Kể chuyện làng: Giông chiều

Lê Thị Hải Yến Chủ nhật, ngày 02/05/2021 07:00 AM (GMT+7)
Cơn giông ập đến, tiếng sét đinh tai rạch ngang bầu trời đã mang đứa bạn thân của tôi đi mãi mãi. Mới đó mà hơn 30 năm đã trôi qua.
Bình luận 0

Chúng tôi lớn lên trong cùng một xóm nhỏ, thôn Xóm 9, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh  Hà Tĩnh nóng như đổ lửa. Gió Lào thổi rạc cỏ cây.  Nhà tôi ở đầu xóm nên lũ bạn thường tụ tập rất đông. Trưa hè, bọn thằng Nam, con Na, thằng Hiếu và tôi thường bày đủ trò để chơi. Chúng tôi hái các thứ quả trong vườn như: cà, ổi, hoa mít, dâu đất…mỗi đứa sẽ bán một món. Tiền là những chiếc lá mít, chiếc lá nào to tương đương với mệnh giá lớn. Gian hàng được bày bên gốc cây tre, trên che lá chuối, dưới lót mo cau. Chợ thường náo nhiệt từ 11 giờ 30 đến 2 giờ chiều. Sau phiên chợ, chúng tôi ra đồng chăn trâu. 

Ngày ấy, chúng tôi đến trường một buổi, buổi còn lại giúp bố mẹ chăn trâu bò, cắt cỏ, hái rau, trông em. Bọn trẻ quê chúng tôi không biết đến học thêm là gì. Bốn đứa học chung một lớp, tôi nhỏ hơn bọn chúng 1 tuổi. Lớp tôi có mấy đứa lớn hơn tôi 2 tuổi. Cả bố và mẹ tôi đều là giáo viên, một buổi mẹ tôi lên lớp, buổi còn lại mẹ ra đồng làm việc như những người nông dân khác trong xóm. Học lớp 1, lớp 2 tôi được mẹ giao nhiệm vụ ở nhà trông em. Năm tôi lên lớp 3, thằng út vào lớp 1, tôi không phải trông nó nữa.

 -  Bố tôi bảo: con ở nhà học bài.

  - Mẹ lại nói: để nó tập làm việc cho quen.

Nhìn bọn thằng Hiếu cưỡi trâu đi trước ngõ, vừa hát nghêu ngao, tôi lẽo đẽo chạy theo sau lưng trâu nó lên đến cây duối giữa đồng. Cả bọn tập hợp chơi đủ trò. Tôi thích lắm, nài nỉ mãi Hiếu mới cho lên lưng trâu ngồi thử, cảm giác lần đầu tiên được cưỡi trâu sao đã quá. Tay tôi cầm chắc sợi dây thừng, tay kia níu chặt đuôi trâu, hai chân ghì sát vào hông. Vắt vẻo trên lưng trâu, tôi cảm giác như mình được bay lên bầu trời. Những ngọn cỏ thia, cỏ mật thấp lè tè dưới chân, bỗng nhiên tôi thấy mình thật cao lớn, oai phong . Cảm giác đó đến bây giờ tôi còn nhớ như in.

Khi tôi gần cuối lớp 4, một chiều hè, bố tôi và một người đàn ông lạ mặt cùng một thằng bé cỡ tuổi tôi dắt một con trâu nghé về. Bố tôi nói: thành viên mới của nhà mình.

Người đàn ông tóc hoa râm nói: nó gần 1 tuổi, hiền lành, ăn khỏe. Nó thích nhất là cỏ mật hoặc cỏ thia.

Bố tôi cột nó ở gốc cây khế. Thằng bé đi cùng nhổ một nắm cỏ mật, nó nhai ngấu nghiến. Thằng bé cứ ôm cái sừng non mới nhú của chú nghé mà lắc lắc: mi ở lại nha, tau về. Thỉnh thoảng tau sang thăm. Ngoan, tau nhớ mi lắm.

Người đàn ông đội chiếc nón đã sổ một chiếc vành, ông nói: bố con tui nhờ ông bà giáo chăm giúp. Gả nó, tui buồn lắm. Nói rồi mắt ông ngấn lệ. Thằng cu con ông thì khóc thút thít. Hai cha con họ bước vội vã rồi khuất dần sau rặng tre.

Từ hôm đó, tôi chính thức được gia nhập hội chăn trâu.

Đàn trâu trong xóm dạo này gầy rạc. Đồng đã gặt xong, thiếu nước, ruộng bỏ hoang. Chúng tôi thả trâu trên đồng rồi tụ tập chơi. Thường thì chia phe đánh trận, hoặc tập làm cô giáo, có khi đi tìm tổ chim sẻ…Mặc dù nhỏ tuổi nhất hội nhưng tôi luôn được "đứng trên bục giảng". Bọn chúng nói: mi con cô giáo, có nhiều bút và phấn, mi học giỏi, bọn choa bầu mi làm cô. Tôi sung sướng lắm. Buổi sáng trước khi cưỡi trâu ra đồng, tôi thường lấy trộm của mẹ một mẫu phấn đã viết dở, mang theo cái bảng con sau lưng, nhét thêm vài củ khoai luộc, bao nhiêu đấy vừa đủ cho tuổi thơ tôi.

