Kể chuyện làng: Thầy Liễn!

TS Nguyễn Mạnh Hùng Thứ sáu, ngày 14/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Năm nay tuổi đã vượt 50 và đã đi hơn 40 quốc gia, đã học biết bao nhiêu thầy cô cả ở Việt Nam, Nga, Pháp, Mỹ, Úc,… nhưng có lẽ người thầy mà tôi ấn tượng nhất, nhớ nhất vẫn là thầy Liễn!
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Thầy Liễn - Ảnh 1.

Trường THCS Đông Hoà - ngôi trường ngày ấy của chúng tôi nhiều năm trước đã được xây lại khang trang.

Quê tôi là xã Đông Hoà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (bây giờ đã sáp nhập về thành phố Thái Bình). Nếu như lớp 1 đi học phải đội mũ rơm, thỉnh thoảng lao xuống hầm trú ẩn bởi máy bay Mỹ thì cấp 2 của tôi đẹp lắm.

Thầy Liễn dạy toán của lớp tôi cả 3 năm cấp 2, từ lớp 5 đến hết lớp 7. Thầy đi dạy bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, xích còn không có bộ phận che chắn. Đến lớp 7 tôi mới biết nhà thầy ở thị xã Thái Bình. Tức là hàng ngày thầy Liễn đều đạp xe từ thị xã về quê dạy chúng tôi.

Thầy giảng rất hay. Thầy vẽ hình tròn tròn vo mà chỉ cần ngoáy tay đúng một vòng không cần chỉnh sửa. Có lẽ từ hình ảnh này mà tôi thích học toán và yêu quý thầy.

Mốc quan trọng nhất là lớp 7. Chúng tôi phải học để thi vào cấp 3. Vậy là buổi tối thầy yêu cầu chúng tôi đến lớp học thêm. Thời đó làm gì có điện mà phải học đèn dầu. Nhưng chúng tôi rất chăm học. Thầy Liễn thì chăm chỉ dạy. Đêm thầy lại đạp xe về nhà, tận bên thị xã.

Kể chuyện làng: Thầy Liễn - Ảnh 2.

Con đường đất ngày nào dẫn đến trường giờ cũng được trải nhựa hiện đại.

Nhờ những đêm đi học thêm với thầy mà tôi có những kỷ niệm rất đẹp về những đêm trời sáng trăng, đi bộ từ nhà dưới ánh trăng bàng bạc với hai bên là hai hàng phi lao rì rào nghe rất thích. Những hình ảnh ấy cứ in đậm rất sâu trong đầu tôi, sau này và đến cả bây giờ.

Một thời gian sau, tôi được thằng Tuấn rủ về ngủ cùng vì nhà nó ở gần trường (Tuấn sau này làm địa chính ở uỷ ban xã Đông Hoà). Thế là quãng đường từ trường về chỗ ngủ gần hơn. Thế là tình yêu với toán và sự gần gũi với thầy Liễn càng lớn thêm.

Hồi đó buổi sáng lên lớp còn buổi chiều thì học nhóm. Chúng tôi cũng nghịch lắm. Nhiều khi học một lúc và rủ nhau đi bơi. Nhưng thầy Liễn đi kiểm tra học nhóm thật. Hôm đó đang học nhóm ở nhà thằng Thuận, cả lũ rủ nhau ra sông bơi. Đúng lúc đó thầy đến kiểm tra. Chúng tôi sợ gần chết. Thầy Liễn không mắng chúng tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc cố gắng học để còn thi đỗ vào cấp 3.

Hè 1979 chúng tôi thi. Cả xã chỉ hơn chục đứa được vào cấp 3, kể cả bổ túc. Thời đó vào cấp 3 khó vô cùng. Tôi may mắn thi đỗ. Tôi cũng lại may mắn được chị Xuyến của thằng Tuấn làm quân đội ở Hà Nội cho biết có trường chuyên ngữ ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tuyển sinh và có thể đi thi.

Thầy Liễn là cứu cánh của tôi. Thầy dạy tôi, kèm tôi. Thi chuyên ngữ lấy 8 điểm 2 môn toán và văn. Tôi thi xong về kể ngay cho thầy. Thầy chấm và nói tôi sẽ được 5 điểm. Nếu môn văn mà được 3 điểm nữa thì sẽ đỗ.

Chẳng biết các thầy cô chuyên ngữ có chấm nhầm hay không mà tôi được đến 10,5 điểm trong đó toán 5,5. Tôi đỗ chuyên ngữ (dĩ nhiên là sau đó phải kiểm tra năng khiếu ngoại ngữ nữa). Tôi học 2 tháng ở cấp 3 Lê Quý Đôn, thị xã Thái Bình và rồi về Hà Nội học.

Có một chuyện này đến khi học lớp 8 tôi mới biết. Nhà thầy Liễn rất nghèo. Mặc dù ở thị xã nhưng nhà thầy lợp rạ. Tôi được nghe kể rằng ngay hè lớp 7 đó cái Thoa đã giúp thầy mua rạ ở quê tôi để cho thầy chở về lợp lại mái nhà. Tôi thật sự thương thầy và trách mình. Tôi cũng thật sự khâm phục cái Thoa vì mới bé tuổi như tôi mà đã khôn và giỏi đến vậy rồi. (Sau này cái Thoa học trường Việt Xô ở Hà Nam Ninh rồi vào Phú Quốc công tác và sinh sống).

Tôi học cấp 3 chuyên ngoại ngữ ở Hà Nội và một năm chỉ về thăm quê hai lần là vào dịp tết và nghỉ hè. Trong những dịp về quê đó, nơi tôi muốn và cần đến nhất là thăm thầy Liễn. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ngôi nhà mái rạ đơn sơ của thầy. Tôi có lẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh vợ thầy bị bạo bệnh và nằm trên giường. Tôi như đang nghe thấy ngay lúc này giọng nói của thầy Liễn rất ân cần, ấm cúng, gần gũi. Nụ cười của thầy rất tự nhiên, sảng khoái và vô tư.

Kể chuyện làng: Thầy Liễn - Ảnh 4.

Sau này tôi đi học ở Liên Xô và rất ít khi về nhà. Nhưng khi về luôn đến thăm thầy. Tôi rất ấn tượng một lần, khi đã về nước và công tác ở FPT thì nhận điện thoại của thầy mời đến gặp thầy. Tôi rất bất ngờ khi biết quê thầy ở làng hồng xiêm Xuân Đỉnh. Thì ra thầy là chàng trai Hà Nội và đã rời Thủ đô về dạy học ở quê lúa Thái Bình. Tôi thêm yêu kính thầy hơn, khâm phục thầy hơn.

Ngày thầy mất tôi không về dự đám tang được nhưng trong lòng rất biết ơn thầy. Sau này, mỗi lần về quê tôi vẫn đến thăm ngôi nhà của thầy. Vào ngôi nhà ấy, tôi vẫn như thấy hình bóng của thầy Liễn, như thấy trái tim rộng lớn đến bao la đối với các học trò của thầy. Tôi phải nói thật, nếu không có thầy dạy dỗ, ép học, bắt học, kèm cặp có lẽ tôi đã chẳng đỗ vào cấp 3 và bây giờ đang là anh nông dân trồng quất cảnh ở Thái Bình. Và nếu như vậy cả 5 người em của tôi chắc cũng chẳng đứa nào học hành ra hồn.

Ngày nay trẻ em đóng rất nhiều tiền học còn năm 1979 đó, chúng tôi học mà thầy Liễn chẳng thu một cắc nào. 42 năm trôi qua từ mùa hè học thêm, từ ngày thi vào cấp 3, hình ảnh thầy Liễn vẫn trong tôi. Chẳng biết dùng từ nào để bày tỏ lòng biết ơn với thầy, bởi chỉ dùng từ biết ơn sẽ không đủ. Chẳng biết dùng từ gì để nói về trái tim về tấm lòng của thầy, bởi nó bao la như cánh đồng lúa trên con đường mà tôi vẫn cắp cặp đi bộ trên đường làng ngày xưa. 

Liễn là đồ đựng thức ăn bằng sành hoặc sứ, miệng tròn rộng, có nắp đậy. Có lẽ tôi là một hạt cơm trong thầy. Ngoài tôi ra, thầy Liễn còn dạy biết bao học trò, biết bao thế hệ. Tôi tin, rất nhiều người khác, rất nhiều các học trò khác cũng đã và đang biết ơn thầy, thầy Liễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem