Dự án Orange Knowledge Programme (OKP) là dự án hợp tác trao đổi kiến thức giữa Hà Lan- Việt Nam nhằm: “Phát triển ngành ươm giống và các chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua nâng cao năng lực trong ngành giáo dục và các cơ quan địa phương”, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long, được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hà Lan.
Dự án sẽ giới thiệu các công nghệ sử dụng nước có thể nhân rộng trong các ngành thủy sản và sản xuất cây trồng để phát triển các chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác của dự án là Đại học AERES, Đại học HAS, Công ty Fresh Studio Innovations Asia và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM sẽ làm việc với các cán bộ địa phương và các cơ sở giáo dục để nâng cao năng lực và qua đó đẩy mạnh sự thích ứng với các biến đổi ở ĐBSCL ở cấp độ địa phương.
Mục tiêu chính của dự án là:
▪ Nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và giảng viên, cải tiến chương trình giảng dạy và tài liệu đào tạo, áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành & có sự tương tác trong giáo dục đại học và đào tạo nghề.
▪ Xây dựng phòng nghiên cứu và phát triển nuôi cá tra giống để tạo ra con giống chất lượng cao, cho năng suất cao và tăng giá trị cho nông dân địa phương.
▪ Nâng cao kiến thức và năng lực trong chiến lược thích ứng tổng hợp, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và quản lý nước hiệu quả cho các tổ chức hỗ trợ trong chuỗi giá trị thủy sản và cây trồng.
“Hiệp định đối tác chiến lược Hà Lan- Việt Nam (SPAs) tập trung chuyển giao công nghệ và kiến thức về biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực; và đây cũng là các nội dung chính của dự án này. Kế hoạch Chuyển đổi Nông nghiệp Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ATP) và Nghị quyết 120 của chính phủ Việt Nam có định hướng chuyển đổi nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị tổng hợp theo chiều dọc và chuyên môn hóa kinh doanh nông nghiệp hiện đại. Dự án OKP NUFFIC trực tiếp đóng góp cho việc hiện thực hóa tầm nhìn này thông qua sự chuyển giao các công nghệ, kiến thức và kỹ năng thiết yếu “ theo ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp, Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.
Nguồn cung trái cây và rau tại ĐBSCL hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đang tăng ở thị trường trong nước và quốc tế. Theo Ngân hàng thế giới (2016), nhu cầu trái cây tại Việt Nam sẽ tăng từ 5 triệu tấn năm 2009 lên 7 triệu tấn năm 2030. Xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh. Năng lực sản xuất đa dạng các loại trái cây là một lợi thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại (CPTPP và EVFTA) cũng mang lại nhiều thị trường tiềm năng cho sản phẩm trái cây chế biến do có sự giảm thuế mạnh và nhanh chóng của các nước thành viên, đặc biệt là khi so sánh với sản phẩm tươi sống.
Việc thiếu nước ngọt, giảm mực nước ngầm và thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do xâm nhập mặn và mực nước biển dâng đã gây ra nhiều ảnh hưởng tới ngành sản xuất trái cây và rau ở ĐBSCL. Điều này đòi hỏi các chiến lược quản lý nước thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để bảo tồn nguồn nước là chiến lược quản lý nước tưới tiết kiệm với các hệ thống tưới tiêu tiên tiến. Các chiến lược phát triển vùng trồng, chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế hoặc năng suất cao hơn với cùng lượng nước tiêu thụ, và phát triển các loại cây trồng chịu hạn mặn đã được thảo luận trong nghiên cứu học thuật, nhưng vẫn rất hạn chế trong thực tế. Dự án này sẽ tập trung phát triển khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế này. Các khóa đào tạo kỹ thuật về quản lý chất lượng nước và tưới tiêu hiệu quả cho chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ được xây dựng dựa trên bối cảnh cụ thể giữa lý thuyết và thực hành.