Kể chuyện làng: Giông chiều - Ảnh 1.

Muốn sang bên kia bàu nước, chúng tôi không cần lội, chỉ ngồi lên lưng trâu để nó cõng sang.

Cả bốn chúng tôi được chị bí thư đoàn thôn phân công nhiệm vụ tập hát để chuẩn bị ngày 1.6, chị giao cho Hiếu ghi lời bài hát để tập lại cho chúng tôi. Hiếu hát hay và mau thuộc lời, nó sẽ bắt nhịp để chúng tôi hát theo. Sân tập là dưới gốc cây, thời gian tập trong những buổi chăn trâu. Cố gắng lắm chúng tôi đã thuộc nhạc và nhún từng động tác rất khớp. Chị bí thư vui lắm, chị hứa sẽ có quà cho chúng tôi.

Nắng chang chang, gió Lào thổi không dứt. Đàn trâu tìm vũng nước để lăn mình xuống cho đỡ nóng. Bọn trẻ chúng tôi vẫn chân đất, đầu trần chui bụi lũi bờ tìm tổ chim sẻ. Càng nắng, chim kéo về làm tổ càng nhiều. Chúng tôi thay phiên nhau canh chừng trâu kẻo chúng chạy xa, mấy đứa còn lại quan sát xem chim cắp lá bay về hướng nào. Chúng tôi lần theo những chú chim mẹ, tìm đến tổ để bắt chim con. Nhìn lũ chim còn đỏ hỏn, cứ há miệng đòi ăn rồi kêu thảm thiết, thằng Hiếu đề xuất: bọn mình treo lồng ở gốc cây duối, chim mẹ sẽ đến đút mồi. Được chim mẹ chăm chỉ đút mồi, lũ chim mau khôn hẳn. Chỉ mấy ngày sau những chú chim non đã đủ lông, gần bay được.

Kể chuyện làng: Giông chiều - Ảnh 2.

Cánh đồng nơi chúng tôi chăn trâu.

Sáng hôm ấy, trước khi cho trâu ra đồng, mẹ tôi bảo: trưa nay nhà mình có giỗ, con cho trâu về sớm, tắm rửa sạch sẽ mà ăn cỗ nhé. Hôm đó, tôi rủ cả 3 đứa cùng về nhà tôi, thằng Nam và con Na đồng ý, thằng Hiếu xấu hổ nên không đến.

Ăn cỗ xong, tôi không quên xin mẹ một nắm xôi và miếng thịt gà để chiều mang ra đồng cho Hiếu. Xế trưa, giông tố nổi lên gầm gào, sấm ngang chớp dọc. Mặt đất bao ngày khô khát mong chờ giọt mưa. Mẹ tôi bảo: các con chơi trong nhà, không được chạy ra ngoài, sấm sét nguy hiểm lắm. Tôi, thằng Nam và con Na ngồi trên tấm phản, bịt tai và nhắm mắt lại mỗi khi nghe tiếng sét. Tiếng sét như xé toang bầu trời. Bỗng ầm một tiếng thật gần, sáng lòe cả góc trời phía cây duối. Mưa rơi, hơi đất bốc lên ngùn ngụt. Mưa rất lớn. Mặt đất trắng xóa. Người dân quê tôi ví "mưa tháng sáu máu rồng". Cơn mưa ngớt dần, tiếng thím Chẹo khóc thét lên, tôi nghe đó là tiếng thét chứ không phải tiếng khóc. Thằng Hiếu bị sét đánh chết dưới gốc cây duối.

Tôi chạy đến gốc cây, đã có mấy người lớn ngồi đó. Thím Chẹo ôm Hiếu gào thét trong mưa. Hình hài Hiếu cháy đen, bên cạnh là cái lồng với hai chú chim cháy sạm.

Con Na khóc nức nở và thét lớn: đêm mai, ai hát với tụi tau Hiếu ơi.

Tôi nhớ lại câu nói của Hiếu: nếu gặp mưa giông, chim sẽ chết lạnh tụi bây ạ.

Tau hiểu vì sao mi chết thảm dưới gốc cây Hiếu ơi.

Kể chuyện làng: Giông chiều - Ảnh 3.

Cây duối trên cánh đồng quê tôi.

Thành phố Huế chiều nay cơn mưa ập đến bất ngờ. Trên đường đi làm về, tôi ghé vào quán nước trú mưa. Tiếng sét rạch ngang bầu trời. Mưa xối xả tuôn. Ngồi trong quán nước bên bờ sông Như Ý, tôi bỗng nghe tiếng chim kêu trong mưa. Tiếng chim đưa tôi về với kỉ niệm ngày xa xưa, một thời chăn trâu cắt cỏ,vui đùa với chúng bạn. Đâu đây tiếng thằng Hiếu vọng về trong bài ca chuẩn bị hát mừng ngày Quốc tế thiếu nhi: em là búp măng non…

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem