Dân Việt

Giá mít Thái miền Đông giảm chỉ còn 9.000 đồng/kg, mất hẳn “thời hoàng kim”

Nha Mẫn 03/06/2021 06:00 GMT+7
Giá mít Thái hôm nay tại các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục giảm về mức thấp, khiến nhiều hộ nông dân lỗ nặng.

Thời gian qua, người trồng mít Thái tại các tỉnh Đông Nam bộ đang lao đao, gặp nhiều khó khăn vì giá mít Thái thấp tận đáy. Nguyên nhân giá mít thấp là do cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu bị "đóng băng" vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Giá mít Thái hôm nay 1/6: Mít còn 9.000 đồng/kg, mất hẳn “thời hoàng kim” - Ảnh 1.

Thương lái chuyên thu mua các loại mít tại Đồng Nai cho biết hiện nay giá mít thấp khiến cả nông dân lẫn thương lái đều gặp khó khăn

Tại Đồng Nai, vài năm nay, diện tích trồng mít Thái tăng mạnh, nông dân đổ xô đua nhau trồng mít Thái. Điều đó khiến cho sản lượng mít mỗi vụ thu hoạch quá lớn trong khi nhu cầu hạn chế vì dịch Covid-19, mít bỗng dưng mất vị thế.

Cụ thể, giá mít Thái hôm nay được thương lái mua vào với giá 9.500 đồng/kg loại nhất; 5.000 – 6.000 đồng/kg loại 2; 3.000 đồng/kg loại 3 và 500 – 1.000 đồng/kg đối với mít chợ - mít xô.

Còn tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu giá mít Thái èo ọt, cũng thấp tương tự Đồng Nai. Giá mít loại nhất dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Mít loại 2 chỉ được giá 5.000 đồng/kg. Riêng mít xô, mít chợ thương lái kén mua, chủ yếu phải băm nhỏ cho gà vịt, cá ăn dần.

Giá mít Thái hôm nay 1/6: Mít còn 9.000 đồng/kg, mất hẳn “thời hoàng kim” - Ảnh 2.

Hiện nay giá mít thái ở các tỉnh Đông Nam bộ chỉ còn 9.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nam, người trồng mít tại huyện Định Quán (Đồng Nai), than thở: "Mít Thái hết thời hoàng kim rồi, giờ nó khiến người trồng ngám ngẩm, chán nản vì giá thấp tận đáy. Tôi nhớ vài năm trước, mít Thái bán tại vườn lúc cao điểm đến 35.000 – 45.000 đồng/kg. Thấp điểm cũng được giá trên 20.000 đồng/kg.

Vậy mà năm nay chỉ thấy mít rớt giá, không tăng được đồng nào, loại nhất chỉ được từ 9.000 – 15.000 đồng/kg. Nói thật năm nay lỗ nặng, cứ mỗi tấn mít mất cả triệu bạc, tính ra cả năm làm thu lại được có vài đồng bạc, không xứng đáng".


Giá mít Thái hôm nay 1/6: Mít còn 9.000 đồng/kg, mất hẳn “thời hoàng kim” - Ảnh 3.

Loại mít nhất múi đều, vàng ươm được thương lái mua nhiều, riêng loại 2-3 thương lái đang kén mua

Tương tự, bà Hoàng Thị Ân, một hộ trồng mít ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng buồn bã không kém.

Bà Ân nói rằng trước đây gia đình bà chủ yếu trồng nhãn, nhưng vào cuối năm 2016 bà thấy mít Thái được giá nên chặt bớt 1ha nhãn để trồng mít. Lúc đó, bà hy vọng bao nhiêu về mít Thái thì nay thất vọng bấy nhiêu.

"Tôi đi sau người ta cứ nghĩ giá cả ổn định, nhưng ai ngờ đến khi mít đủ tuổi cắt bán lứa đầu tiên đã vỡ mộng. Chí ít giá mít Thái phải tầm 20.000 đồng/kg nông dân chúng tôi mới đủ trang trải các chi phí chăm sóc và có lãi chút đỉnh. Giờ đứng trước cái cảnh khổ về giá chúng tôi không biết tính sao", bà Ân buồn rầu nói.

Thương lái Nguyễn Hoàng Năm, người chuyên mua mít tại Đồng Nai cũng chia sẻ với những khó khăn của người trồng mít.

Ông Năm cho biết, mít Thái có thể cho thu hoạch quanh năm và đợt này đang là vụ chính. Tuy nhiên do thị trường xuất khẩu ảm đạm vì dịch Covid-19 nên giá mít khó cao.

"5 năm buôn mít, tôi chứng kiến mít Thái từng gây sốt thị trường vì thuộc top đầu cây trồng cho lợi nhuận cao. Có thời điểm, mít sốt giá chúng tôi về vườn thu mua tận 50.000 – 60.000 đồng/kg. 

Nhiều nông dân từng giàu lên nhờ mít vì có những trái mít bán ra được cả triệu bạc là bình thường. Chắc là do ai cũng thấy được lợi nhuận khủng từ cây mít nên đổ xô trồng mít giờ gây ra cảnh dội chợ, cung vượt cầu nên giá thấp. Tình hình này dự là giá mít khó tăng, e là chỉ giảm", ông Năm nói.

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có gần 6.000ha mít. Diện tích này đã tăng khoảng vài ngàn ha so với 2 năm trước. Điều đó khiến cho sản lượng mít tại Đồng Nai rất lớn, dẫn đến cung vượt cầu.

Trước thực trạng cây ăn trái trong đó có mít liên tục mất giá, Đồng Nai đang đưa ra phương án xây dựng các cánh đồng lớn, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Mục đích tương lai sẽ giúp người dân tháo gỡ được khó khăn về đầu ra.