Dân Việt

Làng chài cổ duy nhất ở Đà Nẵng, có núi sông, có nước mắm tiến Vua, tên làng tồn tại suốt hơn 700 năm

Tuyết Nhung - Trần Hậu 17/05/2021 06:00 GMT+7
Cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km, có một làng chài cổ với tuổi đời hơn 700 năm. Làng chài cổ nổi tiếng với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời còn hiện hữu cùng nghề làm mắm truyền thống nức tiếng xa gần…Đó là làng chài Nam Ô.

Tên làng gắn với lịch sử Việt Nam thời nhà Trần

Nam Ô là một làng chài nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, bên có sông Cu Đê, trước có biển, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. 

Theo sử sách xưa, Nam Ô thuộc vương quốc Chăm Pa, đến khoảng thế kỷ XIV thì vua Chế Mân dâng Châu Ô, Châu Lý cho Đại Việt để cưới Huyền Trân Công chúa nhà Trần. Từ đó vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên là Nam Ô.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 1.

Làng chài Nam Ô nằm ở chân đèo Hải Vân, bên có sông Cu Đê, trước có biển, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Theo lời kể của ông Trần Ngọc Vinh (72 tuổi), Trưởng ban tổ chức Lễ hội Cầu Ngư làng Nam Ô, người dân làng Nam Ô bao đời nay gắn bó với nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản, làm mắm truyền thống mà có cơm no áo ấm. 

Ở làng Nam Ô, cgười chồng đi biển đem về một thúng đầy cá tôm, người vợ mang ra chợ bán, hoặc phơi khô, muối mắm.

Clip - Làng chài Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Tên làng Nam Ô gắn liền với lịch sử Việt Nam thời nhà Trần và tồn tại hơn 700 năm cho đến ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ, Nam Ô vẫn còn sự hiện hữu của những di tích văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn tâm linh của làng biển như: Giếng Chăm cổ, Dinh Cô Hồn (Miếu Âm Linh), Lăng Ông (Lăng cá Ông), Miếu Bà Liễu Hạnh, Nghĩa trũng Nam Ô, mộ tiền hiền…. Và nơi đây cũng là ngôi làng chài cổ duy nhất của TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 2.

Ở làng Nam Ô, người chồng đi biển đem về một thúng đầy cá tôm, người vợ mang ra chợ bán, hoặc phơi khô, làm mắm.

Dẫn chúng tôi đến Miếu Âm Linh, ông Vinh giới thiệu: "Miếu Âm Linh ban đầu được xây dựng để thờ cúng những tử sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Sau này ngư dân trong làng mở rộng thờ chiến sĩ tử trận qua các thời kỳ, những hương hồn xiêu mồ lạc nấm của các chư phái tộc trong làng. Vì thế Miếu Âm Linh là một di tích có giá trị văn hóa lịch sử, chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo của dân làng Nam Ô".

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 3.

Di tích Dinh Cô Hồn (Miếu Âm Linh) cạnh bờ biển Nam Ô.

Rằm tháng Giêng hằng năm, dân làng Nam Ô tự nguyện đóng góp kinh phí để làm lễ tế âm linh tại Miếu Âm Linh, cầu mong cho làng xóm an bình, điều lành đem đến, điều dữ tránh đi.

Chỉ tay về Lăng Ông Nam Ô ở khu kế bên, ông Vinh bộc bạch, Lăng là nơi dân làng chôn cất và lưu giữ hài cốt cá Ông qua nhiều năm. Khi cá Ông chết dạt vào bờ, ngư dân nhìn thấy sẽ là người "để tang" và chôn cất cá Ông tại Lăng. Sau 3 năm thì thực hiện nghi thức cải táng và mang bộ xương cá Ông vào trong Lăng để thờ cúng.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 4.

Ngày 15 tháng Giêng hàng năm, lễ tế âm linh được tổ chức để cầu mong làng xóm an bình, điều lành đem đến, điều dữ tránh đi.

Lễ tế Cầu ngư tại Lăng Ông được tổ chức vào 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, là dịp để dân làng Nam Ô bày tỏ lòng thành kính với cá Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, hi vọng về những chuyến ra khơi thuận lợi, đầy tôm đầy cá.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 5.

Giếng Chăm cổ ở sát bên Miếu Âm Linh, đến nay vẫn được dân làng Nam Ô sử dụng.

