Việc có đến 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 khiến nhiều người lo lắng. Trên quan điểm của đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST25, ông nghĩ sao về điều này?
- Tại sao lại có tới 4 doanh nghiệp ở Mỹ được phép đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ, nghĩa là không chỉ 4 mà có thể có nhiều hơn số doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25.
Mỗi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 lại gắn liền với tên của doanh nghiệp đó.
Nếu bạn xem bản đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 của một doanh nghiệp tại Mỹ đã đăng ký thì có thể thấy thông tin rất chung chung.
Như vậy không nên quá lo lắng về việc gạo ST25 có thể bị doanh nghiệp nước ngoài "hớt tay trên"?
- Đúng vậy, doanh nghiệp của tôi cũng có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ với cái tên gạo ST25 Hồ Quang Trí chẳng hạn, và sẽ được cấp nếu đáp ứng đủ yêu cầu hồ sơ.
Cái này khác với gạo Hom Mali của Thái Lan. Gạo Hom Mali đã được Thái Lan công nhận là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận doanh nghiệp đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái.
Nhưng ở Việt Nam, cho đến nay chưa ai công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước.
Như vậy có thể hiểu vấn đề của gạo ST25 là ở chỗ đây không phải sản phẩm mang thương hiệu quốc gia nên cũng khó có thể kiện họ chứ không phải là đã có 4 doanh nghiệp Mỹ nhanh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu, thưa ông?
- Thực tế là vậy, có ai cấm được doanh nghiệp đăng ký đâu, có 4 doanh nghiệp Mỹ thì cũng có thể có 10 doanh nghiệp đã đăng ký. Nhà nước ai đăng ký thì họ chấp nhận vì chữ đó không có độc quyền, kể cả ở Việt Nam cũng vậy.
Hiện thông tin đăng ký cũng chung chung, chưa chi tiết, giống như cái tên miền, tên nào hot thường sẽ có đơn vị đăng ký.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có thương hiệu gạo chung. Xây dựng thương hiệu là việc của Nhà nước làm, doanh nghiệp không có chức năng làm việc đó mà chỉ có thể đề xuất.
Hiện, với việc 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 chúng ta cũng không kiện được họ, trừ khi Việt Nam đăng ký gạo ST25 Sóc Trăng là của Việt Nam thì mới có đủ căn cứ để kiện.
Từ thực tế 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25, ông có kiến nghị gì về vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản?
- Nói thật, một mình doanh nghiệp nhỏ như của chúng tôi không đủ sức lo chuyện bên Mỹ nhưng theo tôi về lâu dài cần có thương hiệu gạo chung của Việt Nam giống như cách người Thái đã làm được với gạo Hom Mali.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, đăng ký thương hiệu gạo riêng của doanh nghiệp nên bên mua hàng muốn tìm kiếm nguồn gốc cũng khó.
Với một sản phẩm như gạo ST25, ông có nghĩ nó nên phát triển thành một sản phẩm quốc gia hơn là sở hữu của một doanh nghiệp?
- Thực tế, ba tôi (anh hùng lao động Hồ Quang Cua, người lai tạo ra giống lúa ST24, ST25) từng có ý định nhượng bản quyền lúa giống cho một doanh nghiệp đủ lớn để sản xuất nhưng việc này không đơn giản.
Ở Thái Lan, tại sao họ kiểm soát được chất lượng vì họ quản lý giống rất chặt chẽ, trong khi ở Việt Nam việc quản lý giống chưa tốt.
Doanh nghiệp của tôi đã khảo nghiệm ở 3 miền để cung cấp lúa giống cho người dân nhưng nói thật sản lượng không nhiều, không thể cung cấp đại trà mà gạo ST25 vẫn rao bán nhan nhản.
Vừa rồi một đơn vị thanh tra giống ở Bạc Liêu bắt quả tang một hợp tác xã đang sản xuất giống của nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có cả giống lúa ST25 mà đến giờ vẫn chưa xử lý dứt điểm được.
Có thể do mức xử lý còn nhẹ quá, một số đơn vị làm giả, làm nhái giống sẵn sàng chịu phạt rồi làm tiếp.
Vậy, thông tin 4 doanh nghiệp Mỹ đã đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 có làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp không?
- Hiện tại thì chưa vì chúng tôi chủ yếu sản xuất giống và bán cho thị trường nội địa còn chưa đủ cung cấp cho thị trường.
Xin cảm ơn ông!