Con đường làng soi bóng thời gian, in bao dấu chân kỷ niệm. Làng Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) quê tôi uốn lượn quanh co theo lũy tre xanh. Dọc theo con đường từ xóm Đông An đến Tây Thuận là cánh đồng lúa. Những tháng năm chiến tranh, con đường làng in bước chân âm thầm mang cơm trong tấm mo cau của các mệ, các o nuôi cán bộ cách mạng.
Nhớ lắm con đường làng gắn với kỉ niệm tuổi ấu thơ. Từ đầu đến cuối làng, con đường dài khoảng gần 2 cây số, bóng tre tỏa xuống, rợp mát cả ngày.. Trên con đường quen thuộc này, trẻ con quê tôi tụm năm, tụm bảy bày đủ các trò chơi: trốn tìm, kéo co, nhảy lò cò, kéo mo cau, ô ăn quan…Tôi nhớ có một lần nơi ngã ba xóm Đông An gần nhà tôi trong đêm trăng sáng, chúng tôi rủ nhau chơi trò trốn tìm. Thằng Thạnh, thằng Nhơn, con Liên, con Ný đi trốn, còn tôi tù tì thua nên phải đi tìm. Lần lượt tôi tìm ra được ba đứa, còn con Ný thì tìm mãi không thấy. Mười phút, hai mươi phút trôi qua, cả mấy đứa cùng đi tìm nó giúp tôi. Ný ơi, mi mô rồi, ra đi…Nó vẫn không chịu xuất hiện. Rồi, bất ngờ từ xa, thằng Nhơn la lên, con Ný đây rồi. Thì ra, con Ný chạy vào bụi tre trước nhà bà Hẹ để trốn, không biết thế nào, nó bị gai tre ( quê tôi gọi là nè) móc vào áo, gỡ mãi không ra. Con Liên chạy vào gỡ giúp và dắt con Ný ra. Nó khóc thút thít khi thấy chiếc áo bị thủng, về nhà sợ bị mạ la…
Đường làng, tôi nhớ đoạn ngang qua nhà mụ Đua, có bụi bông lẹo nên tụi con nít mỗi lần chạy ngang không dám nhìn, phải lấy tay che mắt, rồi chạy thật nhanh. Bởi vì, người lớn trong xóm hay nói, đứa mô nhìn bông lẹo là bị mụt lẹo ở mắt (nghĩa là mắt đỏ, nổi một cục ở mí). Thế mà, vẫn có đứa lì bướng, chúng nó không sợ, nhiều lần hái bông lẹo, đuổi theo mấy đứa nhát gan để dọa.
Đường làng, nơi chứng kiến bao câu chuyện buồn vui trong veo của tuổi thơ sinh ra từ làng. Này con đường qua nhà chú Tơ ngát mùi hoa bưởi; này con đường nhỏ dẫn vào sân nhà chú Thi đỏ màu dâm bụt…Nhớ những buổi trưa đi học về, tôi cùng thằng Giáo, con Hý đi khèo và lượm ổi rụng trong vườn nhà ông Thuế. Ôi chao, đứa mô cũng đi thật khẽ, thế mà tiếng chó vẫn sủa vang; sợ người nhà ông Thuế chạy ra, đứa nào đứa nấy nhảy qua hàng chè tàu mà chạy.
Con đường làng, nơi in dấu bước chân tuổi thơ đến trường. Ngôi trường tiểu học được xây bằng gạch không tô quét nằm phía bên phải cuối con đường làng. Mỗi ngày, chúng tôi dậy sớm, ăn vội mấy củ khoai lang mạ nấu rồi í ới gọi nhau đi bộ đến trường. Có mấy đi học muộn, tôi, thằng Bửu, thằng Tâm xách đôi dép lê bày trò thi chạy bộ. Điểm xuất phát là ngã ba đường bờ vùng (trước nhà dượng Niên), và điểm kết thúc là ngay trước cổng trường làng. Đúa nào thua cuộc, giờ ra chơi phải cỗng đứa thắng cuộc trên lưng chạy quanh sân trường hai đến ba vòng mới được đặt xuống.
Mùa gặt, đường làng rộn ràng tiếng nói cười của người dân quê khắp đầu làng, ngõ xóm. Đường làng thơm mùi lúa mới. Đi giữa đường quê mùa gặt, mùi rơm vàng được nắng, mùi cơm gạo mới từ bếp nhà ai xộc vào mũi thơm nức thật đễ chịu. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy nao nao, chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận, Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm. Đi trên con đường làng, chúng tôi hít thở mùi lúa, mùi đất đai, mùi của những loài hoa trong vườn, mùi tre, mùi khoai nướng, mùi của những cơn mưa dông xối xả, mùi của bùn non, mùi phù sa màu mỡ sau những lần cơn lũ đi qua…Chao ôi, tất cả đã trở thành mùi vị riêng của làng, của quê tôi vất vả mà nặng nghĩa, nặng tình.
Đường làng, nơi những đứa trẻ quê tôi háo hức lon ton theo mạ đi chợ chiều. Trên con đường quen thuộc đó, đã bao lần mạ gánh đôi quang gánh nặng trĩu đôi vai, nào sắn, nào rau, nào lá trầu, lá chuối mang ra chợ bán. Anh em tôi vừa đi, vừa chạy sau lưng mạ. Từ nhà đến chợ phải 6 cây số, thế mà những đôi chân nhỏ xíu, đen gầy chạy theo mạ không biết mệt. Được mạ cho về chợ, tận mắt nhìn thấy người bán, người mua, được mạ sắm cho cái áo mới, đôi dép mới thiệt là sung sướng.
Đường làng, nơi tiễn bước chân của biết bao trai làng lên đường đi bộ đội. Những ánh mắt bịn rịn, những cái vẫy tay chào xao xuyến. Và nhớ những lần, trên con đường làng, tụi nhỏ chúng tôi kéo nhau đi xem cảnh đưa dâu. Cô dâu mặc chiếc áo dài màu, tóc rối, đầu đội khăn voan cúi mặt, đi chầm chậm cùng cả đoàn rước dâu về nhà chồng. Rồi khi đoàn đưa dâu vào đến sân, tiếng pháo vu quy nổ vang rền. Tiếng nổ vừa dứt, bọn con nít thi nhau chạy vào lượm những viên pháo chưa nổ, rồi hí hửng chạy ra khoe…
Đường làng là con đường đất, mùa nắng thả đôi chân trần nghe mát rượi; nhưng mùa mưa lũ thì lầy lội, bùn nhão nhoét. Vậy mà vẫn yêu vô cùng. Bùn đất như níu giữ bước chân người để xa thì lưu luyến, nhớ thương.
Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, nhiều con đường quê đã thay màu áo mới. Đường làng Trạch Phổ quê tôi cũng vậy, nó đã được bê tông hóa theo chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm. Về thăm quê, đi trên con đường xi măng không còn lầy lội vào mùa mưa, mừng vì nông thôn từng ngày đổi mới. Vui, nhưng không hiểu sao, lòng vẫn cứ bâng khuâng, hoài niệm. Da diết nhớ đường làng tuổi thơ năm xưa… nơi cất giữ khoảng trời kỉ niệm của một thời gian khổ.
Đường đời xuôi ngược, có biết bao con đường để đi, nhưng chắc chắn một điều chỉ có duy nhất một con đường để về, bởi phía cuối con đường đó, luôn có người chờ ta…Đường quê, tình quê mãi đong đầy.