Kể chuyện làng: Xóm nhỏ ngoại kể ngày xưa

Hoàng Anh Linh Thứ bảy, ngày 15/05/2021 08:00 AM (GMT+7)
Xóm nhỏ tôi ở nằm giữa hai dòng sông nhỏ thuộc nhánh sông Tiền. Thuở xưa nó còn được gọi là xóm Mũi Tàu. Bây giờ là một phần của xã Mỹ Phong, ngoại ô thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Bình luận 0

Thời ông cố ông sơ thì xóm tôi chỉ là một mảnh đất hoang mọc toàn lau sậy, trâm bầu, cây dái ngựa dày đặc. Đây là nơi cư ngụ lý tưởng của rắn và những ổ sâu lông lúc nhúc. Khai hoang xong mới thấy dải đất không bằng phẳng mà có rất nhiều gò đất lồi lõm. Nghe nói mấy cái gò thực chất là nền nhà của người Miên cũ. Họ di cư đi đâu không biết. Lâu ngày toàn trâm bầu thi nhau mọc chen chúc, rậm rạp, tối om. Thi thoảng nhà ai san phẳng mấy cái gò, lại đào được bộ chén dĩa cổ, hoặc mấy cái thau đồng hoen rỉ thời đó.

Xưa xóm tôi nghèo, dân cư thưa thớt. Nhà ai cũng có cây cầu khỉ phía trước để qua sông. Nhà ngoại ở ngay đầu cầu, ba gian kiểu xưa, có cái sân lát gạch tàu đỏ. Từ dạo ông ngoại mất ít khi nào sơn sửa lại nên bên ngoài nhìn vào nom hơi tối tối. Được cái cậu hai làm một cái chuồng cu sát bên hiên nhà, treo mấy giò lan hồ điệp Mấy con chim cu trong chuồng suốt ngày cứ gáy gật gù. 

Kể chuyện làng: Xóm nhỏ ngoại kể ngày xưa - Ảnh 1.

(Hoàng hôn xuống nơi quê ngoại - ảnh : Hoàng Anh Linh)

Lần nào đám giỗ ông ngoại, bà ngoại vẫn ngồi trên bộ ván đen mun cũ rích theo thời gian, vừa gói bánh tét vừa ngó ra ngoài nhìn con nước sông đang trôi lững thững, kể ba cái chuyện hồi xưa. Bên sông có hàng dừa cũng rất già. Thỉnh thoảng, gió thổi qua vặt vài trái khô rớt xuống nước cái đùng. Đối diện bên sông là gốc me già cổ thụ. 

- Bây có thấy gốc me chỗ ngã ba đường bên kia không? Hồi xưa du kích về đóng quân đầy nhà mình. Vui lắm. Tụi nó phụ tao nấu cơm, kiếm củi, hái dừa, giỡn như quỷ vậy đó. Ai cũng vui tánh hết. Mà giết giặc thì ghê lắm. Đêm tao nằm nghe tiếng súng mà tim tao đập thình thịch, lo nơm nớp. Sáng dậy thấy xác mấy thằng dịch giặc nằm một đống chỗ gốc me đó, nghe mấy đứa bình an hết thảy mới yên tâm.

- Mà mấy thằng giặc ,thằng nào tướng tá cũng ngon lành, mắt xanh mũi lõ, vậy mà thiệt ác quá trời. Nó cho nổ trái lựu đạn ngay cầu Chà Sáu đó, chết mười mấy mạng người. Rồi lên xóm trên đốt rụi cả chục cái nhà.

- Rồi ai chở xác tụi nó đi đâu hả ngoại?

- Nào tao có biết đâu, chắc chở về quê nó đó !

Tôi nghe ngoại kể khoái quá. Lần nào cũng hỏi tới tới. Cho tới khi ngoại kể hồi xưa có ông du kích bị bắn chết ngay chỗ bụi tre kế bên nhà tôi thì tôi run, không dám hỏi nữa.

Ngoại cười :

- Nhiều người thấy ổng rồi đó. Nhưng ổng hiền lắm. Người mình mà, tốt lắm con, chỉ hù mấy thằng địch thôi. Mà không biết giờ ổng có về nhà chưa...  

Lần nào kể lại chuyện ông du kích chết chỗ bụi tre, ngoại lại thở dài lẩm bẩm: "Không biết ổng có về nhà chưa?". Nghe nói nhà ổng ở xa lắm. Đâu tận miệt Đồng Tháp. Ổng cũng có vợ con gia đình giống như mình. Mấy lần ổng ngồi tâm sự với ngoại, nói nhớ vợ con quá, mong đất nước sớm hòa bình, mà cuối cùng lại ngã xuống nơi đất khách. Ngoại từng nấu cho ổng một bữa cơm, có món mắm chua đu đủ ổng thích. Ổng ăn mà cứ kéo ống tay áo lau mắt hoài. Chắc nhớ nhà.

Loạn lạc mà, như cái nhà bà Bảy ở gần, chồng con đều bị địch giết hết chỉ trong một buổi chiều. Bao nhiêu anh du kích đóng quân ở nhà ngoại cũng đã ra đi. Tới giờ ngoại vẫn còn nhớ sở thích của từng người. "Tụi nó ghiền nhứt là rau lang luộc chấm mắm nêm". Năm nào nhà có giỗ, ngoại cũng làm thêm một mâm, có mắm chua, có rau lang luộc để trên chiếc bàn tròn ngoài sân, gọi là mâm cúng các anh hùng liệt sĩ. Ngoại đứng tựa cửa nhìn về hướng bụi tre già rậm rạp, buồn.

- Vậy chuyện ông du kích hù mấy thằng địch là có thiệt không ngoại?

- Có chớ, ổng hù chạy có cờ !

Hồi đó nghe ngóng biết ông ngoại theo kháng chiến nên có mấy thằng lạ mặt lúc nào cũng dòm ngó. Một đêm âm u, cả xóm đang ngủ đột nhiên nghe tiếng la hét thất thanh. Cả xóm nhổm dậy thắp đèn sáng lóa. Tụi nó chạy từ hướng bụi tre như ma đuổi, kinh hãi: "Có ma…". Ngoại gặng hỏi mới biết, tụi nó thấy cái mặt ông du kích nào xanh lè xanh lét hiện lên giữa bụi tre rồi đuổi theo mới chạy trối chết vậy chứ.

Sau này khi cha cưới mẹ ,ngoại mới cho phần đất đó để cất cái nhà nho nhỏ. Mấy lời đồn về bụi tre cũng nhanh chóng đi vào lãng quên, chỉ những người già mỗi khi ngồi uống nước trà đàm đạo với nhau, mới vui miệng nhắc lại. Mà từ lúc hòa bình, cũng không một ai thấy ông ấy nữa. Tôi tin ông du kích hiền như lời ngoại nói, nên hết sợ. Có lần tôi đạp xe về tới bụi tre thì mắc cái gì đó phi thẳng xuống mương. Tự nhiên tôi nghĩ đến ổng, đứng dưới mương khấn vái "Ông ơi ông đừng hù con nha". Cha tôi nhảy xuống mương vớt tôi với chiếc xe đạp lên bờ. Nghe tôi cầu xin ông du kích, cha tôi cười một trận đã đời.

- Ngoại kể nữa đi ngoại

- Tụi bây ngồi cả đám mà không ai phụ tao gói bánh. Nếp đậu trở chua hết rồi!

Nghe ngoại nhắc khéo, mọi người đang ngồi say sưa ngóng chuyện mới vỡ lẽ, suýt nữa thì quên mất để ngoại ngồi gói bánh một mình. Nói gì chứ chuyện hồi xửa hồi xưa, ngoại kể là hay nhất, toàn chuyện chiến tranh ,chết chóc, nghèo khổ mà nghe không chán, nghe để nhớ, để thương hoài. Nghe hoài, nghe miết ,riết rồi nhiều bữa, trong giấc mơ, tự nhiên thấy mấy ông du kích cười nói rôm rả đầy nhà.

- Hồi xưa tao kể cho mấy ổng nghe, mấy ổng cũng khoái lắm, bắt tao kể tới nửa đêm mới chịu đi ngủ. ông ngoại bây còn hay thêm thắt ma cỏ cho ghê hơn, làm mấy chú trẻ tuổi ám ảnh. Họ về kể ngồi phục kích trong bụi trâm bầu ở ngoài gò kia mà cứ thấy lạnh lưng hoài. Mỗi lần như thế ông ngoại bây lại cười ha hả, đắc ý lắm.

- Mà mới đó mấy chục năm rồi…

Ngoại buông cái bánh vừa gói xuống, miên man buồn.

Kể chuyện làng: Xóm nhỏ ngoại kể ngày xưa - Ảnh 2.

Mùa sơ ri chín đỏ vườn - ảnh Hoàng Anh Linh

Ông ngoại mất trong một buổi sáng sớm mùa hè. Ngoại nấu xong bữa cơm, giục ông ngoại ăn rồi hãy đi. Ông ngoại cầm súng, cười trấn an nói chút nữa ông về. Nhưng ra tới đầu đường, ông ngoại bị một đám lính bất ngờ bắn chết. Nghe cậu kể, mình mẩy ông đầy máu me. Vậy mà ngoại không sợ, lấy chiếc khăn rằn tắm rửa, lau sạch sẽ người ông. Ngoại buồn bã: "Ổng còn chưa kịp ăn cơm…". Tới khi ông nằm sâu dưới ba tấc đất, đêm đó, cậu hai bò dậy vì muỗi cắn, nghe ngoại ngồi ngoài hè khóc thổn thức cả đêm. Năm đó ông ngoại chỉ mới hai mươi tám tuổi.

Sau khi ông mất, một mình ngoại làm ruộng, trồng bầu bí, rau muống, dưa gang… nuôi năm cậu dì còn rất nhỏ. Mỗi ngày lúc ba giờ sáng, ngoại tranh thủ dậy để cắt rau chất đầy lên cái xe đạp rồi dẫn bộ ra bán ở chợ huyện cách đó hơn mười cây số. Mà đường đi đâu có bằng phẳng, con đường đá đỏ toàn ổ gà ổ voi. Má còn nhỏ tí teo cũng mắt nhắm mắt mở liêu xiêu theo ngoại đi chợ. Má đi trước cầm đèn để soi đường, vừa đi vừa ngủ cứ vấp té hoài. Qua cây cầu gỗ lớn bắc qua sông, má ngủ gật làm rớt cái đèn dầu xuống đáy sông. Ấy vậy mà nhanh, mấy năm sau giải phóng đất nước hòa bình, từ ruộng rau của ngoại, chẳng mấy chốc cậu dì ai cũng lớn phổng phao. Tuổi xuân của ngoại đã trôi qua trong bom đạn của chiến tranh như thế.

Ngoại rơm rớm nước mắt. Sợ ngoại lại buồn, cậu hai lấy cớ:

- Trời nghĩ lại năm đó ba mới hai mươi tám tuổi mà má đã đẻ tới năm đứa con. Ba mà còn sống chắc tụi con Linh, thằng Luân lại có thêm chục cậu dì nữa.

Ngoại  đánh vào lưng cậu hai cái chát :

- Thằng này già rồi mà còn khỉ khỉ à. 

Cả nhà nghe thấy, cười ồ lên. Ngoại lấy tay quệt nước mắt, cười theo.

Tiếng gà gáy trưa vang vang ở cái xóm ven sông tĩnh lặng. Ngôi nhà cũ dậy lên mùi bánh tét lá mới vừa chín tới thơm phưng phức. Ngoại run run thắp những nén nhang cho tổ tiên, cho ông ngoại, và cho những anh hùng đã khuất. Ngoại chín mươi tuổi rồi, sống gần một thế kỷ. Bao nhiêu mất mát đau thương trải qua đã nhiều đâu ai đong đếm nổi. Tôi nhìn xung quanh, tưởng tượng ra một thuở xa xưa các chú dân quân ùa về vui vẻ đầy nhà. Cả ông ngoại nữa. Mảnh đất anh hùng này, bao nhiêu người đã ra đi.

Tự nhiên thấy ngoại trầm ngâm nhìn ra khoảng sân đầy nắng, lại lẩm bẩm :

- Không biết mấy ổng có về nhà chưa?

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem