Về đến đầu làng, ông bà ngoại đã chờ đó từ lúc nào, ông bà thấy gia đình tôi về thì mừng rỡ chạy lại ôm chầm lấy tôi, ánh mắt nụ cười tràn ngập niềm vui. Vừa vào đến cổng, tôi đã nghe mùi thơm ngon của nồi bánh gói, bánh ít nấu dở để chuẩn bị cho buổi mai đi chợ sớm của bà. Tôi chạy vù xuống bếp, tay cầm khúc củi thỉnh thoảng đẩy vào cho lửa bén, như muốn thúc nồi bánh chín nhanh hơn.
Nhớ lắm những buổi chiều theo đám bạn trong làng, chạy chân sáo trên con đường nhỏ xíu, rồi dẫn lối xuống bãi tắm dưới sông. Lúc này, chúng nó ai cũng nhanh chân nhảy ùm xuống dòng sông để tắm mát. Riêng tôi, do không biết bơi nên cứ chần chừ mãi không dám xuống. Thấy vậy thằng Hạng Him, Được Vểu chạy lại kéo tôi xuống, nhưng bọn nó cũng canh chừng không dám cho tôi ra xa. Khi màn đêm buông xuống sát mép sông, thì lúc này nhóm chúng tôi mới lổm ngổm bò từ dưới nước lên rồi đứa nào về nhà đứa nấy.
Sáng ngày hôm sau, như đã hẹn từ trước, tôi thức dậy rất sớm để quét sân cùng bà, ông ngoại tôi dậy sớm đã chuẩn bị gánh một gánh bánh gói, bánh chưng, bánh ít ra chợ Lường để bà bán đong gạo cho gia đình. Tôi mạnh dạn năn nỉ theo bà ra chợ.
Con đường làng dẫn ra chợ Lường với tôi ngập tràn bao kỷ niệm tuổi ấu thơ, nó dài chừng 3 cây số, nhưng với tôi như dài như cả cuộc đời của bà. Trên đôi vai gầy của bà gánh biết bao nhiêu niềm hi vọng mỗi ngày của gia đình. Theo bà ra chợ, đến gần trưa thì gánh hàng của bà đã vơi gần hết, thấy tôi phờ phạc, bà cười rồi lấy khăn trên đôi vai lau mồ hôi cho tôi, lúc đó nhìn bà thương bà không sao kể xiết.
Ở cổng chợ, những quả mận quân được xâu từng chuỗi dài bán dọc hai bên đường ra vào chợ. Bà đặt đôi gánh trên vai xuống, mua cho tôi một xâu mận quân. Cầm xâu mận trên tay, tôi ngấu nghiến nhai nhồm nhoàm như thể bị bỏ đói mấy ngày. Những quả mận quân ngòn ngọt, chan chát, là vị quà quê theo tuổi thơ tôi mỗi lần được đi chợ cùng bà.
Làng của ông bà tôi rất nhỏ, nhưng nó in đậm dấu chân tôi tuổi ấu thơ. Tôi cùng đám bạn lúc rảnh rỗi thì chơi đủ trò, trốn tìm, nhảy ngựa, chơi khăn, ô ăn quan... khi chơi chán thì cả hội lại rủ nhau đi trộm ổi, trộm bưởi, trộm khế. Có lần tôi và thằng Hạng Him đi ăn trộm ổi bị nhà chú Bé phía sau nhà ông bà ngoại bắt được đánh cho một trận nhớ đời. Nhưng rồi đâu cũng vào đó, khi nào thấy chú Bé đi vắng là chúng tôi lại trèo hàng rào vào vườn nhà chú hái trộm ổi, rồi nhai ngấu nghiến.
Có một lần, tôi theo đám bạn Hạng Him và Được Vểu, Sửu Tru đi tắm sông. Lúc đó, nước sông Lam dâng cao nhưng tôi lại không biết bơi. Khi đang tắm bên mép sông, ông Ngoại lúc đó đi tìm và phát hiện ra tôi. Trên đường chạy ngược men ruộng ngô của người dân xóm trên, tôi bị ông Ngoại đánh cho một roi vào mông đau không phải nói. Về đến nhà, ông bắt ụp mặt và tường và hứa không được xuống sông tắm khi chưa có người lớn đi cùng. Đây là trận đòn duy nhất mà ông ngoại dành cho tôi, khiến tôi không bao giờ quên.
Làng của tôi không có đất trồng lúa, nhưng làng của tôi lại trồng ngô ở bãi bồi ven sông Lam. Mỗi lần thu hoạch, nhà nào cũng nướng ngô thơm phưng phức, cứ chiều tối về, mấy gia đình quây quần bên bếp lửa nướng ngô, nói chuyện khiến cho cả làng yên bình đến lạ thường. Đặc biệt, mỗi khi nước thượng nguồn đổ về, cả một bãi sông vui nhộn đến lạ thượng. Những anh thanh niên lực lưỡng thì bơi sông vớt củi, còn những người phụ nữ thì ra cánh đồng ngô hái những bắp ngô chạy lụt khiến cả một vùng quê rạo rực khôn nguôi.
Ngôi làng Liên Sơn cùng con đường vào làng ngày xưa và cả ông bà ngoại tôi giờ đây chỉ còn là miền kí ức xa xôi, nhưng những kỉ niệm về làng quê ngoại luôn in hằn trong tâm trí tôi. Hiện tại, căn nhà ông bà đã được tái định cư ở xóm trên, con đường đất ngày trước nay dần được bê tông hóa, nhà cửa khang trang hơn, người dân trong làng nay làm đủ nghề để kiếm sống mưu sinh. Mỗi lần có dịp về quê, trong tôi cứ lâng lâng, hoài niệm. Nhớ như in những dịp trốn ông bà tắm sông, những lần theo bà ra chợ Lường và những lần ăn trộm ổi cùng đám bạn.
Hiện nay, tôi đã có một tổ ấm nhỏ ở thành phố, nhưng có dịp cùng gia đình về quê, tôi thường kể cho con nghe những kỷ niệm ngọt ngào gắn liền với quê hương, với ngôi làng quê ngoại mà tuổi thơ đã gắn bó mỗi dịp hè về. Nơi đó không ồn ào,xô bồ như ở thành phố, nơi ấy mỗi khi về vẫn còn đó hình bóng ông bà ngoại đứng chờ ở cổng làng đón con cháu về mái ấm gia đình, mái ấm quê hương.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!