Giá tiêu hôm nay 16/4: "Bốc hơi" mạnh, vì sao cường quốc nhiều tiêu nhất thế giới vẫn phải nhập hàng nghìn tấn?
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 16/04/2021 12:20 PM (GMT+7)
Giá tiêu hôm nay 16/4 tại nhiều vùng nguyên liệu "bốc hơi" khoảng 3.000 đồng/kg so với 3 ngày trước. Hiện giá tiêu có nơi giảm chỉ còn 67.000-68.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu ngừng giảm. Trong khi sản lượng hồ tiêu của Việt Nam luôn đứng đầu thế giới thì chỉ trong quý 1/2021, nước ta đã nhập về hơn 8.000 tấn tiêu.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay 16/4 đồng loạt giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg tại tất cả các vùng nguyên liệu lớn. Tính chung 3 ngày gần đây, giá tiêu trong nước đã "bốc hơi" khoảng 3.000 đồng/kg tuỳ vùng.
Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông hiện chỉ còn 69.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu tại Gia Lai tiếp tục giảm sâu, hiện chỉ còn 66.000 đồng/kg và đây cũng là nơi giá tiêu được thu mua ở mức thấp nhất.
Giá tiêu tại Đồng Nai giảm còn 68.000 đồng/kg; Bình Phước đạt 70.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm 1.000 đồng/kg còn 71.500 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu trong nước đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tình trạng giá tiêu giảm đã được một số chuyên gia, doanh nghiệp dự đoán từ trước. Hiện vụ thu hoạch tiêu 2021 của nông dân đã gần kết thúc. Lúc này một lượng tiêu mới được bổ sung vào nguồn cung, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc nên dẫn tới giá tiêu giảm dần so với đầu vụ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong quý I/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 60.000 tấn, trị giá 174 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việc xuất khẩu hạt tiêu giảm chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, khiến tình hình giao dịch khó khăn. Đặc biệt, hàng loạt nhà hàng, quán ăn và nhiều dịch vụ du lịch phải đóng cửa dẫn tới việc tiêu thụ hạt tiêu của các nước cũng giảm đi.
Trước tình hình giá tiêu giảm liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại, một số ý kiến cho rằng, nông dân cần lưu ý 3 nguyên tắc bán hàng, đó là: Chỉ bán tiêu khi cần tiền, bán vừa đủ số tiền mình cần; không vay mượn tiền để ôm tiêu, trữ hàng; không bán theo tâm lý đám đông, tìm hiểu thông tin đa chiều và căn cứ tình hình thực tế của mình để ra hàng.
Cường quốc số 1 thế giới vẫn phải nhập khẩu hàng nghìn tấn tiêu
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với 285.292 tấn.
Mặc dù được đánh giá là "cường quốc" thế giới về trồng tiêu và xuất khẩu hạt tiêu, song mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn nhập hàng nghìn tấn tiêu từ các nước khác.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong quý 1/2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu 8.143 tấn hạt tiêu từ một số thị trường.
Trong đó, nhập khẩu tiêu đen 5.731 tấn, tiêu trắng 2.412 tấn. So với cùng kỳ năm 2020, lượng nhập khẩu tăng 5,8%.
Indonesia và Brazil là 2 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 81,8% tổng lượng nhập khẩu. Đáng chú ý là lượng nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch từ Campuchia tăng tới 238,5%, đạt 606 tấn.
Olam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, song doanh nghiệp này cũng nhập khẩu nhiều hạt tiêu nhất. Trong quý 1, Olam nhập 3.155 tấn hạt tiêu, chiếm 38,8% tổng lượng nhập khẩu và so cùng kỳ tăng 7,3%.
Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức Nedspice, IPC, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Nguyên nhân do giá tiêu ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm. Bình quân nhu cầu sử dụng hạt tiêu mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%.
Mặc dù sản lượng hồ tiêu trong nước dồi dào, song một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn nhập hàng nghìn tấn tiêu từ Brazil. Lí do là bởi giá tiêu xuất xứ từ nước này rẻ hơn giá tiêu trong nước 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Brazil rất rẻ, chỉ 2.000 – 2.500 USD/tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.