Theo trang tin giatieu, tính đến ngày 17/4, giá tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn tiếp tục trầm lắng, một số nơi giảm nhẹ. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua ở mức 69.500 đồng/kg, giữ nguyên so với ngày 16/4.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu giảm 500 đồng/kg về mức 71.000 đồng/kg; tại Bình Phước giá tiêu hiện đạt 70.000 đồng/kg.
Đáng chú ý là tại Gia Lai, giá tiêu trong ngày 17/4 nhích lên 67.500 đồng/kg, tăng thêm 1.000 đồng/kg so với ngày 16/4.
Trước đó, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá tiêu trên thị trường tăng từng ngày. Thậm chí có phiên, chỉ từ sáng tới chiều giá tiêu tăng tới 3-5 giá. Từ chỗ giá tiêu chỉ trên 50.000 đồng/kg, đến đầu tháng 4 loại gia vị "vàng đen" này đã nhảy vọt lên xấp xỉ 80.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá tiêu tăng nhanh từ tháng 3-4 là do dự báo sản lượng tiêu vụ này thiếu hụt trầm trọng do các vùng trồng tiêu bị mất mùa, ít trái.
Nhiều diện tích trồng tiêu bị chết không hồi phục được, cộng với nhiều vườn tiêu bà con đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trồng xen tiêu với các cây khác...
Thời điểm đó, nông dân thu hoạch tiêu nhưng lại hạn chế bán ra khiến các nhà thu mua tiêu phải "tranh thủ" từng ngày để mua được sản phẩm. Có thông tin, một số thương lái Trung Quốc còn đến tận các vườn tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và thông qua các thương lái, đại lý để thu gom tiêu Việt Nam.
Gia đình ông Nguyễn Tư Hường, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có gần 4ha hồ tiêu, năng suất trung bình hơn 4,5 tấn/ha. Do hồ tiêu liên tục rớt giá nên ông phải chặt bỏ, đến nay chỉ còn 1,5 ha. Vụ tiêu này, ông Hường thu hoạch được hơn 3 tấn và đã xuất bán toàn bộ với giá 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên ông Hường cho biết, gia đình ông vẫn còn tích trữ 12 tấn hồ tiêu, đợi giá tăng cao hơn mới bán, do tiêu là mặt hàng có thể tích trữ vài năm không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện các vùng trồng tiêu đã gần kết thúc vụ thu hoạch, sản lượng tiêu dồi dào hơn, cộng thêm tình hình xuất khẩu chậm lại do dịch Covid-19 nên giá tiêu hạ nhiệt. Giá tiêu trong nước giảm dần hiện còn từ 67.000 - 71.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), giá hồ tiêu tăng, giảm giá theo chu kỳ, Việt Nam có thế mạnh về hồ tiêu nên phải khai thác, phát huy.
Quan trọng nhất trong sản xuất là nông dân không chạy theo giá cả, phải tính đến thị trường. Hiện nay, sản phẩm tiêu của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với tiêu từ các nước khác như: Brazil, Indonesia, nhưng hồ tiêu Việt Nam vẫn quyết định thị trường, xuất khẩu vẫn rất tốt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trên thị trường xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 61.621 tấn, trị giá đạt 180 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 23,4% nhưng kim ngạch tăng 2,2%.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, lượng nhập khẩu đạt 13.933 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc nhập 11.506 tấn tiêu từ Việt Nam, giảm 2,9%.
Được biết, Trung Quốc thường nhập cả tiêu đen và tiêu trắng từ Việt Nam, nhưng phần lớn là tiêu đen. Sau đó họ đưa về chế biến trong nước chế biến thành tiêu trắng và tiêu xay sau đó xuất khẩu đi các thị trường.
Tại cảng Hà Khẩu (Trung Quốc), ngày 8/4/2021, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu đạt 6.385 USD/tấn so với ngày 30/3/2021. Mức giá này cao hơn giá tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tới hơn 1.000 USD/tấn.
Trung Quốc được biết đến là quốc gia sản xuất tiêu trắng, chủ yếu được sản xuất ở tỉnh Hải Nam, do đó, được gọi là tiêu trắng Hải Nam. Trong 4 năm gần đây, Trung Quốc xuất khẩu hồ tiêu đi nhiều quốc gia trên thế giới và cho thấy xu hướng tăng.
Năm 2020, 5 thị trường lớn nhập khẩu tiêu của Trung Quốc là Romania, Hồng Kông, Đức, Hoa Kỳ và Đài Loan. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam cũng là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, dao động khoảng 87.000 tấn đến trên 90.000 tấn.