Tính tại thời điểm này, mỏ cát ở tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi, thuộc quyền khai thác của Công ty Cổ phần đầu tư (gọi tắt là Công ty) Hợp Nghĩa, là 1 trong 3 mỏ cát lớn nhất được cấp quyền khai thác ở khu vực hạ lưu sông Trà Khúc, đoạn đi qua huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi.
Theo thông tin tìm hiểu trước đó vào tháng 3/2019 sau khi tham gia đấu, Công ty Hợp Nghĩa đã trúng thầu và được cấp quyền khai thác mỏ cát thôn 6, với giá trên 18,1 tỷ đồng; tổng trữ lượng cát được phép khai thác gần 220.000m3, thời gian khai thác đến 3/2023.
Trả lời PV Báo Dân Việt về cấu thành giá cát bán tại mỏ, ông Phạm Anh Hùng, Giám đốc Công ty Hợp Nghĩa cho biết: Để hoàn tất thủ tục đấu và trúng thầu mỏ cát trên ngoài số tiền hơn 18,1 tỷ đồng, doanh nghiệp phải tiêu tốn thêm các khoảng chi phí khác gần 12 tỷ đồng, gồm khảo sát, lập hồ sơ; nộp các khoản thuế và chi phí theo quy định…với tổng số tiền tổng cộng lên gần 31 tỷ đồng.
Tính ra giá cát bán tại bãi (chưa có VAT) nằm ở mức gần 141.000 đồng/m3, còn nếu cộng VAT thì giá cát bán tại nơi khai thác lên khoảng 155.000 đồng/m3.
Sau khi thông tin giá cát được công khai, đại diện Công ty Hợp Nghĩa cho biết: Xúc lên phương tiện vận chuyển (chưa tính VAT) khoảng 141.000 đồng/1m3. Thấp hơn so với giá mà Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã công bố (văn bản số 569/SXD-KT&VL, ngày 5/4/2021), với mức gần 155.000 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Về thông tin giá cát bán tại mỏ của doanh nghiệp là 170.000 đồng/m3, vị Giám đốc Công ty Hợp Nghĩa bác bỏ: Đó chỉ là lời đồn thổi, không có chuyện doanh nghiệp đã bán cát với giá đó (170.000 đồng/m3). Nếu ai nói rằng Công ty Hợp Nghĩa đã bán với giá 170.000 đồng/m3, thì phải đưa ra bằng chứng để chứng minh.
Về nghi vấn việc xuất hoá đơn không ghi giá cho các chủ phương tiện vận chuyển, đại diện Công ty Hợp Nghĩa giải thích: Có 2 trường hợp là bán cát theo hợp đồng kinh tế (số lượng lớn) và bán lẻ (cho cá nhân có nhu cầu).
Theo đó đối với trường hợp 1 căn cứ vào hợp đồng đã ký cụ thể trước đó thế nào, Công ty Hợp Nghĩa sẽ xuất hoá để họ thanh toán; còn trường hợp thứ 2 (mua lẻ), thì họ không cần, nhưng đến cuối tháng doanh nghiệp cũng tổng hợp và xuất hoá đơn bán lẻ chung.
Còn giấy mà một số thông tin cho rằng đó là phiếu thu, hoá đơn nhưng không ghi tên doanh nghiệp, giá bán chỉ là giấy quản trị nội bộ của doanh nghiệp mà thôi.
"Thời gian qua việc kiểm tra, giám sát khối lượng cát khai thác đã được cấp phép tại mỏ từ cấp ngành chức năng tỉnh rất kỹ. Vì vậy nếu có xuất, hay không xuất (cho cá nhân mua lẻ) thì doanh nghiệp cũng phải tính, trả thuế đầy đủ cho nhà nước. Nên không có lý do gì để chúng tôi phải mập mờ chuyện này", đại diện Công ty Hợp Nghĩa bày tỏ.
Còn đại diện chủ mỏ cát ở ở thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh cho biết, đã trúng thầu và được cấp quyền khai thác mỏ cát tại đây với giá 2,7 tỷ đồng, thời gian khai thác từ tháng 4/2020-7/2021, tổng khối lượng cát được phép khai thác khoảng 22.000m3.
Sau khi cộng tất cả các khoảng chi phí thì cấu thành giá cát tại bãi nằm mức 150.000 đồng/m3. Vì vậy phải bán cát với giá 160.000 đồng/m3, thì doanh nghiệp mới có lợi nhuận được.
Như Báo Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, cát xây dựng ở Quảng Ngãi đột ngột đội đỉnh, với giá bán khoảng 80-90.000 đồng/m3, tăng lên gấp đôi, gây ngỡ ngàng trong dư luận.