Dân Việt

Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài 3): Khi vải thiều lên… sàn

Khánh Nguyên 27/05/2021 18:57 GMT+7
Đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử, song song với xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường và đưa vải vào hệ thống siêu thị, là cách tỉnh Hải Dương triển khai để đảm bảo tiêu thụ vải thuận lợi trong điều kiện Covid-19. Và đến thời điểm này, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh vẫn thuận lợi.

Đơn hàng tới tấp sau khi vải thiều lên... sàn

Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, ngày 24/5 vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã chính thức được bán trên sàn thương mại điện từ Sendo. 

Đại diện Sendo cho biết, chỉ sau hơn 4 tiếng mở bán, đã có hơn 3 tấn vải thiều Thanh Hà được khách hàng đặt mua với mức giá khá cao.

Trên Sendo, vải u hồng loại 1 giá 405.000 đồng/15kg; vải u hồng loại 2 giá 357.000 đồng/15kg. Nhà cung cấp và Sendo đang triển khai chính sách kinh doanh không lợi nhuận, hỗ trợ giá để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đúng nguồn gốc. 

Hiện giá mua tại vườn của vải đưa lên sàn là 25.000 đồng/kg, song giá niêm yết tại sàn chỉ từ 18.000 đồng/kg.

Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài 3): Khi vải thiều lên… sàn - Ảnh 1.

Sơ chế vải tại Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.K

20 tấn vải thiều chín sớm đi máy bay sang Nhật

Ngày 26/5, tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu sẽ xuất khẩu lô vải sớm Tân Yên đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn.

Số vải thiều này được xử lý sơ chế tại Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang).

Đây là lần đầu tiên quả vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu quả tươi sang thị trường Nhật Bản. Sự kiện này cũng khẳng định vải thiều Bắc Giang - bao gồm cả vải sớm và chính vụ hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.


Ngoài ra, khi đặt mua vải Thanh Hà trên sàn Sendo, khách hàng còn được nhiều ưu đãi.

Ngoài sàn Sendo, vải Thanh Hà đang được bán trên 2 sàn thương mại điện tử khác là Voso và Lazada. 

Theo đánh giá, vải thiều Thanh Hà bán qua sàn Lazada vẫn rất tốt, được người tiêu dùng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đón nhận, đơn đặt hàng nhiều hơn mong đợi của chủ sàn Ladaza.

Trong nhóm Zalo do Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương lập với mục đích kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn cùng xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương trong bối cảnh dịch Covid-19, mấy ngày gần đây liên tục nhận được tin vui từ nông dân, các thương lái, hợp tác xã do giá vải thiều tăng.

"Em vừa xuống Thanh Cường (Thanh Hà), vào vườn vải có sản phẩm trưng bày ở Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương, giá vải thiều đã tăng 10.000 đồng/kg, đạt 50.000 đồng/kg. Anh chủ vườn Trịnh Văn Cường giải thích: Sau khi lên sàn nhiều đơn quá... giá tăng 10%" - một tài khoản thông tin với lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương.

Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, đơn vị chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử, cho biết, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Lazada, phản hồi của khách hàng rất tốt.

Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ vải thiều

Theo ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch tiêu thụ vải thiều vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo kết nối tiêu thụ vải thuận lợi. 

"Theo đó, chúng tôi tăng cường kết nối trực tuyến, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức thu mua, xuất khẩu vải thiều thuận lợi" - ông Việt Anh khẳng định.

Từ ngày 19/5/2021 vải thiều Thanh Hà đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến" cùng chính sách giá ưu đãi, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức thương mại điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ngay trong tháng 5, khi mùa vải thiều Bắc Giang vào vụ với sản lượng khoảng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, hợp tác với các Sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada...

Trong buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

 Để Bắc Giang tiêu thụ nông sản thuận lợi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều qua trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