Miếu Nổi ở Sài Gòn ở giữa dòng sông có gì đặc biệt mà khiến nhiều người tò mò?
Khám phá Miếu Nổi giữa dòng sông Vàm Thuật ở thành phố Hồ Chí Minh
Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 06/05/2021 05:50 AM (GMT+7)
Miếu Phù Châu (hay còn gọi là Miếu Nổi) tọa lạc trên một cù lao giữa dòng sông Vàm Thuật (nhánh phụ của sông Sài Gòn), nối đôi bờ quận 12 và quận Gò Vấp (TP HCM). Từ lâu, nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của người dân cả về du lịch lẫn thực hành tín ngưỡng.
Miếu Phù Châu nằm trên cù lao có diện tích 2.000 m2, giữa dòng sông Vàm Thuật (một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn) thuộc phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM.
Năm 2010, Miếu Nổi-miếu Phù Châu được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố và được xem là một trong những công trình tín ngưỡng độc đáo.
Đại diện Ban Trị sự Miếu kể lại rằng, theo tương truyền, vùng đất nổi này có từ lâu đời. Nhiều thương lái thường xuyên đi ghe thuyền buôn bán trên sông.
Trong một lần ghé cù lao ngủ lại qua đêm, có người mơ thấy 5 vị thần là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các vị thần này đã ban phước lành, thương lái buôn may bán đắt. Vì vậy, các thương lái đã dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng 5 bà Ngũ Hành. Họ cầu các bà phù hộ cho người đi thuyền bè qua lại trên sông cũng như người dân địa phương.
CLIP: Miếu Nổi giữa một nhánh sông Sài Gòn với lối kiến trúc độc đáo-nơi vừa là điểm du lịch ưa thích, vừa là nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh của nhiều người dân trong vùng.
Theo ông Lục Câu - Trưởng Ban trị sự Miếu Phù Châu: Miếu đã có từ rất lâu đời, ước vào khoảng những năm 1800. Trước ngày 30/4/1975, miếu là nơi sinh hoạt của một chi bộ Đảng. Ngoài ra, đây cũng là căn cứ bí mật, giúp bộ đội đặc công ở An Phú Đông qua sông Vàm Thuật đánh kho đạn, kho xăng dầu của địch.
Tuy nhiên, ông Lục Câu cho biết, những chiến sỹ ngày ấy, giờ cũng đã là lão thành, người còn người mất. Những thông tin về hoạt động bí mật của chi bộ Đảng ông Câu thường nghe người già trong địa phương kể lại.
"Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Miếu Phù Châu bị hư hỏng nặng, hoang tàn và không có người trông coi, nhang khói. Thời điểm đó, người dân xung quanh rất muốn khôi phục miếu để thờ cúng, hương khói, vì tôn giáo tín ngưỡng của người Việt là vậy. Nhưng mãi đến năm 1990, sau nhiều lần cân nhắc, sắp xếp việc riêng, tôi mới nhận trông coi miếu và tiến hành xin phép trùng tu, sửa chữa" – ông Lục Câu kể lại.
Cô Kim Quy (ngụ tỉnh Đắk Lắk) – khách vãng lai thăm viếng Phù Châu Miếu - cho biết, cô nghe danh Miếu Nổi đã lâu, nhưng nay mới có cơ duyên ghé thăm. "Miếu rất độc đáo với kiến trúc tinh xảo, đẹp mắt. Ngoài ra, hiếm nơi nào có ngôi miếu nổi giữa dòng sông như ở đây. Điều bất ngờ hơn cả, khi đến đây tôi mới biết, nơi đây từng là căn cứ bí mật của các chiến sỹ hoạt động cách mạng, là nơi giúp bộ đội đặc công của ta ẩn mình đánh giặc" – cô Quy nói.
Chốn bình yên giữa Sài Gòn náo nhiệt
Miếu Phù Châu nằm giữa dòng sông Vàm Thuật, xung quanh 4 bề đều là sông nước. Chính vì vậy, để đặt chân lên miếu, khách phải di chuyển bằng thuyền.
Thuyền máy được chờ sẵn tại bến đò nhỏ thuộc phường 5, quận Gò Vấp. Cứ khoảng 5-10 phút có một chuyến, giá cho 2 lượt đi - về là 10.000 đồng. Những ngày cuối tuần, rằm, lễ, tết... lượng khách đông hơn thì sẽ có 3-4 thuyền luân phiên phục vụ khách.
Clip: Miếu Phù Châu nằm giữa dòng sông Vàm Thuật (1 nhánh của sông Sài Gòn) nên khách phải đi thuyền để tới Miếu
Điều đầu tiên mà khách đi Miếu Phù Châu có thể cảm nhận: Đó những nét riêng biệt hiếm nơi nào có. Với vị trí nằm giữa dòng sông, Miếu Nổi yên bình, tĩnh lặng khác hẳn sự ồn ào, náo nhiệt ở đôi bờ.
Việc di chuyển trên sông nước cũng rất thú vị, khách vừa có thể tận hưởng làn gió mát lành, vừa nhìn ngắm những tảng lục bình trôi, lại vừa háo hức để đặt chân lên ngôi miếu cổ kính, huyền bí.
Về kiến trúc, Miếu Phù Châu gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi hai sân, mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc.
Trên nóc các tòa nhà là hình ảnh rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Ngoài ra, hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng và các họa tiết hoa cúc dây, lá nho, sông nước... cũng được thiết kế tỉ mỉ, sống động trên nhiều kết cấu của Miếu Nổi.
Bên trong Miếu Nổi, toàn bộ kiến trúc được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sứ, các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ. Những bức phù điêu trên cột, trần nhà, tường vô cùng đẹp mắt và ấn tượng với các hình tượng tính ngưỡng dân gian.
Về khu vực thờ thần linh, ở tiền điện được bố trí thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu.
Ở trung điện, chính giữa thờ Tề Thiên Đại Thánh. Sau cùng là chính điện, chính giữa thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong đặt năm tượng gỗ thờ Kim, Thuỷ, Hỏa, Thổ, Mộc.
Trước điện kê bàn hương án, thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Bên phải chính điện thờ Quan Công, bên trái thờ Bao Công. Đối diện điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ pháp. Trên tường trang trí những bức phù điêu màu sắc rực rỡ hình tùng hạc, Phật Di Lặc.
Được biết, thời gian đầu, Miếu chỉ thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh (theo văn hóa Trung Hoa đây là những vị anh minh, giúp đỡ mọi người). Về sau, miếu thờ thêm Phật Di Lặc, Quan Âm, Thập Bát La Hán và những vị thần dân gian Việt Nam như Bà chúa xứ Châu Đốc, Cửu Huyền Thất Tổ...
Clip: Khách phóng sanh cá trên sông Vàm Thuật khi đến Miếu Phù Châu
Từ lâu, Miếu Nổi đã trở thành điểm đến hấp dẫn cả về thực hành tín ngưỡng tâm linh lẫn phục vụ nhu cầu du lịch. Khách tới đây để cầu bình an, sức khỏe, công việc, tình duyên...Nhưng cũng rất nhiều người đến đây chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, cảm nhận sự bình yên, tĩnh lặng của Miếu Phù Châu.
Cùng TÂM HỒN LÀNG VIỆT ngắm những hình ảnh khác của Miếu Phù Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.