Chiều 31/5, tại Toạ đàm "Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19", chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thanh cho rằng, để quản lý con mùa dịch Covid-19 cha mẹ không nên áp dụng những cách thức quá cứng nhắc. Bà Thanh khuyến cáo, cha mẹ không nên cấm con vào mạng internet, thay vào đó hãy giúp con có nhiều hoạt động trải nghiệm từ cuộc sống.
"Những cha mẹ có thời gian, chỉn chu có thể áp dụng cách thức bài bản, cũng có những cha mẹ thì không. Không cần quá gò bó, làm cách nào cũng được nhưng phải đúng phương châm, thực hiện dựa trên nguyên tắc quyền đi đôi với nghĩa vụ và các phương pháp phải tạo ra được sự khích lệ cho các con", bà hà Thanh nói.
Một nguyên tắc nữa cha mẹ cần phải lưu ý đó là, khi chơi cùng con thì phải toàn tâm, toàn ý. Không thể vừa làm việc vừa chơi cùng con, dù ít thời gian nhưng phải tạo ra khoảng thời gian chất lượng khi ở bên cạnh con. Điều đó sẽ khiến các con cảm thấy bố mẹ thực sự muốn quan tâm, lo lắng, muốn chia sẻ cùng con.
Bà Hà Thanh chia sẻ kinh nghiệm bản thân đã thành công trong việc giúp con tham gia trải nghiệm về cuộc sống. Bà kể: "Tôi từng cho con tham gia trải nghiệm về một số công việc trong cuộc sống. Một ngày tôi cho con làm người đánh giày. Ngày hôm đó con đã kiếm được 50.000 bằng chính công sức của mình và con cảm thấy rất vui. Cha mẹ có thể áp dụng cách này để các con được tìm hiểu khám phá về nhiều nghề hơn, ví dụ như làm người ship đồ, làm đầu bếp...".
Nghệ sĩ Xuân Bắc thì cho rằng, internet không có lỗi, nhưng đúng là phải kiểm soát con xem gì, chơi gì trên điện thoại, trên tivi.
"Vừa qua Bộ TTTT đã có văn bản gửi địa phương rà soát để loại bỏ kênh không phù hợp với trẻ em. Mặt khác, tới đây Cục trẻ em sẽ phối hợp với cơ quan an ninh, Bộ TTTT, Bộ Công an thiết lập chương trình kiểm soát an ninh, an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng".
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH).
"Hãy nhìn internet ở khía cạnh tích cực. Tôi vẫn thường chơi game cùng con, hai bố con thảo luận về nhiều chủ đề có liên quan hoặc thi xem ai thắng ai thua. Con tôi không hề nghiện game mà ngược lại cháu hiểu nguyên tắc để được chơi game thì phải hoàn thành nghĩa vụ với gia đình. Đồng thời hiểu được game chỉ trò giải trí, lúc thích thì cả hai bố con cùng chơi. Như vậy tôi vẫn kiểm soát được con chơi gì, làm gì trên môi trường mạng", nghệ sĩ Xuân Bắc nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng nếu trẻ em dành thời gian để vào mạng và xem tivi thì cha mẹ cần ủng hộ, đồng hành cùng con, không nên cấm con.
"Bên cạnh những điểm không tích cực, thì mạng xã hội, internet cũng có nhiều lợi ích, bởi vậy cha mẹ không nên cấm con vào mạng. Hiện nay trên tivi, mạng xã hội có rất nhiều chương trình giải trí lành mạnh, bổ ích cho trẻ. Vấn đề cha mẹ cần phải lựa chọn kênh nào, chương trình gì thật phù hợp với con. Nếu có thể, nên tham gia cùng. Cùng xem, cùng góp ý thảo luận với con. Tuyệt đối không cấm, vì càng cấm trẻ càng tò mò và muốn xem bằng được", bà Nga nói.
Mặc dù đồng tình với việc không nên cấm con sử dụng tivi hay điện thoại vào mạng internet nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần giới hạn số giờ vào mạng. Thay vì để con xem tivi, dùng điện thoại liên tục, ba mẹ có thể tìm giải pháp kèm theo để chương trình sinh hoạt ngày hè của con thực sự ý nghĩa, vui vẻ.
Bà Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, kể cả trong thời gian nghỉ dịch, các con cũng cần được xây dựng kế hoạch để học hành, vui chơi giải trí.
"Cha mẹ cần phải lên kế hoạch hoạt động của ngày hôm sau từ tối hôm trước. Những kế hoạch này phải thống nhất dựa trên nguyên tắc là quyền đi đôi với nghĩa vụ. Các con có quyền vui chơi làm thứ mình thích nhưng cũng phải có nghĩa vụ kèm theo", bà Lan nói.
Bà Lan lấy ví dụ như các con có quyền chơi trò chơi con thích, xem chương trình con thích, nhưng các con có nghĩa vụ giúp bố mẹ làm việc nhà, làm công việc của bản thân.
Ngoài ra, để hoạt động đó có ý nghĩa, hiệu quả, bố mẹ cũng nên ứng xử với con nhẹ nhàng, dùng từ ngữ ngọt ngào. Điều này sẽ khích lệ các con rất nhiều trong việc thực hành.
Chị Nguyễn Lan Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ ngày con được nghỉ học, vợ chồng chị lên kế hoạch sinh hoạt gia đình theo tuần. Ví dụ: Hàng ngày các con có thể đọc truyện, vẽ tranh, chơi cùng các bạn hàng xóm. Ngoài ra hàng tuần, gia đình cũng lên kế hoạch để cả nhà cùng vào bếp nấu một món gì đó thật ngon vào cuối tuần. Ngoài ra, mỗi tối vợ chồng chị cùng các con sẽ ngồi nói chuyện, xem tivi cùng nhau 30 phút cho tới 1 tiếng, rồi cùng thảo luận hay nói chuyện về công việc trong ngày.
"Điều đó giúp gia đình tôi gắn kết được với nhau. Các con cũng không thấy chán nản hay buồn tẻ dù phải ở nhà trong suốt một thời gian dài", chị Lan Anh chia sẻ.