“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (kỳ 2): Thong dong vó ngựa ở Khau Sao

Nguyễn Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 11/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thảo nguyên Khau Sao (xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) cao 760m so với mực nước biển, với những quả đồi nối tiếp nhau bạt ngàn cỏ non thu hút từng đàn ngựa tới. Những tháng đầu năm, Khau Sao lúc nào cũng mây mù bao phủ.
Bình luận 0

Muốn tìm ngựa bạch ở Khau Sao chỉ còn nước "vén mây" để thấy được cảnh tượng có một không hai này.

Đặt chân lên đồi trời Khau Sao

Những năm gần đây, Khau Sao trở thành một địa điểm cắm trại nổi tiếng của Lạng Sơn. Mỗi năm, có hàng nghìn người yêu thiên nhiên, mê dã ngoại từ khắp cả nước tìm về đây cắm trại. Khau Sao hấp dẫn họ vì có khí hậu mát mẻ, khung cảnh tươi đẹp, trữ tình. Sinh động nhất là cảnh từng đàn ngựa bạch thong dong gặm cỏ, hay đùa giỡn tự do giữa thiên nhiên.

Anh Nông Văn Hải (34 tuổi, người Tày ở thôn Suối Mạ), lái xe hơi đón tôi từ UBND xã Hữu Kiên để đưa vào thảo nguyên Khau Sao quê mình. Thấy tôi tò mò về chiếc ôtô, Hải nhanh nhảu lên tiếng: "Cũng nhờ đàn ngựa cả đấy anh ạ. Các cụ nhà em ngày xưa vì đường xấu phải cưỡi ngựa đi lại. Còn bây giờ có đường đẹp rồi thì mình đổi ngựa lấy ôtô đi thôi mà".

“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (kỳ 2): Thong dong vó ngựa ở Khau Sao - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Hải và đàn ngựa bạch của gia đình. Ảnh: Gia Tưởng

Vào những ngày hè, trời quang mây tạnh, nhìn thấy cảnh đàn ngựa trắng trên thảo nguyên xanh mướt đúng là một trong những cảnh đẹp mê hồn.

Được sự hướng dẫn của Hải, chúng tôi đặt chân lên Khau Sao. Chỉ sau vài bước chân, đã thấy cảnh mây mù ùn ùn kéo đến.

Là người sinh ra và lớn lên ngay dưới chân đồi này, Hải cho biết: Khau Sao là một vùng đồi đặc biệt, khung cảnh tuyệt đẹp, với thác nước thiếu nữ, đồi mâm xôi... Thời tiết ở trên này cũng rất lạ, mùa đông, mùa xuân mây mù phủ kín, lúc nào cũng lất phất mưa bay. Chính vì vậy mà cỏ cây ở khu thảo nguyên này tươi tốt hơn ở những nơi khác trong xã Hữu Kiên rất nhiều.

Một điều đặc biệt nữa là dù mùa hè có nóng bức thế nào, thì ở những ngọn đồi của Khau Sao bao giờ cũng mát mẻ. Chính vì vậy mà người dân Lạng Sơn gọi Khau Sao là khu vực Mẫu Sơn 2.

Đi ngược lên phía đỉnh đồi vài bước chân, chúng tôi đã bắt gặp một đàn ngựa đang ung dung gặm cỏ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng có thể nói là đẹp đến khó tả thế này: trên trời mây đang bay, mưa lất phất, dưới mặt đất những ngọn cỏ non đang đua nhau nảy mầm, ở giữa là những con ngựa trắng đang thong thả ăn cỏ...

“Vén mây” đi tìm bạch mã xứ Lạng (kỳ 2): Thong dong vó ngựa ở Khau Sao - Ảnh 3.

Hải nói với chúng tôi, ở đây, ngựa hoàn toàn thả tự do. Chúng muốn về nhà lúc nào thì về, chứ người nuôi không phải đi đuổi, bắt.

Tôi hỏi "Thế không sợ nhầm lẫn, hay bị bắt trộm ngựa à?". Hải cười giải thích: "Ở đây, toàn là đồng bào với nhau, thật thà lắm, không ai nghĩ đến chuyện ăn trộm của nhau cái gì bao giờ. Đời sống của bà con Hữu Kiên không còn khó khăn gì nữa nên chủ yếu là giữ của cho nhau. Còn nhầm lẫn ngựa thì hầu như không xảy ra vì người lạ mới nhìn thì ngựa con nào cũng giống nhau, nhưng thực sự thì chúng có nhưng đặc điểm riêng về khoang, khoáy, nên hàng ngày người dân đi chăn đều nhận ra ngựa của nhà mình. Hơn nữa ngựa là giống nhớ nhà nhớ đường rất tốt, nên chỉ có người mình đi nhầm đường về nhà thôi, còn ngựa thì hiếm khi đi nhầm về chuồng của mình".

