Công ty CP Xuất Nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) là một trong những đơn vị tham gia đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…
Ông Đỗ Hoàng Phương - Giám đốc Công ty cho biết theo kế hoạch, các địa phương trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương đã bắt đầu thu hoạch vải sớm từ hôm nay và kéo dài đến cuối tháng 7.
Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, các kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ vải thiều của công ty ông Phương thay đổi liên tục.
Doanh nghiệp của ông Phương cũng đang chuẩn bị các khâu cuối cùng để vào mùa thu hoạch vải thiều.
Tuy nhiên, điều khiến ông Phương lo lắng nhất hiện nay là tình trạng thiếu lao động thời vụ. Nhiều người e ngại Covid-19 nên không dám tham gia vào các công việc thu hái, xử lý đóng gói tại vùng vải.
Thông thường, mùa thu hoạch vải thiều tại Bắc Giang, Hải Dương kéo dài khoảng 2 tháng (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7 hằng năm).
Trong thời gian này, ngoài lực lượng lao động địa phương sẽ có thêm người lao động từ các tỉnh lân cận đến. Lực lượng lao động tại chỗ như học sinh, sinh viên trong gia đình cũng được tận dụng ngày hè để phụ giúp gia đình…
Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều gia đình ngại tiếp xúc nên không cho phép con em tham gia vào các công đoạn thu hoạch, sơ chế vải…
Để đảm bảo an toàn cho nhân sự của công ty, doanh nghiệp của ông Phương sẽ "test" kiểm tra Covid-19 miễn phí cho tất cả người lao động.
Ngoài ra, vì không đủ nhân công nên doanh nghiệp này đành nhờ hết vào nông dân trong các khâu thu hoạch, phân loại, đóng thùng…
Khi về nhà máy, doanh nghiệp sẽ thực hiện các khâu chế biến, xử lý, khử trùng khác theo yêu cầu để đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu.
Về phía mình, ông Phương cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng tăng thêm chi phí thêm để người lao động yên tâm làm việc.
"Tôi cũng mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc thu hút lao động; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm làm việc", ông Phương nói.
Ông Phương dự tính sản lượng xuất khẩu sẽ giảm. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu để giữ thị trường truyền thống và kết nối thêm một số thị trường mới với sản lượng nhỏ.
Ngày 26/5 tới đây, công ty Toàn Cầu của ông sẽ xuất lô vải đầu tiên sang Nhật với sản lượng khoảng 4-10 tấn.
Mới đây, cơ quan chức năng Trung Quốc vừa thông báo: tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan Trung Quốc tăng giờ làm việc, ưu tiên cho vải thiều thông quan đầu tiên, nhằm giúp Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi.
Riêng ngày 19/5, dù chưa chính thức vào chính vụ thu hoạch vải thiều, 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã thu hoạch được 200 tấn vải thiều.
Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết, đã có những lô vải thiều đầu tiên được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại 2 "thủ phủ" vải của Bắc Giang là Lục Ngạn và Tân Yên, việc lập vùng an toàn để tiêu thụ nông sản được triển khai quyết liệt. Việc thu hoạch vải thiều, thu mua vải thiều được thực hiện đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Tại khu vực phía Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) là một trong những doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều xuất khẩu.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu đánh giá, tình hình tiêu thụ vải thiều năm nay khó khăn hơn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thế nhưng, Chánh Thu vẫn đang rất tự tin sẽ có nhiều khách hàng tìm đến vải thiều Lục Ngạn.
"Việc được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả vải thiều Lục Ngạn sẽ là cơ sở để khách hàng tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm", bà Vy nhận định.
Theo bà Vy, trong tình hình giao thương quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm càng trở nên quan trọng.
Có được chỉ dẫn địa lý sẽ phần nào giúp vải thiều Bắc Giang tránh được những "lùm xùm" liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, như sự việc gạo ST25 thời gian qua.
Từ năm 2020, Chánh Thu dùng công nghệ bảo quản, vốn đã được phép sử dụng cho thị trường Mỹ, Nhật để áp dụng cho cả các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và đã nhận được nhiều phản hồi tốt.
Bà Vy cho biết, chỉ dẫn địa lý là cơ sở hỗ trợ rất đắc lực trong công tác truy xuất nguồn gốc của nông sản tại thị trường Trung Quốc.
Không chỉ vậy, ngoài các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, năm 2021 này, công ty Chánh Thu còn có một số khách hàng, nhà bán lẻ mới ở Châu Âu đề nghị hợp tác tiêu thụ vải thiều. Do đó, Chánh Thu sẽ mở rộng thêm thị trường châu Âu đối với quả vải thiều.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