Giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 đợt, Trung Quốc giảm ngô, mua cả triệu tấn nông sản này của Việt Nam trộn cho rẻ

P.V Thứ năm, ngày 20/05/2021 13:13 PM (GMT+7)
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 7 đợt liên tiếp do giá nguyên liệu tăng chóng mặt. Ngay cả Trung Quốc, do giá ngô tăng quá cao đã phải tăng mua sắn lát từ Việt Nam để thay đổi thành phần thức ăn cho lợn, gia cầm.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 7 lần liên tiếp

Giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người chăn nuôi đang bất an khi giá heo hơi, giá gia cầm lại đang có xu hướng giảm.

Trên nhiều diễn đàn chuyên về chăn nuôi nhiều người chăn nuôi than thở mức giá chăn nuôi tăng quá cao như hiện nay khiến họ ngại ngần không muốn tái đàn, đặc biệt khi giá heo hơi, gia gia cầm đang giảm, giá heo hơi hiện chỉ đạt 68.000 - 70.000 đồng/kg.

Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã có đến 7 lần tăng giá thức ăn chăn nuôi, hầu như tháng nào cũng có một đợt tăng giá, hồi đầu tháng 5, các doanh nghiệp lại tiếp tục có đợt điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. 

Cụ thể, ngày 10/5, Công ty Vina Miền Bắc chính thức tăng giá đối với tất cả các sản phẩm của thương hiệu VINA, mức tăng giá thức ăn chăn nuôi cao nhất là 3.000 đồng/kg (đối với sản phẩm 100S loại đặc biệt).

Các loại thức ăn chăn nuôi khác của Công ty Vina miền Bắc đều có mức tăng giá khoảng 300 đồng/kg.

Trong khi đó, Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN cho biết, họ buộc phải tăng giá bán đối với sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm, do nguyên liệu ngày càng tăng cao.

Theo đó, giá các loại thức ăn đậm đặc cho lợn và gà của công ty này tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho lợn con tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho lợn nái và lợn thịt tăng 350 đồng/kg. 

Giá thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN áp dụng kể từ ngày 7/5/2021.

Ngày 5/5/2021, Công ty TNHH Cargill Việt Nam thông báo đến khách hàng thủy sản miền Nam và miền Bắc việc tăng giá 250 - 500 đồng/kg đối với thức ăn cho cá tra; cá thát lát, ếch, cá chép… 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong bối cảnh giá heo hơi, giá gia cầm đều giảm sẽ gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi các doanh nghiệp cũng phải đau đầu cân đối.

Hiện, giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65 - 70% giá thành sản xuất nên việc giá liên tiếp phi mã tới 7 lần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 đợt, Trung Quốc giảm ngô, mua cả triệu tấn nông sản này của Việt Nam trộn cho rẻ - Ảnh 1.

Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ngay cả Trung Quốc cũng phải tăng nhập khẩu sắn để thay đổi tỷ lệ phối trộn cám cho lợn, gà để giảm giá thành sản xuất. Ảnh: I.T

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nguyên liệu tăng, Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn để thay đổi thành phần cám

Theo nhận định của ngành chức năng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu cho cho chăn nuôi như bắp, bã đậu, đậu tương... tăng tới 15-40%. 

Theo Bloomberg, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới bắt đầu tăng từ tháng 10 năm ngoái và tăng đột biến từ đầu năm nay, bình quân 30-35%.

Đây chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trên thế giới bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 đến nay.

Tại Việt Nam, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm nay tăng gần 6,7% so với cùng kỳ 2020, tác động tới giá thành mặt hàng này trong nước.

Không chỉ tại Việt Nam, người chăn nuôi Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại do giá thức ăn chăn nuôi tăng, đến nỗi ngày 21/4, Trung Quốc phải ban hành hướng dẫn khuyến nghị (không bắt buộc) giảm ngô và bã đậu tương trong thức ăn cho lợn và gia cầm.

Nguyên nhân là do giá ngô của Trung Quốc đã tăng hơn 30% trong năm gần đây, nhất là sau khi sản lượng và kho dự trữ nhà nước sụt giảm. 

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 175 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi mỗi năm, nước này cũng nhập khẩu gần 100 triệu tấn đậu tương để nghiền thành bã đậu cho động vật.

Tuy nhiên, do giá ngô tăng quá cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, Trung Quốc đã tăng tốc nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam, Thái Lan để thay đổi thành phần phối trộn thức ăn chăn nuôi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 95,04% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 555.980 tấn, trị giá 251,84 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 190.230 tấn, trị giá 85,36 triệu USD, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tháng đầu năm 2021 chiếm 20,72%.

Ngoài tinh bột sắn, Trung Quốc cũng nhập nhiều sắn lát khô của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 95,63% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 385.460 tấn, trị giá 96,33 triệu USD, tăng 94,6% về lượng và tăng 119,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sắn lát tăng là do giá tinh bột sắn và ngô tăng mạnh, nhiều nhà máy Trung Quốc đã ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền và đẩy mạnh mua mặt hàng này từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc thay đổi công thức cám cho lợn và gia cầm theo hướng tăng sắn lát và tinh bột sắn, đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này.

Dự báo xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem