Ám ảnh của người nuôi cá lồng: Cứ mưa chuyển mùa là cá chết hàng loạt, phút chốc mất tiền tỷ

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 14/04/2021 14:25 PM (GMT+7)
Cứ bước vào giai đoạn chuyển mùa, hiện tượng cá chết hàng loạt lại xảy ra ở các tỉnh thành Đông Nam Bộ.
Bình luận 0

Mùa mưa năm nay được dự báo đến sớm. Hiện tượng cá chết hàng loạt ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước sau những cơn mưa bất thường mới đây lại tiếp tục ám ảnh người nuôi cá.

Liên tiếp xảy ra các vụ cá chết hàng loạt

Sau trận mưa lớn trái mùa đầu tháng 4, người dân ở TP.HCM lại nhìn thấy cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Đây không phải lần đầu cá chết ở khu vực này.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, trong lòng kênh có một lượng bùn lớn. Trong bùn này có chứa nhiều khí độc. Sự thay đổi đột ngột do mưa lớn khiến bùn bị xới lên. Khí độc thoát ra khiến cá bị thiếu ôxy và chết. Hầu hết cá trong kênh lại không phải cá tự nhiên, nên khả năng thích nghi thấp.

Cá nuôi lồng bè trên sông Sài Gòn đoạn qua thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương bị chết trắng. Ảnh: V.D

Cá nuôi lồng bè trên sông Sài Gòn đoạn qua thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương bị chết trắng. Ảnh: V.D

Cùng thời điểm trên, một trận mưa lớn trút xuống địa phận huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương). Anh Huỳnh Long Kiểng, người nuôi cá ở đây kể lại, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, cá lăng chết nổi trắng bè. Những ngày sau, lần lượt cá chép, cá trắm cũng chết sạch.

Số cá chết lên đến trên 35 tấn, khiến gia đình anh Kiểng thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng. Hơn 35 tấn cá này là toàn bộ vốn liếng mà gia đình anh đầu tư vào, chỉ còn ít ngày nữa là thu hoạch. Nay cá bỗng dưng chết sạch, khiến gia đình anh điêu đứng.

Tại xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), lòng hồ thủy điện Thác Mơ là nơi sinh sống của 7 hộ Việt kiều Campuchia về nước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thâu sống nhờ chủ yếu bằng nghề nuôi cá bè hơn 20 năm nay. Nửa tháng trở lại, ông Thâu phát hiện cá lăng của mình bị chết ngày càng nhiều. 

Từ chỗ có 6.000 con cá lắng chỉ còn lại chừng vài trăm, chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh tượng cá chết nhiều như vậy.

Tính trung bình, vụ nuôi cá năm nay mỗi hộ nuôi từ 5.000-6.000 con cá lăng. Cá đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, chuẩn bị cho thu hoạch thì chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ, số lượng cá chết của 7 hộ này là hơn 10 tấn, thiệt hại ban đầu khoảng 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thâu nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Thác Mơ

Ông Nguyễn Văn Thâu nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Thác Mơ

"Điều mà người nuôi cá lo lắng nhất lúc này là chưa tìm ra được nguyên nhân cá chết để có thể yên tâm tái sản xuất. Chúng tôi mong chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ để sớm vượt qua khó khăn", ông Thâu nói.

Theo ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khu vực Nam Bộ thường bắt đầu mùa mưa vào khoảng giữa tháng 5. Nhưng năm nay, do tác động của hiện tượng La Nina, mùa mưa được dự báo đến sớm, từ đầu tháng 5, thậm chí là cuối tháng 4.

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt sau mưa lớn đầu mùa, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Nam Bộ mới đây cũng cảnh báo nguy cơ cá chết hàng loạt với người nuôi cá lồng tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước.

Người dân cố vớt những con cá lớn vừa chết lên ướp đá để đem ra chợ bán, mong vớt vát chút vốn liếng. Ảnh: V.D

Người dân cố vớt những con cá lớn vừa chết lên ướp đá để đem ra chợ bán, mong vớt vát chút vốn liếng. Ảnh: V.D

Ông Lê Hồng Phước - Giám đốc Trung tâm nhận định, hiện tượng cá nuôi bè chết hàng loạt trên khu vực sông La Ngà và sông Sài Gòn vừa qua là do những biến động bất lợi về môi trường.

Lượng mưa lớn kéo dài, cuốn theo tất cả các vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực, làm môi trường thay đổi đột ngột. Cá bị thiếu hụt ôxy trầm trọng vào ban đêm rồi nổi đầu, và chết hàng loạt.

Giảm thiểu rủi ro cá chết hàng loạt

Để ngăn ngừa hiện tượng cá chết hàng loạt, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Nam Bộ khuyến cáo người nuôi cá lồng bè theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kết quả quan trắc chất lượng nước để ứng phó kịp thời.

Một giải pháp cần thiết khác ở khu vực cá chết là người dân ngừng thả nuôi lứa cá mới. Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng xấu của môi trường và có thời gian để cải thiện môi trường nước vùng nuôi.

Cá chết trắng trên sông La Ngà năm 2019. Ảnh: Nhật Linh

Cá chết trắng trên sông La Ngà năm 2019. Ảnh: Nhật Linh

Khu vực cầu La Ngà thuộc hồ Trị An ở huyện Định Quán (Đồng Nai) từng nổi tiếng vì hàng loạt vụ cá chết các năm trước. 

Ông Ngô Văn Thái ở xã La Ngà (huyện Định Quán) kể lại, tháng 5/2018, hàng ngàn tấn cá chết. Đến tháng 5/2019, cũng tại khúc sông đó, cá lại nổi trắng trên sông.

Cá chết với số lượng lớn thường diễn ra trong thời gian ngắn nên người dân không kịp trở tay. Năm 2019, ông Thái là một trong những hộ nuôi "đứng chết lặng" khi chứng kiến hàng tấn cá nổi đầu, ngửa bụng, chết sạch.

Nguyên nhân cá chết những năm trước được xác định là do mật độ nuôi dày đặc. Cùng với mực nước trong lòng hồ Trị An xuống thấp, mưa xuống đột ngột trong giai đoạn chuyển mùa làm thay đổi môi trường sống. Cá thường bị ngộp, thiếu ôxy nên chết hàng loạt.

Nhằm hạn chế tình trạng cá chết, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Đồng Nai đang tích cực vận động bà con di dời vào vùng nuôi được quy hoạch.  Vùng quy hoạch có tổng chiều dài bờ sông là 34.186m, và chia thành 8 vùng nuôi lồng bè.

Khu vực nuôi cá lồng bè trong hồ Trị An (Đồng Nai) nhìn từ cầu La Ngà

Khu vực nuôi cá lồng bè trong hồ Trị An (Đồng Nai) nhìn từ cầu La Ngà

Ông Nguyễn Văn Anh kể, trước kia, gia đình cũng nuôi cá ở khu vực cầu La Ngà. Cá nuôi rất mẫn cảm với những thay đổi thất thường của nguồn nước. Thấy nguồn nước ở đâu tốt thì gia đình di chuyển.

Hiện ông đang nuôi cá lồng bè tại vùng nuôi số 6 trong vùng quy hoạch của hồ Trị An. Khu vực này ở ngã ba sông, tuy sóng to, gió lớn nhưng chất lượng nguồn nước ổn định. Ông Anh kể, lúc mới vào còn bỡ ngỡ. Sau thấy môi trường chăn nuôi tốt, cá lớn nhanh, cuộc sống và tâm lý của bà con dần ổn định hơn.

Ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, đến cuối tháng 6 là thời gian cao điểm phối hợp cùng các địa phương thực hiện vận động để bà con di dời. Chi cục sẽ tăng cường tần suất quan trắc và cảnh báo môi trường để các hộ nuôi nắm bắt thông tin kịp thời.

"Các ngành chức năng đang nỗ lực hoàn tất việc di dời trong năm nay. Đây là giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các hộ nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An vào thời điểm giao mùa hàng năm", ông An chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem