Những năm gần đây, mận tam hoa được trồng nhiều và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Sơn La; đặc biệt ở các xã: Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, Chiềng An, Chiềng Đen (thành phố Sơn La), xã Muổi Nọi (Thuận Châu),…
Khoảng đầu tháng 4 là thời điểm người dân ở Sơn La bước vào mùa thu hoạch mận tam hoa. Với những năm được mùa, được giá, vụ thu hoạch này mang lại niềm vui không nhỏ.
Tuy nhiên, năm nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên quả mận bé. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ mận gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm hiện tại, giá mận tam hoa ở thành phố Sơn La bán tại vườn chỉ từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg tùy loại. Đối với người trồng mận ở thành phố Sơn La, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Anh Mè Văn Phấn, bản Quỳnh An (phường Chiềng An, thành phố Sơn La) buồn rầu nói: "Gia đình tôi có hơn 500 gốc mận tam hoa. Dự kiến, năm nay thu hoạch được khoảng 10 tấn mận. Nhưng giá mận năm nay giảm sâu nhất trong các năm.
Thương lái vào tận nơi mua chỉ được 2.000 - 3.000 đồng/kg loại 1, còn mận loại 2, loại 3 chỉ có 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trừ chi phí thì năm nay gia đình tôi bị lỗ khoảng 10 triệu đồng, tôi đang tính bỏ cây mận để trồng các loại cây khác, chứ giá cả như này thì không đủ ăn mất".
Cùng cảnh ngộ với anh Phấn, anh Điêu Chính Sơn, bản Quỳnh Tiến (phường Chiềng An, thành phố Sơn La) cũng chẳng khá hơn. "Nhà tôi trồng hơn 2000 gốc mận tam hoa xen lẫn cây cà phê. Những năm trước, giá bán mận tại gốc cũng được 10.000 - 15.000 đồng/kg nhưng 2 năm nay trở lại đây giá mận tam hoa liên tục giảm, đặc biệt năm nay giảm sâu nhất trong các năm. Năm ngoái tính đến cuối vụ tôi còn thu được chút ít để trả tiền phân bón nhưng năm nay quả thực rất khó", anh Sơn than thở.
Xã Chiềng Cọ có diện tích mận lớn nhất thành phố Sơn La, với hơn 900 ha, chủ yếu là mận tam hoa, mận hậu và mận cơm trồng xen cà phê và hàng chục ha chuyên canh, tập trung chủ yếu ở các bản: bản Hôm, bản Hùn, bản Ót Luông và bản Dầu.
Năng suất mỗi ha mận tam hoa khoảng trên 10 tấn quả, hằng năm giá mận bán ra ổn định từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 2 năm nay giá mận giảm sâu nên người dân cũng đang lao đao tìm cách tiêu thụ.
Cũng theo người dân nơi đây, giá mận thấp nhưng các chi phí khác thì không hề rẻ chút nào. Chỉ riêng tiền thuê hái mận cũng đã tốn từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi, trong khi giá mận trung bình chỉ bán được khoảng 1.000đ - 3.000đ/kg.
Để tiết kiệm chi phí và mong bán được giá cao hơn, nhiều gia đình đã tự hái mận và mang ra chợ bán lẻ với mức giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg".
Gia đình chị Hoàng Thị Bun, bản Hôm (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) chia sẻ: "Vụ mận năm nay gia đình tôi không thuê người hái.
Để giảm bớt chi phí, chỉ có tôi và các thành viên trong gia đình tranh thủ hái mận và mang ra các chợ đầu mối trong thành phố bán. Với mong muốn bán được giá cao hơn để bù lại một phần chi phí đầu tư cho cây mận".
Trao đổi với PV, ông Cà Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) cho biết: "Toàn xã có hơn 900 ha trồng mận tam hoa, mận hậu và mận cơm. Trong đó, diện tích trồng mận tam hoa vào khoảng 300 ha với sản lượng khoảng 600 tấn.
Tuy nhiên, hiện giá mận tam hoa xuống thấp chỉ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg nên người trồng mận năm nay đối diện với khả năng lỗ nặng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân. Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, tìm kiếm tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân".
Mận tam hoa Sơn La có vị giòn, chua rôn rốt, được xuất bán đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây giá mận bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến người dân lo lắng, lao đao.