhà ông Mao có khoảng 15 con ngựa con mà chỉ cần hô bán thì giờ nào cũng có khách buôn tới trả tiền đưa ngựa đi ngay lập tức.
Từ Quốc lộ 1, tấm biển chỉ dẫn xã Hữu Kiên 25km hiện ra. Câu chuyện của bộ 3 chúng tôi trên xe cũng bắt đầu rôm rả.
Chị Linh, trước kia, khi còn công tác bên Hội Phụ nữ huyện Chi Lăng cũng nhiều lần vào công tác ở Hữu Kiên, kể: "Ngày trước, vào được Hữu Kiên triển khai công tác phải mất ít nhất 3 ngày, mà phải đông người mới dám đi. Hồi những năm 2000, cả huyện có một chiếc xe Misk để đi xã, cán bộ Hội Phụ nữ như mình muốn đi công tác phải đăng ký mới có xe máy. Mấy chị em cho mì tôm, rau, cá khô vào ba lô, rồi lóc cóc đèo nhau bằng xe máy, nhưng cũng chỉ được đến nửa đường thì phải bỏ xe để lội bộ. Ngày nắng thì không sao chứ ngày mưa thì thay nhau vồ ếch là chuyện bình thường".
Còn anh Nam, sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, là cán bộ Hội ND huyện Chi Lăng từ năm 2004, vốn là dân gốc ở xã Hữu Kiên.
"Dân Hữu Kiên thế hệ chúng mình rất ít người được học hành tới nơi tới chốn, không phải vì trình độ nhận thức kém, mà chủ yếu là đường đi học khó khăn quá. Mình nhớ hồi học đại học, cứ mỗi lần từ nhà lên trường nghĩ đến cuốc bộ từ bản ra huyện là sợ lắm rồi. Đúng là những con đường đã ngăn cản rất nhiều ước mơ học hành của người dân Hữu Kiên".
Anh Nông Văn Chưng, sinh năm 1978, hiện là một nông dân chăn ngựa có tiếng ở Hữu Kiên chia sẻ: "Trước kia, từ xã ra được huyện đi mất 3 ngày, nói đến dân Hữu Kiên nhiều người "kỳ thị" lắm, nhưng bây giờ thì chả ai chê nữa. Trai phố huyện Đồng Mỏ còn tìm vào Hữu Kiên lấy vợ, vì gái Hữu Kiên vừa đảm, vừa xinh lại có của hồi môn là vài con ngựa dắt tay có tiền trăm nữa ai mà chả mê".
Ngựa "đẻ" ra tiền
Ông Nông Văn Mao, năm nay 52 tuổi là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hữu Kiên. Cả xã và dân buôn ngựa bạch còn biết ông vì nhà ông nhiều năm có đàn ngựa bạch đông nổi tiếng.
Ông Mao kể: "Hồi xưa đã thấy ông nội mình nhà có ngựa rồi, đến bố cũng nuôi ngựa, nhưng chủ yếu là ngựa để thồ thôi. Khi lấy vợ năm 1991, tôi mới chuyển sang nuôi ngựa bạch, vì thấy loại ngựa bạch mắt đồng này (mắt trắng - PV), có giá trị kinh tế cao, chăn thả dễ, đặc biệt là ngựa ít bệnh tật và phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu lạnh ở Hữu Kiên".
Ngồi nhâm nhi chén rượu từ cao ngựa, ông Mao chia sẻ, chỉ có loại ngựa mắt đồng mới quý thôi, gọi là mắt đồng vì mắt của ngựa cũng có màu trắng, chứ ngựa toàn thân lông trắng, mà mắt vẫn đen thì cũng không đáng tiền là mấy. Đặc điểm của loại ngựa mắt đồng là cứ đến giữa trưa trời nắng, chúng không nhìn thấy đường, buộc phải tìm bụi cây, hay chỗ nào đó đứng nghỉ. Sau độ 1 giờ thì chúng mới nhìn lại được, nên muốn bắt ngựa thì cứ đến trưa chỉ cần mang thừng cột cổ dắt về.
Hiện chuồng ngựa nhà ông Mao đang có có 20 con, trong đó có 3 con là ngựa đực để làm giống. "Cứ mỗi lần phối là mình thu được 1 triệu đồng. Mà giống ngựa bạch này rất lạ. Con ngựa đực không phối giống với con ngựa cái là con của mình, và con ngựa đực con thì cũng không phối với mẹ nó. Nếu mà lỡ phối rồi, thì một trong 2 con ngựa sẽ tự hộc máu chết".
Ông Mao chia sẻ thêm, chăm ngựa này thì không vất vả vì ngựa sáng ra thả là tự đi tìm ăn trên rừng, trời tối thì tự tìm về. Chỉ riêng mấy con ngựa cái đến tháng đẻ thì phải chăm thôi, thường ngựa cái mỗi năm đẻ một lứa. "Nhưng vì ở đây là rừng núi dốc, nếu ngựa con đẻ ra còn non bị lăn xuống khe núi thì chết mất. Năm vừa rồi nhà tôi bị chết mất 4 ngựa con vì không kịp đưa ngựa mẹ về chuồng sinh nở. coi như mất một cái ôtô rồi" - ông Mão kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.