Theo báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), hiện nay, phía Hải quan Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường.
Trung Quốc cũng nghiêm cấm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới các loại nông sản chưa được mở cửa thị trường.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, khử trùng bao gói hàng thủy sản, hoa quả nhập khẩu, phương tiện vận chuyển và tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài.
Trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn, hiện tại, phía Trung Quốc đã có thông báo tạm ngừng thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu phụ Pò Nhùng - Dầu Ái và Na Hình - Kéo Ái để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Một số cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như Bình Nghi, Nà Nưa, Co Sâu, Bản Chắt vẫn chưa được khôi phục hoạt động từ năm 2020.
Tại tuyến biên giới Quảng Ninh, cửa khẩu Ka Long chưa thông quan do phía Trung Quốc chưa khôi phục hoạt động bến Biên mậu Đông Hưng; các điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm, Đại Vai mặc dù được khôi phục thông quan song hoạt động chưa hiệu quả.
Đáng chú ý, từ ngày 01/5/2021, Trung Quốc cho phép hàng hoa quả Việt Nam (gồm có 9 loại: thanh long, nhãn, vải, xoài, mít, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chuối) và hoa quả các nước (trong đó có hoa quả Thái Lan là 40 loại) được Trung Quốc cho nhập khẩu được thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) tại cầu Bắc Luân II theo hình thức mậu dịch thông thường (doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch).
Từ ngày 05/5/2021, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) cũng sẽ tăng số lượng sổ thông hành cư dân biên giới để phục vụ nhập khẩu nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam và hàng các nước quá cảnh qua Việt Nam lên 30.000 sổ - gấp 3 lần hiện nay, tương đương lượng hàng xuất khẩu đạt 864 tỷ đồng/ngày.
Trước những thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế biên mậu, quản lý xuất nhập khủa nông sản của thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh triển khai gấp một số giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói chung và quả vải nói riêng.
Theo đó, trong công văn này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện luồng xanh đối với quả vải xuất khẩu đủ tiêu chuẩn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới theo hình thức chính ngạch.
Tăng cường trao đổi với chính quyền phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi và tăng thời gian thông quan đối với các loại nông sản đến thời điểm thu hoạch, đặc biệt là đối với quả vải đến thời điểm thu hoạch chính vụ.
Tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nông sản xuất khẩu qua biên giới chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác;-
Chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.