Năm 2020, Cụm di tích lịch sử Nam Ô được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Đà Nẵng bao gồm: Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm Linh, Nghĩa trũng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng.

Nước mắm tiến Vua

Giữ vai trò Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, ông Trần Ngọc Vinh tự hào nói: "Nghề làm mắm thủ công truyền thống tại Nam Ô hình thành từ năm nào không ai nhớ rõ. Chỉ biết nghề làm nước mắm song hành với nghề đi biển đánh cá của bao thế hệ người dân làng Nam Ô. Chúng tôi tự hào khi mắm Nam Ô là đặc sản nổi tiếng từng được tiến Vua.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 6.

Lăng Ông là nơi dân làng chôn cất, lưu giữ và thờ cúng hài cốt cá Ông.

Năm 2009, làng nghề nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2019, Làng nghề nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nay Hội làng nghề nước mắm Nam Ô có 63 hộ tham gia sản xuất, các Hợp tác xã, Công ty. Năm 2020, doanh thu làng nghề làm nước mắm đạt 8 tỷ đồng, xuất bán khoảng 125.000 lít nước mắm các loại. Ông Vinh dự định trong thời gian tới sẽ thành lập đội tàu chuyên đánh bắt cá cơm, để phục vụ cho nghề làm mắm của địa phương.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 7.

Những bộ xương cá Ông được lưu giữ tại Lăng của làng Nam Ô.

Trong nhiều thương hiệu nước mắm tại làng Nam Ô, sản phẩm nước mắm Hương làng cổ của anh Bùi Thanh Phú – Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương có sản lượng bán ra mạnh nhất vùng với tiềm năng phát triển lớn.

Anh Phú chia sẻ, anh dùng loại muối biển Sa Huỳnh để làm mắm. Những hạt muối to, tinh khiết được ủ ròng trong 6 tháng để giảm vị chát, đắng, vị mặn dịu lại. Chọn cá cơm than tươi xanh để trộn theo tỷ lệ 3 cá: 1 muối và ủ theo phương pháp truyền thống bằng lu sành trong vòng 12-18 tháng.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 8.

Ông Vinh giới thiệu bằng xếp hạng cụm di tích lịch sử của làng Nam Ô.

Sau khi mắm chín tới, anh dùng phễu tre đan và vải mịn để lọc mắm nhằm tối ưu dưỡng chất và mùi vị. Nước mắm chảy từ từ, có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn, vị mặn mà, hậu vị ngọt thanh. Sau đó ủ hương sản phẩm trong vòng 10 ngày để hơi bốc lên và dịu đi, chỉ giữ lại hương vị tinh khiết nhất.

Với diện tích xưởng sản xuất mắm 400m2, mỗi năm anh Phú xuất bán khoảng 20.000 lít nước mắm, có giá trung bình 80.000 đồng/lít. Thị trường tiêu thụ mở rộng trên cả nước như TP Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội….

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 9.

Anh Bùi Thanh Phú tại xưởng mắm của gia đình.

Anh Phú phấn khởi nói: "Ở Nam Ô không còn mấy người trẻ kế nghiệp làm nước mắm truyền thống, vì thế tôi luôn cố gắng gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lâu đời của cha ông. Tôi dùng kiến thức của mình để giới thiệu cho các em học sinh, thêm yêu và quý trọng những gì tự nhiên ban tặng cho quê hương miền biển. Từ đó, tôi hi vọng con cá, hạt muối không chỉ giúp người làng có ăn có mặc, mà hương vị truyền thống đó sẽ giúp bà con làm giàu".

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng chài cổ duy nhất ở phố biển, có sông có núi, có đặc sản tiến Vua - Ảnh 10.

Mỗi năm anh Phú xuất bán khoảng 20.000 lít nước mắm mang thương hiệu Hương làng cổ.

Những di tích lịch sử lâu đời, những giọt nước mắm mặn mòi là linh hồn của làng chài cổ Nam Ô. Vì thế, dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng dân làng vẫn cố gắng bám biển, bám nghề để giữ làng, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống cho thế hệ mai sau. 

Ngày nay, các thế hệ người dân của làng Nam Ô dù ở xa hay ở gần đều cùng một chí hướng chung tay phát triển làng nghề truyền thống gắn các di tích lịch sử, truyền thống yêu nước với hoạt động du lịch, làm kinh tế hiệu quả.