Theo như Hải chia sẻ thì hiện nay trên khu vực thảo nguyên Khau Sao đang có hơn 1.000 con ngựa được chăn thả thường xuyên. Vào những ngày hè, trời quang mây tạnh, nhìn thấy cảnh đàn ngựa trắng trên thảo nguyên xanh mướt đúng là một trong những cảnh đẹp mê hồn.

Của hồi môn bằng ngựa

Nhờ ngựa mà đời sống của người dân xã Hữu Kiên từ khó khăn, sang trang mới, có của ăn của để, nên con ngựa bạch cũng được người dân coi trọng. Giờ đây ngựa bạch còn là những món quà đặc biệt cho con cái ra ở riêng.

Anh Nông Văn Nghị - cán bộ Hội Nông dân xã Hữu Kiên nói: "Trong xã, những năm gần đây con cái lấy vợ lấy chồng ra ở riêng thì bố mẹ thường cho đôi ngựa để làm vốn, nhằm khuyến khích con cái chăn nuôi xây dựng kinh tế gia đình. Nên con gái Hữu Kiên giờ đây ngày càng đắt chồng hơn đó".

Anh Nghị cũng chia sẻ thêm: "Bố mẹ em cũng có ý cho em ngựa để làm vốn, nhưng em nói bố mẹ nuôi con ăn học rồi, nên con thôi nhận ngựa. Em học khoa Cầu đường của Đại học Giao thông vận tải mà, cũng đi làm việc ở một số công trình, nhưng thấy quê hương có nhiều cơ hội để công tác, làm ăn, nên đã về tham gia hoạt động đoàn thanh niên, giờ được phân công sang làm chủ tịch Hội Nông dân xã".

Nghị dẫn chúng tôi về căn nhà của mình, mới xây rất gọn gàng, sạch sẽ. Trước nhà có chuồng ngựa và 4 con ngựa bạch. Nghị nói: "Chỉ cần có đàn ngựa này thôi, là chúng em cũng nuôi con ăn học thoải mái rồi. Đất Hữu Kiên còn rộng, ruộng rừng còn nhiều. Người Hữu Kiên ngoài chăn ngựa ra cũng vô cùng chịu khó, biết nuôi gà, lợn... để cải thiện cuộc sống hàng ngày".

Tôi nhìn đàn gà thả đồi đông không đếm được của nhà Nghị. "Nuôi nhiều vậy cũng chỉ để thịt ăn trong ngày thôi, nếu không chê mời các anh chị ở nhà em ăn cơm thử món gà thả đồi xem thế nào nhé"- Nghị khoắn khỏa mời.

Nghị kể, nói về ngựa bạch ở Hữu Kiên cũng nhiều chuyện hy hữu, buồn cười. Cách đây khoảng chục năm đã có vụ kiện đòi ngựa phải mang ra tòa án huyện để xử, sau nhiều lần hòa giải không thành ở cấp xã. Đó là hai đàn ngựa của hai gia đình cũng lên rừng kiếm ăn, và đẻ ra 2 chú ngựa con, nhưng chỉ 1 con là ngựa bạch mắt đồng, còn một con là ngựa thường. Con ngựa thường thì không nhà ai nhận, còn con ngựa bạch thì cả 2 nhà đều nhận, tòa cũng không biết xử thế nào? Vì không ai đi hỏi được... ngựa, cuối cùng đành phải giao cho dân quân xã nuôi cả 2 con ngựa con. Nuôi khoảng 2 năm thì bán, tiền nộp vào kho bạc huyện.. Do vụ kiện kéo dài nhiều năm, từ đó người chăn nuôi ở Hữu Kiên ngoài nhận biết ngựa của nhà mình bằng đặc điểm khoang khoáy riêng, thì cũng biết đánh dấu bằng những ký hiệu, buộc thừng, đeo vòng hay cắt lông bờm ngựa, mỗi nhà một kiểu để nhận biết và tránh những phiền phức sau này. 

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem