Dân Việt

Đồng Nai: Vì sao gần 100 hộ nuôi cá bè lòng hồ Trị An chưa chịu di dời, tỉnh phải ra cảnh báo khẩn?

Trần Khánh 26/05/2021 15:57 GMT+7
Mực nước nước sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) đang rút xuống khá nhanh. Các hộ nuôi cá bè ở lòng hồ Trị An cần sớm di dời vào vùng sắp xếp để hạn chế thiệt hại.

Chi Cục Thủy sản Đồng Nai vừa ra khuyến cáo đề nghị các hộ nuôi cá bè tại khu vực lòng hồ Trị An cần sớm di dời vào vùng sắp xếp thuộc đề án quản lý, sắp xếp ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An của tỉnh Đồng Nai.

Hộ nuôi cá bè lòng hồ Trị An còn chần chừ

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, mực nước sông Đồng Nai, ở thượng lưu hồ Trị An và các sông suối khác xuống chậm trong tháng 4.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, mực nước trên sông La Ngà, huyện Định Quán đã rút xuống khá nhanh, từ mực cos 59,2 m xuống cos 56,7m.

Nước sông La Ngà, huyện Định Quán đã rút xuống khá nhanh

Nước sông La Ngà, huyện Định Quán đã rút xuống khá nhanh

Để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra cho cá nuôi lồng bè, các hộ nuôi cá bè lòng hồ Trị An cần chủ động các biện pháp di dời đã được ngành chức năng địa phương tuyên truyền, khuyến cáo.

Tại khu vực này đã từng xảy ra nhiều vụ cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Nguyên nhân được xác định là do môi trường nước thay đổi. Nhất là trong giai đoạn chuyển mùa từ nắng chuyển sang mưa, và mực nước lòng hồ Trị An xuống thấp.

Nhằm giảm thiểu tình trạng này, năm 2020 UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án quản lý, sắp xếp ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An. Đề án gồm 8 vùng nuôi cá lồng bè, với tổng chiều dài hơn 34.000m.

Theo đó, tổng số lồng bè trên hồ Trị An được bố trí sắp xếp trên 600 bè, kèm theo hơn 1.200 lồng, vào 8 vùng nuôi.

Làng bè La Ngà, huyện Định Quán có khoảng 168 hộ trong diện phải di dời theo đề án với số lượng hơn 300 lồng bè nuôi.

Năm 2020, qua tuyên truyền đã có 69 hộ di dời vào vùng nuôi của đề án. Số còn lại vẫn chưa thực hiện di dời.

Làng nuôi cá bè lòng hồ Trị An khu vực La Ngà, huyện Định Quán

Làng nuôi cá bè lòng hồ Trị An khu vực La Ngà, huyện Định Quán

Từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo Sở NNPTNT, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và các địa phương hỗ trợ, vận động bà con vào vùng nuôi được sắp xếp trong đề án.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, một hộ nuôi cá bè tại lòng hồ Trị An cho biết, các chủ bè cá thường di chuyển lồng bè theo con nước mỗi năm từ 4-5 lần. Bà con nuôi cá bè lòng hồ Trị An chấp nhận thực hiện chính sách di dời.  

Tuy nhiên, do nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như nỗi âu lo khi có mưa bão đánh vỡ bè nên một số hộ nuôi cá chưa di dời vào vùng nuôi đã được sắp xếp.

Ông Hùng kể ví dụ, tại khu vực nuôi ở La Ngà, một bình nước uống có giá 10.000 đồng. Vào trong khu vực sắp xếp của đề án, giá bình nước tăng lên 20.000 đồng do quãng đường di chuyển xa. Tương tự, một cây nước đá ở đây 20.000 đồng thì vào khu đề án là 40.000 đồng.

"Ngoài khó khăn do kinh phí di dời, khu vực nuôi trong đề án khá trống trải. Nhiều người ngại mưa bão gây sóng to gió lớn ảnh hưởng đến lông bè nên còn chần chừ", ông Hùng nói.

Biện pháp cần thiết cho hộ nuôi cá bè lòng hồ Trị An

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Định Quán, cá nuôi lồng bè dễ mẫn cảm với ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, khí tượng thủy văn, cho đến sự thay đổi chất lượng môi trường nước.

Việc vận động các hộ nuôi cá bè lòng hồ Trị An vào vùng nuôi trong đề án nhằm hạn chế thiệt hại, và đảm bảo tài sản cho các hộ trong giai đoạn giao mùa.

Chất lượng nước sông thay đổi, vẩn đục sẽ ảnh hưởng đến cá nuôi lồng bè. Ảnh IT

Chất lượng nước sông thay đổi, vẩn đục sẽ ảnh hưởng đến cá nuôi lồng bè. Ảnh IT

Huyện Định Quán đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân dưới nhiều hình thức, bố trí kinh phí hỗ trợ để khuyến khích người dân di dời.

Đồng thời lực lượng chức năng cũng lập biên bản nhắc nhở và cho hộ nuôi ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra khi không chấp hành di dời.

Chi cục Thủy sản Đồng Nai khuyến cáo, các hộ nuôi cần nhanh chóng di chuyển bè nuôi đến những khu vực nước bảo đảm được khoảng cách đáy lồng với đáy sông, hồ tối thiểu 0,5m. Các hộ nuôi không đặt bè ở những vị trí nhạy cảm, nước cặn đục, nổi váng.

Khi neo đậu cần đảm bảo khoảng cách an toàn với nhau. Bè cách bè ít nhất 5-15m, cụm bè khi đặt song song nhau phải cách tối thiểu 10m, khi đặt nối tiếp nhau thì khoảng cách tối thiểu 100m.

Khoảng cách này nhằm bảo đảm dòng chảy thông thoáng, và tăng cường khả năng trao đổi nước giữa lồng bè.

Mặc dù lượng oxy hòa tan hiện tại vẫn khá dồi dào, tuy nhiên bà con trên  bè cần chủ động trang bị các loại thiết bị hỗ trợ oxy cho cá nuôi như máy quạt nước, sục khí, máy phun mưa...

Các thiết bị này vừa giúp đề phòng hiện tượng ngạt khí của cá nuôi vào những thời điểm nửa đêm và sáng sớm, vừa giảm hiện tượng phân tầng nhiệt độ do ảnh hưởng của nắng nóng và mưa dông.

Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà, Đồng Nai các năm trước. Ảnh IT

Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà, Đồng Nai các năm trước. Ảnh IT

Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng khuyến cáo bà con nuôi cá bè hạn chế thả giống mới vì thời điểm giao mùa hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của vật nuôi.

Đồng thời, hộ nuôi cần lên kế hoạch theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp hàng ngày, chủ động giảm lượng thức ăn và ngừng cho cá ăn khi nước đứng.

"Bà con chỉ nên cho ăn lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không cho cá ăn vào ban đêm. Bên cạnh đó, có thể bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu với stress cho cá nuôi", Chi cục Thủy sản đề nghị.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, với các hộ nuôi đã thu hoạch cá hoặc chỉ còn duy trì lồng bè cho sinh hoạt hàng ngày, sẽ tiếp tục vận động di dời khi xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở vùng nuôi trong đề án.

Sau khi hoàn thành việc di dời, sắp xếp, đề án sẽ tiếp tục triển khai thêm 7 dự án thành phần nhằm hỗ trợ bà con phát triển ổn định nghề nuôi thủy sản, đảm bảo sinh kế lâu dài.

"Theo đó, huyện Định Quán sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản phát triển vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Mời gọi các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư và thu mua sản phẩm cùng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ", ông Giang chia sẻ.