Kể chuyện làng: Anh Kim

Chiến Thắng Thứ tư, ngày 14/04/2021 06:41 AM (GMT+7)
Anh là bộ đội phục viên từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 tại Cao Bằng, nhà anh ngay dưới chân đồi hủi nơi ba chị em chúng tôi sinh sống.
Bình luận 0
Năm 1987, khi ấy tôi còn nhỏ lắm, nhưng trong ký ức tôi vẫn mãi còn nhớ về anh. Tuổi thơ với chúng tôi là những chuỗi ngày dài nhặt củi, kiếm củ cây rừng độn cơm bữa bữa nơi rừng hủi tại Thôm Hẩu, xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Kể chuyện làng: Anh Kim - Ảnh 1.

Khu vực đánh dấu đỏ là đồi hủi nơi trước đây dựng lán của ba chị em chúng tôi, ngôi nhà sàn phía dưới là nhà của bố mẹ anh Kim.

Ở đây, người ta vẫn bảo lũ chúng tôi là lũ "con giời", chỉ có "con giời" mới dám ở cánh rừng ấy thôi. Không biết có phải thế không, có điều đúng chỉ có ba đứa trẻ chúng tôi nơi cánh rừng ấy thật.

Những năm 80 khó khăn đủ thứ, bố tôi là bộ đội đóng quân ở mãi ngoài đảo xa, khi ấy mẹ tôi phải xuống tỉnh học lớp hoàn chỉnh, cuối tuần mới về với mấy chị em chúng tôi.

Anh là bộ đội phục viên, gia đình anh không biết đã ở đó từ bao giờ, khi chúng tôi dọn đến thì đã thấy nhà anh ở dưới chân đồi hủi ấy rồi. 

Anh cao gầy, da đen sạm, giọng oang oang như đám trẻ chúng tôi cúi xuống cái chum đựng nước mà nói vậy. Anh cũng là người gần gũi với chúng tôi hơn cả, thường mang nước, hoa quả vườn nhà lên cho đám trẻ chúng tôi.

Hồi đó, chị cả tôi mới chỉ là một học sinh lớp 7. Còn tôi mới chỉ là một học sinh lớp 2, mà lớp 2 thì đâu đã biết gì nhiều.

12 tuổi, chị cả tôi một mình lo toan mọi việc, từ nấu cơm, giặt rũ đến kiếm củ sắn rừng, lo giục các em đi học. Thú thực, tuổi ấy không biết bây giờ có mấy ai làm nổi như chị tôi hồi đó không.

Kể chuyện làng: Anh Kim - Ảnh 2.

Đường lên khu vực lán chúng tôi ngày ấy, giờ được cuốc để thuận tiện đi lại, đã đỡ heo hút hơn mấy mươi năm trước.

Những hôm nắng nóng mùa hè không nói làm gì nhưng mùa đông đến, gió rừng mang theo hơi nước, sương thổi túa vào túp lều con, sáng ra chăn màn ướt cả. Túp lều con tênh hênh bốn bề gió nổi giữa rừng hủi lạnh lẽo hoang vu, đêm đêm, ba đứa trẻ chúng tôi co quắp nằm úp thìa tránh cái rét cắt da cắt thịt nơi xứ núi.

Chị cả tôi luôn dậy từ tinh mơ nhóm bếp để hong quần áo cho chúng tôi bớt lạnh, đưa chúng tôi đi bộ hơn 3km đến lớp rồi mới quay lại trường chị. Anh động viên, cố lên, ít nữa mẹ về hẳn thì không còn phải như thế này nữa. Tôi tin anh, chúng tôi cùng tin vào điều đó.

Niềm tin là sức mạnh để chúng tôi vượt qua được những đợt rét kéo dài. Rồi một đêm, trời bỗng nổi dông. Tiếng sấm ùng oàng vọng vào vách núi, chớp nhì nhằng như xé vụn cả trời đêm. Gió từng đợt thốc mạnh quăng quật, cành cây răng rắc gãy, ào ạt, rầm rào.

Gió mỗi lúc một mạnh, chị tôi trùm kín chăn cho chúng tôi, răng cắn chặt môi, người rung lên theo từng ánh chớp xẹt ngang ngọn sấu già. Mưa ầm ập xối xả, túp lều con xiêu vẹo cố néo mình chống chọi với cơn dông.

Rồi cơn dông như có cả trăm người hò nhau nhấc bổng cả mái lều chúng tôi cuốn phăng đi. Chị ôm chặt chúng tôi hét gọi từng người. Chúng tôi sợ hãi, tưởng có thể chết ngất và chính anh không quản mưa gió leo đồi đưa từng người chúng tôi về nhà anh.

Đêm đó chúng tôi đã gần như sốt cả vì lạnh và sợ hãi. Anh lại đội mưa, đội gió hái thuốc đắp cho từng người. Đó là những năm tuổi thơ đầy ám ảnh của mấy chị em chúng tôi.

Ông trời bất công lắm, tôi đã nói vậy suốt cả buổi chiều khi tôi đang là học sinh lớp 5, ấy là một ngày cuối tháng 10. Cả nhà tôi khóc, và chỉ biết khóc khi chứng kiến cơn đau vật vã của anh.

Trong cơn mê cuồng, anh hò hét giết giặc, anh nói giặc đang qua cầu Sông Bằng, nói nhiều lắm, đông lắm, giết không hết được! Bố mẹ anh nhìn con không cầm nổi nước mắt. Bố anh bảo anh là bộ đội đặc công tham gia chiến tranh biên giới năm 1979 tại Cao Bằng.

Sau lần đó anh nói cười điên dại. Người ta sợ anh, người ta né anh, chỉ chúng tôi là không. Anh không bao giờ làm hại chúng tôi. Chúng tôi luôn tin vậy.

Rồi anh bỏ nhà đi, không ai biết anh đi đâu. Có người bảo anh bị lũ cuốn trôi mất xác, có người bảo gặp anh trên Trà Lĩnh, Cao Bằng. Người nhà đi tìm, người quen nhờ hỏi, đồng đội cất công cũng đều bặt vô âm tín.

Rồi bố tôi về nghỉ, mẹ về công tác tại phòng giáo dục huyện, chúng tôi chuyển nhà xuống thị trấn sinh sống. Những đứa trẻ "con giời" ở rừng hủi ngày nào lần lượt vào đại học, đi làm. Lần nào công tác Cao Bằng tôi cũng nhờ người dò tin tức anh nhưng đều không có kết quả.

Mấy mươi năm đã qua, nhưng chưa khi nào chúng tôi mất niềm tin một ngày kia anh sẽ về lại cánh rừng xưa, về lại với tuổi thơ của chúng tôi, nơi ấy có những người vẫn đang từng ngày ngóng đợi anh về.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem